Nhận diện bệnh cúm

Các chủng cúm như H5N1, H1N1, H7N9 đang tồn tại song hành cùng cúm mùa và nhiều bệnh lý khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Dịch H5N1 vẫn chưa lui và đang có dấu hiệu tấn công, cúm A/H7N9 đang rình rập. Cả hai loại virus cúm nguy hiểm này đều chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cúm H1N1 cũng vừa cướp đi mạng sống của một người đàn ông và hơn 10 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và tay chân miệng.

 
Tiêm phòng vắc-xin cúm mùa tại một điểm tiêm chủng ở Hà Nội

Phân biệt với cúm mùa

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sổ mũi, ho và sốt là những triệu chứng ban đầu của rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh do virus cúm. Trong đời mỗi người ai cũng mắc cúm ít nhất vài lần. Cúm là một loại bệnh truyền nhiễm gây viêm đường hô hấp cấp tính do virus. Tác nhân gây bệnh là 3 type virus cúm A, B, C. Gây bệnh phổ biến trên người với tỉ lệ tử vong cao là virus cúm type A và B.

Bác sĩ Hà cho biết khi bị cúm, cơ thể thường cảm thấy mệt mỏi hơn với những dấu hiệu đặc trưng như sốt đột ngột, sốt cao 39oC - 40oC, đau đầu, toát mồ hôi, ho khan, đau họng, sổ mũi, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, có thể viêm phổi. Đau người có thể là triệu chứng nổi bật, đặc biệt người già có thể thấy rất đau lưng. Với các chủng cúm mùa thông thường, phần lớn bệnh thường tự khỏi sau 5-7 ngày, một số ít có diễn tiến nặng hơn. Tuy nhiên, với cúm A/H5N1 hay H7N9 sẽ gây tình trạng viêm đường hô hấp dưới và gây suy đa phủ tạng, do đó thường diễn biến nhanh và rất nặng. Vì thế, nếu người dân bị cúm, kèm theo biểu hiện sốt li bì, mệt mỏi, cần đến các cơ sở y tế để khám.

"Để phân biệt giữa cúm thường và cúm A/H5N1, điều đầu tiên là phải có sốt cao. Cúm A/H5N1 biểu hiện ở phổi, thường người bệnh khó thở, đau tức ngực. Với những triệu chứng đó, cần đến ngay cơ sở y tế để có cách xử trí phù hợp" - bác sĩ Hà lưu ý.

Cho đến thời điểm này, virus cúm A/H5N1 và H7N9 vẫn xa lạ với cơ thể người và con người chưa có miễn dịch với các chủng virus này. Do đó, khi chúng xâm nhập cơ thể, tỉ lệ tử vong rất cao. Cúm do virus gây ra nên không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Vì thế khi bị cúm, tốt nhất là dùng thuốc trị các triệu chứng, giảm đau nhức và ngăn chặn các biến chứng. "Tamiflu hiện là một trong những thuốc kháng virus được sử dụng đối với các bệnh nhân nhiễm cúm, tuy nhiên, chỉ uống Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn để tránh tình trạng kháng thuốc" - bác sĩ Hà khuyến cáo.

Cúm có mặt quanh năm

Theo giám sát của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, bệnh cúm lưu hành ở Việt Nam hầu như quanh năm, tuy nhiên, mùa cúm lưu hành của các type virus cúm B và phân type cúm A/H1, A/H3 ở Việt Nam theo tháng. Các type virus cúm này lần lượt thay thế nhau lưu hành tại Việt Nam. Từ tháng 1 đến tháng 4 là khoảng thời gian lưu hành chủ yếu của virus cúm type B, từ tháng 5 đến tháng 9 là sự thay thế của virus cúm A/H1.

Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện mới chỉ có cúm B, H3N2, H1N1 có vắc-xin phòng bệnh. Các loại vắc-xin này không có tác dụng miễn dịch chéo với virus cúm H5N1 và H7N9. Tuy nhiên, đối với 3 loại cúm trên nhiều khi cũng có nguy cơ tử vong, lây lan nhanh nên người dân cần đi tiêm phòng. Mũi vắc-xin phòng cúm chỉ có tác dụng trong 1 năm nên mỗi năm phải tiêm 1 lần. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng người tiêm cũng có thể nhiễm loại virus khác, không cùng chủng loại với loại vắc-xin đã tiêm.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ ở lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo và học sinh cấp tiểu học bị nhiễm cúm là 15% - 42%. Tỉ lệ trẻ đi khám bệnh do nguyên nhân nhiễm cúm chiếm tỉ lệ từ 6-29/100 trẻ mỗi năm. Khi bị cúm, trẻ em rất dễ bị viêm phổi. Bệnh viêm phổi do virus ở trẻ em đứng hàng đầu, trong đó virus cúm là thủ phạm gây các biến chứng như viêm tiểu phế quản, viêm khí, phế quản, làm nặng thêm tình trạng bệnh hen sẵn có, viêm tai giữa, rối loạn tiêu hóa, co giật do sốt, viêm não…

Tiêm phòng cúm rất cần thiết với trẻ em và người già, phụ nữ mang thai, cũng là biện pháp đề phòng cúm và phòng biến chứng viêm phổi do bị cúm.
Tiêm phòng giảm 80% tử vong

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm phòng vắc-xin đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tử vong do cúm đến 70%-80%. Ngay cả ở người khỏe mạnh, việc tiêm ngừa cúm làm giảm 70%-90% nguy cơ mắc bệnh cúm. Tại TPHCM, ghi nhận ở một số cơ sở y tế có dịch vụ tiêm chủng gần đây cho thấy hoạt động tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cúm mùa vẫn diễn ra bình thường. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Phòng Khám bệnh và Tiêm ngừa Viện Pasteur TPHCM, cho biết mỗi tháng, Viện Pasteur cung cấp khoảng 800 - 1.000 liều vắc-xin cúm mùa đáp ứng tiêm chủng cho số lượng người tương ứng, với giá là 200.000 đồng/mũi.

Ng.Thạnh

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.