Sự phát triển bản năng tính dục tuổi vị thành niên

Tính dục vị thành niên (VTN) là tiến trình phát triển các yếu tố cấu thành bao gồm sự phát triển thể chất, tâm lý, cảm xúc và hành vi giới tính.

Sự phát triển bình thường về tính dục là điều kiện tiên quyết để đến tuổi trưởng thành có đời sống giới tính có hiệu quả, vì tính dục không chỉ là giới giải phẫu mà còn là nam hay nữ trong cộng đồng, là cách quan hệ với mọi người xung quanh nói chung và đặc biệt với ai đó, là khả năng yêu và duy trì tình yêu.

Cũng cần nhấn mạnh rằng sự phát triển dù bình thường của tính dục lại đi kèm với nguy cơ sức khỏe ở một mức độ nào đó tùy theo cách VTN cảm nhận về bản thân và trong môi trường thuận lợi của gia đình và xã hội như thế nào, vì thế vai trò của gia đình và cộng đồng có ý nghĩa quan trọng để sự phát triển toàn diện cả VTN được thuận lợi.

Tính dục bắt đầu hình thành với cặp nhiễm sắc thể XX hay XY ở mỗi người và biến đổi do tác động của hooc-môn. Gia đình, nhà trường và xã hội đã dạy cho mỗi người cách ứng xử như một người nam hay nữ cũng như mối quan hệ tương hỗ giữa các thành viên của xã hội. Tuy nhiên, xã hội nói chung và nhất là các phương tiện thông tin, đại chúng (TV, điện ảnh) có thể làm thay đổi những gì đã hình thành ở con người từ sự thụ hưởng một tiến trình giáo dục từ nhỏ.

Những biến đổi của tuổi dậy thì có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của vị thành niên trai và gái (Ảnh minh họa)

Tuổi VTN sớm (khoảng 10 - 12 tuổi), về phát triển thể chất thì nhìn chung con trai không phát triển chiều cao bằng con gái nhưng giống nhau ở chỗ còn rụt rè, thiếu tự tin trong sinh hoạt tập thể và biểu hiện tính dục có vẻ ngờ nghệch, lạ lẫm dưới con mắt của người lớn nhưng với các em lại là những dằn vặt, vật vã (về hình ảnh bản thân, về mẫu hình bạn lý tưởng rất đa dạng).

Tuổi VTN trung bình (khoảng 13 - 16 tuổi), tính dục ở lứa tuổi này có xu hướng, phát triển thành từng nhóm thân thiết, hợp nhau, lẫn lộn cả trai lẫn gái. Tâm lý phát triển nên VTN bớt bị dằn vặt về hình ảnh bản thân. Tình yêu tuổi học trò đã có thể nảy nở nhưng thường không bền, chưa chín chắn kiểu người lớn mà mang màu sắc lãng mạn một cách hồn nhiên. Tuy nhiên nhiều mối quan hệ khác giới tuổi này cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe khi VTN đi quá xa những quy định của giáo dục gia đình.

Tuổi VTN muộn (14-19 tuổi) gần như trùng với tuổi dậy thì và mối quan hệ nam nữ đã có dáng vẻ của người trưởng thành với đặc trưng là quan tâm nhiều hơn đến sự phù hợp về tính cách của nhau và sự bảo đảm cho tương lai. Trong xã hội hiện đại, khi bản năng tính dục bắt đầu biến đổi về chất thì VTN cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ, ví dụ như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS do quan hệ tình dục sớm, mang thai (do thất bại hay không dùng các biện pháp tránh thai), nạo phá thai (với những hệ quả của sự cố này, ấy là chưa nói đến các biến chứng xa, lâu dài).

Tác động tâm lý do biến đổi thể chất ở tuổi VTN có nhiều nhưng ở đây chỉ bàn đến ba khía cạnh có sức nặng nhất đến sự phát triển tính dục. Đó là:

1. Tác động của lần có kinh hay xuất tinh lần đầu tiên đến tâm lý.

2. Tác động của những biến đổi thể chất đến hình ảnh thân thể và cảm nhận về bản thân.

3. Tác động của dậy thì sớm hay muộn đến VTN và tuổi trưởng thành sau này.

Tác động của lần có kinh hay xuất tinh lần đầu đến tâm lý

Với con gái, sự ra kinh lần đầu chỉ là một trong nhiều biến đổi ở cơ thể nữ trong giai đoạn dậy thì nhưng là một sự kiện đặc biệt, một sự khởi đầu có tính chu kỳ và sẽ còn tiếp diễn hơn 30 năm nữa, cho nên ra kinh lần đầu có tác động mạnh đến tâm lý VTN. Phàn nàn thường gặp nhất ở những em gái sau khi đã có kinh lần đầu và cảm giác phiền toái, không sạch sẽ và còn khó chịu hơn cả những triệu chứng thể chất như đau bụng, giữ nước và kém tập trung. Nhiều em gái đã có kinh và cả phụ nữ trưởng thành khi nhớ lại lần có kinh đầu đã nói rằng họ có cảm giác ngượng ngùng và không muốn cho ai biết. Kinh lần đầu thường được xem như là một khủng hoảng về vệ sinh hơn là một dấu mốc quan trọng về sự trưởng thành. Tuy nhiên, hầu hết các em gái lại có cảm xúc lẫn lộn và sự ra kinh lần đầu lại không có gì căng thẳng lắm, thậm chí còn có nhiều biến đổi tích cực về mặt tâm lý, nếu so sánh với những em gái chưa hành kinh cùng lứa tuổi thì những em bắt đầu thấy kinh có nhận thức rõ hơn và quan tâm nhiều hơn đến nữ tính, nếu so sánh với những em gái có kinh lần đầu chậm thì các em gái hành kinh lần đầu sớm già dặn hơn về nhận thức xã hội, được bạn bè cùng trang lứa tin cậy hơn và cũng tỏ ra tự tin hơn.

Nhiều tác động tâm lý sau lần có kinh đầu đời hình như có nguồn gốc từ niềm tin văn hóa và của cá nhân về sự hành kinh hơn là do những trải nghiệm thể chất. Những em gái trong những gia đình có thái độ dè dặt, nặng nề về các vấn dề tính dục thường có trải nghiệm âm tính hơn về lần đầu hành kinh so với các em sinh ra trong những gia đình có thái độ cởi mở hơn với vấn đề tính dục. Các em gái không có hay ít có cơ hội tiếp nhận thông tin về giải phẫu cơ thể hay sinh lý sản (trong đó có thông tin về cơ chế gây ra kinh nguyệt) thì khi có kinh lần đầu cũng làm cho các em lo sợ và gặp khó khăn hơn so với các em gái được chuẩn bị tốt. Các em gái có kinh lần đầu quá sớm cũng dễ có biểu hiện hốt hoảng hơn so với những em gái ra kinh lần đầu đúng tuổi hay muộn, có lẽ do bước vào tuổi trưởng thành sớm nên không có cơ hội nhận được thông tin về những gì sẽ xảy ra. Chuẩn mực văn hóa về vẻ đẹp và thái độ đối với cơ thể phụ nữ cũng ảnh hưởng đến cách các em gái nhìn nhận về những thay đổi ở chính cơ thể mình. Trải nghiệm về lần hành kinh đầu ở các em gái không giống nhau do bối cảnh văn hóa và kinh tế - xã hội của mỗi em khác nhau, sự khác biệt ấy giúp người ta hiểu rõ hơn vai trò của niềm tin, thái độ và kỳ vọng văn hóa trước những thay đổi sinh học.

Với con trai, chưa có nhiều nghiên cứu về những cảm xúc khi có dấu hiệu của sự trưởng thành về tính dục. Xuất tinh là dấu hiệu quan trọng nhất chứng tỏ con trai đã đủ khả năng sinh sản. Xuất tinh lần đầu thường xảy ra về ban đêm, thường ở tuổi 13 - 15, có khi gây lo sợ cho một số em nhưng theo một nghiên cứu thì phần lớn các em trai có cảm xúc dương tính tuy nhiên nhiều em không dễ dàng nói ra với bạn bè hay bố mẹ: lý do có thể do xuất tinh hay đi kèm với thủ dâm, một hành vi còn dễ bị bố mẹ cấm đoán hay bạn bè diễu cợt.

Tác động của những biến đổi thể chất đến hình ảnh thân thể và cảm nhận về bản thân

Sức khỏe không phải chỉ là không có bệnh hay không bị tàn tật, điều này càng đúng với tuổi VTN vì trạng thái tâm lý không ổn định có thể làm cho VTN sống không thoải mái, khó chịu với chính bản thân mình. Nhiều vấn đề sức khỏe của VTN có nguồn gốc từ những bất ổn lòng tự tin và về hình ảnh bản thân.

Tại sao lòng tự tin và hình ảnh bản thân lại có ý nghĩa quan trọng đến sức khỏe? Lòng tự tin là tổng hợp những cảm nhận về giá trị, về năng lực và niềm kiêu hãnh của mỗi người về bản thân mình. Lòng tự tin có ý nghĩa quan trọng vì cảm nhận như thế nào về bản thân sẽ quyết định hành vi của người đó. Người có lòng tự tin cao sẽ dễ kết bạn hơn, có khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn và cũng sẽ khỏe mạnh, yêu đời hơn.

Hình ảnh bản thân là cảm nhận của mỗi người về ngoại hình của mình. Với nhiều người, đặc biệt là tuổi VTN sớm (10-13 tuổi) cảm nhận về hình ảnh bản thân có liên quan chặt chẽ với lòng tự tin, đó là vì khi trẻ phát triển sang tuổi VTN, các em quan tâm nhiều hơn đến nhận xét của mọi người xung quanh mình. Nhiều em khổ sở, trầm cảm, đánh mất lòng tự tin chỉ vì mới 50kg mà đã cho là quá béo, vì những mụn trứng cá, vì mọc lông nhiều...

Lòng tự tin của VTN chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng trước hết là tuổi dậy thì, một số VTN vật vã với lòng tự tin khi bước vào tuổi dậy thì vì cơ thể trải qua nhiều biến đổi. Cộng với mong muốn được chấp nhận làm cho VTN thích so sánh mình với những người xung quanh hay với những nhân vật nổi tiếng trên sách báo, TV hay màn hình lớn.

Tuy nhiên những biến đổi ở tuổi dậy thì khác nhau tùy từng cá thể, có em bộc lộ các dấu hiệu dậy thì sớm, có em bộc lộ muộn, có em tạm thời có da có thịt để chuẩn bị cho giai đoạn lớn phổng, nhiều em khác đẫy ra một cách ổn định, một số khác lại vẫn gầy dù ăn không biết no. Như thế có nghĩa là mọi chuyện phụ thuộc vào bộ gien của cơ thể đã được lập trình như thế nào.

Những biến đổi của tuổi dậy thì có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của VTN trai và gái. Một số em gái bối rối vì sự phát triển quá nở nang của mình trong khi một số khác lại thèm muốn, nhiều em gái luôn chịu áp lực phải giữc cho cơ thể mảnh mai. Con trai thường phàn nàn không có cơ bắp phát triển.

Ngoài ra, giáo dục gia đình nghiêm khắc, ít khích lệ khiến các em không phát triển được lòng tự tin, sự bình phẩm, trêu chọc của bạn bè, có khi xuất phát từ những thành kiến liên quan đến nguồn gốc gia đình, dân tộc, chủng tộc, vị trí xã hội... có thể ảnh hưởng đến lòng tự tin.

Để xây dựng lòng tự tin về hình ảnh bản thân cho VTN, cha mẹ có vai trò quan trọng nhưng nhiều bậc cha mẹ chưa tự trang bị cho mình nhiều hiểu biết về tâm lý và khoa học để giúp đỡ các em. Ví dụ, khi con gái tỏ ra băn khoăn về một khuyết tật về ngoại hình nào đó thì cha/mẹ cần biết giải thích để con gái hiểu rằng giá trị của mỗi người còn phụ thuộc vào nhiều nhân phẩm khác, không chỉ là ngoại hình. Khi con trai có nhiều trứng cá trên mặt thì cũng cần được hướng dẫn để hiểu vì sao dễ có trứng cá ở tuổi dậy thì và cần được chăm sóc như thế nào.

Cảm nhận dương tính về hình ảnh bản thân, thái độ lạc quan, trong cuộc sống, lòng tự tin, có thể giúp VTN dễ phát triển tình bạn, tính độc lập, ít lệ thuộc nhiều vào cha mẹ và có khả năng vượt qua khó khăn về thể chất và tâm lý.

VTN cần nhận biết những nguyên nhân đem lại cho mình cảm giác hạnh phúc hay bất ổn, và cần học cả những kỹ năng sống như biết chia sẻ, quan tâm đến mọi người, biết tự kiềm chế, không lười biếng, sống có ý chí, ứng xử đúng mức, biết nhận trách nhiệm, kể cả khi thất bại.

Một số VTN bị trầm cảm có thể có nguồn gốc từ sự mất tự tin, các em trở nên lạnh nhạt, thờ ơ với mọi việc, cả bạn bè và bố mẹ. Người thân cần biết những biểu hiện không bình thường của VTN để quan tâm, giúp đỡ.

Tác động của dậy thì sớm hay muộn đến tâm lý VTN và đến tuổi trưởng thành

Tuổi dậy thì không đến cùng lúc với tất cả các em dù ở giai tầng xã hội nào. Nhiều nghiên cứu về tuổi dậy thì sớm hay muộn đã giúp người ta hiểu rõ hơn thay đổi thể chất ở tuổi này đã tác động đến tâm lý như thế nào. Thông điệp mà những nghiên cứu này đưa ra là những thay đổi thể chất của dậy thì sớm hay muộn gây ra những đáp ứng văn hóa - xã hội khác nhau rõ rệt. Ví dụ khi các trai hay gái VTN sớm có tầm vóc và ngoại hình như người trưởng thành thì điều đó có nghĩa là các em gặp ít khó khăn hơn khi trải qua tuổi VTN và sẽ dễ được chấp nhận hơn ở thế giới của người lớn so với các em chậm phát triển về thể chất.

Tuy nhiên, cũng có thể vì sớm mang dáng vẻ của người trưởng thành nên cũng dễ phải gánh chịu áp lực của vai trò và trách nhiệm khi các em chưa sẵn sàng về mặt tâm lý. Cả hai khả năng nói trên xem ra đều có thể đúng ở một mức độ nhất định sau khi đã có sự kiểm chứng của nhiều nghiên cứu trong hơn 60 năm qua. Nhiều bất lợi của sự trưởng thành sớm có thể thấy ở cả con trai và con gái, đầu tiên là tâm lý còn non nớt và thứ hai là dễ học đòi lối sống của người lớn như uống rượu, hút thuốc và có quan hệ tình dục sớm hơn so với các em khác cùng trang lứa. Tuy nhiên, ngoài những điểm tương đồng, thời điểm trưởng thành cũng có tác động khác nhau đến nam và nữ.

Nhà tâm lý học Harvey Peskin (1967) cho rằng những khác biệt nói trên ở VTN dậy thì sớm và muộn có thể do vốn tâm lý được chuẩn bị khác nhau. Freud cũng nói rằng những em trai dậy thì muộn có thể có lợi thế nhờ được chuẩn bị dài hơn, do đó những em dậy thì sớm dễ có bản sắc vay mượn vì chưa củng cố được bản sắc tiêng tạo lập trong tuổi VTN.

Những thay đổi tố chất đơn thuần không phải là yếu tố quyết định mà còn cần được người lớn dung nạp và có trải nghiệm đối phó trong cuộc sống mới góp phần tạo nên tác động tâm lý của tuổi dậy thì.

Những tiến bộ xã hội ở thời đại @ đã làm thay đổi nhiều nhận định về VTN về hành vi ứng xử trong các quan hệ xã hội cũng như trong phát triển tính dục, có lẽ những khảo sát xã hội học cần lặp lại sau từng nửa thập niên mới có thể có được bức tranh chân thực, sống động về VTN.

Theo BS. Đào Xuân Dũng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.