Những cái chết không ngờ từ... chó dại

Tháng 10, 11 hàng năm là mùa phối giống và sinh sản của loài chó. Đây cũng là thời điểm số lượng người bị chó dại tấn công, thậm chí tử vong nhiều nhất trong năm. Theo con số thống kê của Bộ Y tế ở Việt Nam, hàng năm có tới 650.000 người bị súc vật (chủ yếu là chó nghi dại) cắn phải đi tiêm vắc xin.

Tháng 10, 11 hàng năm là mùa phối giống và sinh sản của loài chó. Đây cũng là thời điểm số lượng người bị chó dại tấn công, thậm chí tử vong nhiều nhất trong năm. Theo con số thống kê của Bộ Y tế ở Việt Nam, hàng năm có tới 650.000 người bị súc vật (chủ yếu là chó nghi dại) cắn phải đi tiêm vắc xin.

Chị Trần Thị H, Thường Tín, Hà Nội, trong một lần đi chợ về, đột nhiên bị chó nhà cắn chảy máu. Sau khi cắn chủ, con chó lao đầu vào tường rồi cào cấu, cắn xé mọi thứ xung quanh, cả gia đình khi ấy cứ nghĩ nó bị hóc xương nên cào cắn mọi thứ, anh Tuấn, chồng chị tức giận liền cầm gậy đập chết nó.

Sau hôm đó, chị H không hề tiêm phòng dại và cũng chẳng mảy may nghi ngờ vì trước đó con chó không có biểu hiện gì... nhưng sau đúng hai tháng, chị lên cơn dại, miệng sùi bọt mép, cào cấu, cắn xé mọi thứ quanh mình.

Trước khi chết, cơn dại của chị còn để lại nỗi kinh hoàng cho người thân và cả những người chứng kiến cảnh tượng đó.

Đây chỉ là một trong những câu chuyện về cái chết thương tâm do chó dại gây ra mà chúng tôi vừa được nghe kể lại từ bác sỹ Hà Thị Lành, tư vấn viên Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng (thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương).

Cũng theo bác sỹ Lành, bệnh dại khi đã lên cơn thì 100% đều dẫn đến tử vong, mang theo quanh nó là hàng trăm cái chết thương tâm mà kiến thức về căn bệnh này thì nhiều người còn hiểu rất mập mờ.

Theo lời bác sỹ Lành, bà còn nhớ đó là thời gian Tết nguyên đán năm 2011, thời gian này gia đình nhà ông T ở Bắc Ninh có nuôi con chó mới đẻ được 3 con, hễ thấy ai nó cũng lao ra trực cắn, hôm đó là ngày mùng 5 Tết, khi bà C sang chúc Tết, con chó liền xông ra cắn, bà bị chảy máu tay. Thấy bà C bị cắn, ông T cầm gậy đập con chó và cũng bị nó cắn rách tay.

Trẻ nhỏ cũng là đối tượng bị chó dại tấn công nhiều

Sau khi bị chó cắn bà C đã đến ngay bệnh viện để tiêm phòng vắc xin, còn ông T thì nghĩ rằng chó nhà mình nuôi nên chủ quan, ung dung, đúng một tháng sau, ông T phát bệnh dại và ra đi trong cơn đau vật vã, cùng cực.

Thiếu kiến thức phòng ngừa

PGS.TS Đinh Kim Xuyến, Phó chủ nhiệm thường trực dự án Phòng chống bệnh dại - Bộ Y tế cho biết: "Đến nay, kể cả Y học hiện đại và Y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại là phải tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được chữa bằng thuốc nam để tránh những cái chết oan uổng".

Để tránh bệnh dại cần tiêm ngừa bằng vắc xin

Cũng theo bác sỹ Hà Thị Lành, ngoài người lớn thì trẻ em cũng là đối tượng bị tấn công của chó, cứ 15 phút có một người châu Á tử vong vì bệnh dại, trong đó 40% là trẻ em dưới 15 tuổi. Hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hai chiến dịch tiêm phòng cho chó nhưng mới đạt 60% ở các thành phố lớn, còn vùng nông thôn chỉ là 15%.

"Đến nay bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị nên khi lên cơn dại nguy cơ tử vong là điều không thể tránh khỏi. Mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh khỏi những cái chết "bất đắc kỳ tử", bác sỹ Xuyến chia sẻ.

Khi bị chó cắn cần thao tác nhanh những việc sau:

- Rửa sạch vết cắn nhiều lần với xà bông đặc hoặc các chất tẩy giặt khác, rửa vết thương dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút, lấy bỏ hết dị vật và mô dập nát.

- Sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode. Không khâu kín da hoặc băng quá kín.

- Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn.

- Đề phòng uốn ván bằng huyết thanh kháng độc tố (SAT) và vaccin (Tetavax). Nếu nạn nhân bị chó cắn (không biết là chó dại hay không), nên tiêm phòng sớm trong vòng 2 ngày thì hiệu quả phòng bệnh rất cao, tiêm vacxin chậm thì hiệu quả sẽ giảm nhưng vẫn còn hiệu quả, do đó có tiêm vẫn còn hơn.

- Đối với con chó cắn người, nếu còn sống nên nhốt nó trong 10 ngày và theo dõi, nếu chó vẫn còn khoẻ mạnh thì có thể ngưng các biện pháp điều trị. Nếu chó bị đập chết, nên cắt đầu chó để xét nghiệm xác định bệnh dại.

Theo Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.