Trẻ nhập viện tăng đột biến vì trời nồm

Trời nồm, ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển. Do đó, số trẻ em mắc các bệnh đường hô hấp cũng sẽ tăng vọt.

Trời nồm, ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển. Do đó, số trẻ em mắc các bệnh đường hô hấp cũng sẽ tăng vọt.

PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng – chuyên gia nhi khoa (Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vài tuần nay, khi thời tiết nồm, mưa phùn, độ ẩm trong không khí rất cao thì lượng trẻ em nhập viện vì các bệnh viêm đường hô hấp tăng cao so với trước, khoảng 15-20% (từ 150-180 trẻ khám mỗi ngày). Đây là “bệnh” đến hẹn lại lên mỗi khi thời tiết vào xuân, tuy nhiên khá nguy hiểm nếu gia đình không chăm sóc tốt cho trẻ.

 tre nhap vien tang dot bien vi troi nom hinh anh 1

Điều trị bệnh tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: Diệu Linh

Trẻ em thường nhập viện trong tình trạng ho nhiều, ho có đờm, khó thở, thở khò khè, sốt hoặc sốt cao. Theo TS Dũng, thời tiết ẩm ướt khiến vi khuẩn, virus phát triển, sinh sôi, trẻ có sức đề kháng kém, do đó dễ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, thuỷ đậu, cúm… Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen do môi trường xung quanh có nhiều nấm mốc.

Do đó, để hạn chế bệnh cho trẻ, gia đình cần giữ không gian sống khô thoáng bằng các thiết bị hút ẩm, máy điều hoà hai chiều. Thường xuyên lau nhà và giữ cho nền nhà khô ráo bằng khăn sạch. Lau cả các đồ dùng trong nhà nếu thấy các đồ dùng có hiện tượng ẩm ướt, nấm mốc.

Thay chăn ga gối đệm thường xuyên để đảm bảo không có nấm mốc phát triển, không phơi quần áo trong nhà khiến không khí thêm ướt át. Khi mặc quần áo cho trẻ cũng để ý xem quần áo có bị ẩm ướt hay không, nếu có phải sấy khô. Trời ẩm vừa nóng vừa lạnh nên cha mẹ cũng nên để ý đến việc mặc ấm cho trẻ vào buổi tối và kiểm tra quần áo cho con vào ban ngày khi nhiệt độ tăng cao. Tránh để trẻ bị lạnh quá hoặc nóng quá, đều dễ mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.

“Nên cho trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi vệ sinh và trước khi ăn uống. Đồ chơi của trẻ cũng phải được lau rửa thường xuyên. Đồng thời cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều bữa, để tăng cường sức đề kháng của trẻ” – TS Dũng nhấn mạnh.

Theo TS Dũng, khi trẻ có các hiện tượng ho, sốt, thở khò khè, thở co rút lồng ngực thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng. Cha mẹ không nên tự ý điều trị cho con bằng đơn thuốc cũ hoặc ra cửa hàng mua thuốc kháng sinh để cho trẻ uống.

“Mỗi bệnh, mỗi mức độ bệnh có cách điều trị khác nhau, do đó, việc cha mẹ tự mua kháng sinh cho trẻ uống có thể dẫn đến nguy cơ trẻ không khỏi bệnh, bệnh nặng hơn hoặc bị kháng kháng sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ” – TS Dũng khuyến cáo.

Theo VietNamNet


Bệnh hô hấp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.