Cận Tết và nỗi sợ mất ăn mất ngủ của những nàng dâu mới

Trước ngày về nơi vừa quen vừa lạ ăn Tết lần đầu tiên, Oanh đã mất ăn mất ngủ.

Tết Nguyên đán 2017 này là Tết đầu tiên Kim Oanh ở nhà chồng. Đọc nhiều bài viết trên các diễn đàn mạng, lại nghe nhiều chị em kháo nhau về nỗi khổ mấy ngày Tết nên Oanh càng lo lắng. Trước ngày về nơi vừa quen vừa lạ ăn Tết lần đầu tiên, Oanh đã mất ăn mất ngủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nỗi sợ của nàng dâu lấy chồng cận Tết

Yêu nhau được hơn 3 năm, Kim Oanh và Trọng Tường (ở Văn Lâm, Hưng Yên) định qua Tết mới tính chuyện “về chung một nhà”. Ấy vậy chẳng hiểu bố mẹ Tường đi xem bói thế nào mà nhất quyết bắt hai đứa phải cưới luôn trong năm. Ngày cưới được ấn định trước có gần chục ngày là cận Tết khiến Oanh và Tường tất tả lo sắm sửa. Nghĩ đến Tết Nguyên đán 2017 đầu tiên đón Tết ở nhà chồng, Oanh rất lo lắng vì nghe nhiều chị em kháo nhau về nỗi khổ mấy ngày Tết.

Trước ngày về nơi vừa quen vừa lạ ăn Tết lần đầu tiên, Oanh đã mất ăn mất ngủ. Kim Oanh tâm sự: “Năm trước vẫn được chơi thoải mái, năm nay về nhà chồng bỗng dưng phải lo toan nhiều thứ nên giờ bối rối không biết phải chuẩn bị Tết thế nào cho chu toàn. Mình sợ năm đầu về làm dâu không chu đáo lại bị chê trách. Nghe các chị cơ quan than phiền cứ dịp lễ Tết, dâu mới gánh vác nhiều việc của nhà chồng như rửa bát, đi chợ…Cả ngày không hết việc, lại còn phải thực hiện đủ thứ nghi lễ mình cũng sợ”.

Năm nay là Tết thứ hai chị Duyên (ở Triều Khúc, Hà Nội) về nhà chồng nhưng cứ nghĩ đến Tết, chị Duyên không khỏi lo lắng. Cuối năm, công việc kế toán của chị là thời điềm bận tối mắt tối mũi, chồng lại đi công tác Sài Gòn nên mọi việc mua bán, sắm sửa đều một tay chị đảm nhiệm.

Nhớ lại cái tết đầu tiên, ngay từ đầu tháng Chạp chị đã đi hỏi dò bạn bè xem làm thế nào để cân đối, ghi điểm trong mắt gia đình chồng. Để lo cái Tết vẹn toàn nhà chồng, chị đã cẩn thận lên danh sách xem mua sắm những gì, mừng tuổi thế nào... mà giật mình khi có quá nhiều khoản phải chi tiêu. “Sợ nhất vẫn là cách ứng xử khi mới về làm dâu. Năm đầu tiên chân ướt chân ráo về nhà chồng vì chưa có kinh nghiệm nên năm ấy cũng vấp phải không ít lần bị bố mẹ chồng “nhắc nhở” ngay hôm mùng 1 Tết. Nhớ nhà lại tủi thân, đêm cứ ôm gối khóc rưng rức. Nay thì quen rồi nhưng nghĩ đến Tết vẫn không thoải mái”, chị Duyên nhớ lại cái Tết đầu tiên về làm dâu.

Chuyên gia mách nàng dâu mới lo trọn vẹn Tết nhà chồng

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình (Trung tâm Tham vấn tâm lý Hoàng Nhân, Hà Nội) cho rằng, chuyện nàng dâu phải về quê lo Tết là đương nhiên, cũng là lễ nghi cần thiết của người Việt. Dù là dâu mới hay cũ vẫn hiếm có người không phải lo lắng đến cái Tết ở nhà chồng… Khi làm dâu mới trong hoàn cảnh cưới “chạy tuổi” khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là Tết, nhiều nàng dâu sẽ không khỏi bị áp lực, hồi hộp và lo lắng. Bởi nếu rơi vào một gia đình dễ tính hoặc bao dung và thấu hiểu sẽ không có vấn đề. Nhưng khi làm dâu trong gia đình có 8 người, 10 ý sẽ rất căng thẳng. Nỗi kinh hãi nhất là ai trót rơi hoàn cảnh cha mẹ hoặc chính người chồng của mình “ngồi soi”.

Để giúp các nàng dâu mới lo trọn vẹn cái Tết nhà chồng năm đầu tiên, theo chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình các nàng dâu có thể áp dụng các nguyên tắc sau:

* Chuẩn bị tâm lý: Là dâu mới mà lại rơi vào Tết, tâm lý chung của nhà chồng là họ chủ động xem các nét giao tiếp, các kỹ năng chăm sóc gia đình và thẳm sâu nhất nhà chồng sẽ đánh giá con người thật của bạn. Nàng dâu mới cần xác định đây là điều bình thường. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để bạn hiểu mọi người và thể hiện mình. Ngược lại nếu bạn sợ hãi, né tránh, chịu đựng hoặc mang cái mà mình cho là đúng ra để phản ứng ngược lại nhà chồng thì dù “thắng” hay “thua” vẫn là người thất bại. Bởi vậy cần chuẩn bị tâm lý đón Tết cùng nhà chồng theo hướng tích cực, đó là vui vẻ đối diện và vượt qua vì đó là nhà mình.

* Kỹ năng hòa nhập: Mới về nhà chồng, khi chưa biết ai như thế nào thì cứ kính trên nhường dưới, nghe nhiều hơn nói là an toàn. Trong hàng núi việc có thể làm ngày Tết nên quan sát và xác định xem bố mẹ chồng hoặc người có tiếng nói, có ảnh hưởng trong gia đình ưu tiên nhất là gì, ví dụ vấn đề thờ cúng, thăm hỏi họ hàng, cơm nước? Và thường thì ai là người làm. Đặc biệt, tìm hiểu nhanh về tâm tư, tình cảm, xu hướng và mong muốn của cha mẹ liên quan đến vấn đề này. Chồng bạn có thể tư vấn cho bạn về việc đó.

Khi đã có kế hoạch trong đầu các vấn đề, hãy tự mình xem xét xem có thể làm được cái gì tốt nhất mà vừa sức của mình trong nhóm những việc đó. Từ đó bạn chủ động hỏi cha mẹ chồng về những ưu tiên truyền thống của gia đình, chủ động hỏi những kỷ niệm vui ngày Tết của gia đình trong quá khứ. Được như thế phần lớn cha mẹ chồng đều mát lòng mát dạ. Khi mọi người vui vẻ, bạn có thể chia sẻ, đề xuất những việc bạn có thể làm tốt, có thể làm được và những việc không biết làm.

Đây là một cách “thỏa thuận” hài hòa và sau đó nếu có thế nào thì mình cũng có thể dễ bề điều chỉnh nếu gia đình chồng vẫn khắt khe. Còn trong trường hợp nhà chồng quý bạn, thả lỏng hoặc dễ dãi quá cũng không nên lạm dụng, lấn tới. Đây là nhà của bạn, bạn có thể tự tạo niềm vui và góp phần cho cả nhà đều vui.

Theo GĐXH


nỗi sợ

Tết

nàng dâu mới


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.