Trời rét đậm kéo dài nhiều người bị đột quỵ: Nhớ 3 điều này để cứu người trong tích tắc

Theo PGS. TS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ cũng như các bệnh tim mạch khác đều gia tăng đáng kể.

Theo PGS. TS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ cũng như các bệnh tim mạch khác đều gia tăng đáng kể.

Hàng loạt bệnh nhân đột quỵ  do thời tiết lạnh kéo dài

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ phải tiếp nhận nhiều trường hợp bị đột quỵ do trời lạnh. Cụ thể, đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn A. 61 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Ông A từng bị đột quỵ 3 năm trước, nên khi ông có triệu chứng gia đình ngay lập tức đưa ông đi cấp cứu. Tuy nhiên, vì tổn thương xuất huyết quá nặng, sau 2 ngày nằm viện cấp cứu, tiên lượng rất thấp, bác sĩ không thể can thiệp nên gia đình đã xin bệnh viện đưa bệnh nhân về.

Bị đột quỵ vì rét đậm kéo dài: 3 điều này sẽ giúp cứu người trong tích tắc-1

PGS Tôn chăm sóc bệnh nhân sau cơn đột quỵ

Hay như trường hợp của ông Đỗ Văn Bình, 56 tuổi, quê Hà Nam có tiền sử tiểu đường kèm theo tăng huyết áp. Ông được người thân sơ cứu và đưa đi cấp cứu sau 30 phút kể từ khi xuất hiện cơn đau đầu, cứng gáy và ngã quỵ. Khi đến viện, bác sĩ đành lắc đầu bó tay vì triệu chứng của đột quỵ chảy máu não.

Tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cũng vừa cấp cứu cho bệnh nhân nữ 75 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng liệt hoàn toàn bên phải và không nói được.

Sau khi phát hiện gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đến viện trong khoảng thời gian 2 giờ sau đột quỵ (0-6 giờ là khung giờ vàng để cấp cứu hiệu quả cho các bệnh nhân đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết).

Bệnh nhân nhanh chóng được khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, được chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị thuốc tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa người phải có thể vận động gần như bình thường.

Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ cũng như các  bệnh tim mạch khác đều gia tăng đáng kể.

Theo PGS Tôn, nhiệt độ thấp dẫn đến tăng huyết áp - nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ; thời tiết lạnh cũng làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, trong môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng - bệnh nền dễ gây đột quỵ hơn.

Bị đột quỵ vì rét đậm kéo dài: 3 điều này sẽ giúp cứu người trong tích tắc-2

Chuyên gia tim mạch hàng đầu chỉ rõ dấu hiệu cần nhớ để cứu sống người đột quỵ

Theo bác sĩ Tôn, các nhận biết dấu hiệu cảnh báo trước cơn đột quỵ bao gồm: khó nói, khó uống nước, mắt mờ, liệt nửa người bên trái hoặc bên phải, không giơ tay lên được.

Để xác định dấu hiệu đúng của đột quỵ, những người xung quanh chỉ cần dành 1 phút chú ý và hỏi người bệnh bằng ba trạng thái: nói – cười – chào.

- Nói: Nói ngọng, khó nói, hoặc không nói được là dấu hiệu báo cơn đột quỵ.

- Cười: Khi cười người sắp đột quỵ có dấu hiệu méo mồm.

- Chào: Nếu không giơ được một hoặc 2 bên tay là dấu hiệu cơn đột quỵ.

Khi phát hiện người thân bị đột quỵ tại nhà, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ.

Tuyệt đối không cho bệnh nhân ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm. Việc đưa bệnh nhân đi cấp cứu chậm, nửa ngày hoặc vài ngày có thể làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị.

Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ, tháo bỏ răng giả (nếu có). Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay uống thuốc để tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do bệnh nhân có thể có rối loạn nuốt.

Để phòng bệnh đột quỵ mùa lạnh, GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng viện Tim mạch cho biết, những người mắc tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh tim mạch khác nhất là người già không nên tiếp xúc lạnh đột ngột.

Khi thức giấc, chúng ta không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ.

Không tập thể dục, tắm vào sáng sớm. GS Khải khuyến cáo, từng có nữ ca sĩ nổi tiếng một thời tử vong vì đột quỵ do tắm vào sáng sớm. Với những người bị bệnh mãn tính như tăng huyết áp, phòng, tiểu đường, tăng cholesterol cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian. Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, chúng ta phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng (3 giờ đầu) phụ hồi não.

Theo Trí thức trẻ


bệnh tim mạch


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.