Tránh đau đầu, buồn nôn khi đeo kính

Khi đeo kính, nếu kính có gọng hay tròng không thích hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, nhìn mờ, nhìn 2 hình, méo hình...

Khi đeo kính, nếu kính có gọng hay tròng không thích hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, nhìn mờ, nhìn 2 hình, méo hình...

Tuy nhiên, có những người đeo kính đúng số nhưng vẫn có những triệu chứng trên. Vì sao vậy?
 
Khoảng cách đồng tử không giống nhau

Chị Nguyễn Thị Hoài (Văn Cao, Hà Nội) thấy mắt nhìn kém, ra hiệu kính thuốc đeo thử vài kính thấy rõ, mừng quá liền mua về ngay. Nhưng gần đây chị thấy nhìn mờ, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn… mỗi khi đeo kính ngồi làm việc. Đi khám, chị được bác sĩ giải thích các triệu chứng đó là do đeo kính không đúng độ, khoảng cách đồng tử sai… Cụ thể một mắt chị Hoài bị viễn thị, một mắt vừa viễn vừa hơi loạn, kính đeo cần khoảng 2 độ, nhưng lại mua kính 2,75 – 3 độ.

Anh Trần Tuấn (Bạch Đằng, Hà Nội) bị vỡ kính, mượn được kính có độ cận nặng bằng mình thì mừng quá, nhưng đeo vào nhìn không rõ, rất khó chịu, chỉ một lát là hoa mắt, đau đầu, buồn nôn…

Nếu xuất hiện triệu chứng mờ mắt, nhức đầu, buồn nôn… khi đeo kính cần đi khám mắt ngay để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Ths. Bs Đinh Yên Lục, Bệnh viện Mắt quốc tế (Hà Nội), trường hợp của anh Tuấn là do cùng độ cận, nhưng khoảng cách đồng tử không giống nhau cũng dẫn đến những triệu chứng khó chịu trên. Nếu cố đeo lâu ngày sẽ làm mắt trở nên đau nhức, đau đầu, gây co quắp điều tiết.Giải thích rõ hơn về điều này, KTV Đào Thị Thúy, BV Mắt quốc tế cũng cho biết mỗi người có một khoảng cách đồng tử khác nhau, tâm kính thuốc phải nằm đúng trục thị giác, đi qua đồng tử. Nếu đeo kính thuốc không phù hợp với khoảng cách giữa hai đồng tử sẽ gây khó chịu, nhìn vật không rõ, thị lực tăng, nhức đầu, mỏi mắt. Độ kính quá lớn (hay quá nhỏ), độ loạn không đúng trục, các thành phần của kính đa tiêu đã biến đổi cũng gây nhìn mờ. Độ kính không đúng, khoảng cách đồng tử sai, độ quang sai của tròng kính hay kính thiếu chất lượng, đeo kính quá độ…cũng sẽ bị nhức đầu. Các bác sĩ cho rằng, ngoài những chứng trên, đeo kính không đúng số còn bị khó chịu về thị giác, nhìn 2 hình, méo hình do khiếm thị (bệnh ở mắt, độ loạn và gọng không đúng), hoặc lăng kính không đúng độ, hay độ cận quá cao, dùng mắt kính chất lượng kém (có tròng làm bằng kính cửa). Ngoài ra, đeo kính không phù hợp sẽ gây nhược thị (dù sau này được điều chỉnh và đeo kính đúng với độ của mắt thì vẫn nhìn không rõ, nhất là trẻ em). Nếu đeo kính đúng số sẽ nhìn được 10/10, đeo không đúng số chỉ nhìn được 3/10.
 
3-6 tháng đi khám mắt một lần

Các bác sĩ khuyên: Khi có những triệu chứng nhìn mờ, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn… cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt tư vấn và khám chữa kịp thời. Nên đến khám ở bệnh viện mắt chuyên khoa có đủ trang thiết bị, dụng cụ để được khám, đo và điều chỉnh kính chính xác. Kính thuốc thì của ai người ấy dùng, không dùng chung. Với trường hợp một người đeo kính đúng số từ lâu nhưng vẫn bị các triệu chứng trên, có thể do đeo kính cũ quá lâu, trong khi độ bệnh của mắt thay đổi theo thời gian. Vì vậy người đeo kính 3 – 6 tháng nên đi khám mắt một lần để kịp thời điều chỉnh số kính, giúp khả năng nhìn tốt nhất cho mắt.

Th.s BS Đinh Yên Lục hướng dẫn: Trẻ con cận thị ở mức độ thấp không nhất thiết phải đeo kính thường xuyên bởi nhìn gần không cần kính vẫn nhìn được (nếu đeo mắt sẽ phải điều tiết thêm). Nhưng nếu cận thị cao thì nên đeo thường xuyên. Với những người đeo kính để nhìn cả xa lẫn gần cũng nên đeo thường xuyên. Với người đeo kính để nhìn xa thì chỉ nên đeo khi nhìn xa, còn khi nhìn gần thì không cần đeo kính…

Theo Ths. BS Đinh Yên Lục, cần luôn vệ sinh kính mắt để bụi bẩn không đeo bám, ảnh hưởng tới sức khỏe đôi mắt và tầm nhìn. Quan trọng là không để mặt kính bị xước. Không bao giờ úp kính hoặc để kính tiếp xúc vật cứng. Lau kính bằng khăn mềm. Không rửa kính bằng nước, hoặc xà phòng vì không thể sạch hết (xà phòng có thể dễ bị kích ứng). Hãy lau kính bằng bông cồn (hoặc khăn mềm tẩm cồn) hoặc nước tẩy rửa chuyên dùng được bán tại các hiệu thuốc. Chú ý làm sạch cả vùng khung kính mắt, gọng kính và đặt kính lên khăn mềm để mắt kính không bị trầy xước. Nếu kính bị bẩn nhiều và thường xuyên, hãy mang đến hiệu kính để được làm sạch chuyên nghiệp và an toàn.
 
Theo Trà Giang
GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.