Có cách nào thay đổi sự ích kỷ và độc đoán của chồng tôi?

Đã quá nửa đêm nhưng tôi không thể nào chợp mắt được. Đã sống với nhau nửa cuộc đời, đến nay tôi mới hiểu được sự ích kỷ, gia trưởng và độc đoán đến tàn nhẫn của chồng.

Đã quá nửa đêm nhưng tôi không thể nào chợp mắt được. Đã sống với nhau nửa cuộc đời, đến nay tôi mới hiểu được sự ích kỷ, gia trưởng và độc đoán đến tàn nhẫn của chồng.

Chúng tôi cưới nhau đã được hơn hai mươi năm. Từ khi cưới nhau, mỗi năm tôi chỉ có thể về thăm bố mẹ đẻ khoảng 2 -3 lần vào những dịp nghỉ lễ hoặc gia đình có việc mặc dù nhà tôi chỉ cách nhà ông bà chưa đến 20 km. Mỗi lần về thăm nhà, chồng tôi không cho tôi ngủ lại qua đêm. Anh yêu cầu tôi phải về ngay để chăm sóc chồng con, trông nom nhà cửa.

Ảnh minh họa

Mỗi khi tôi có thắc mắc về chuyện được về thăm bố mẹ ít thì anh tỏ ra không hài lòng và luôn nói rằng: “Lấy chồng ăn phận nhà chồng. Nếu muốn ở nhà chăm sóc bố mẹ thì lấy chồng làm gì?” Những lúc ấy tôi cũng chỉ biết cúi đầu im lặng bởi trong suy nghĩ của tôi, anh cũng có cái lý đúng.

Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy bức xúc và tủi thân chính là sự hờ hững của anh đối với gia đình tôi. Cả năm anh cũng không đến thăm hỏi gia đình vợ một lần. Với anh, quan niệm “dâu con rể khách” luôn đúng. Anh thường bảo “việc bên nhà em đã có các bác, các cậu lo, em không phải thò tay vào làm gì, nó nát nhà ra. Việc của em là ở cái gia đình này. Còn chuyện gia đình em, em không có quyền và không có trách nhiệm phải lo lắng nữa.”

Có lẽ, những bức xúc, tủi hờn đó cũng chỉ thoáng qua và mau chóng tan biến với những lo toan của cuộc sống nếu không có một sự kiện động trời xảy ra. Bố và em trai tôi gặp tai nạn giao thông rất nặng. Cả hai người đều phải nằm điều trị ở bệnh viện Việt Đức với những chấn thương nặng ở đầu và cột sống. Chi phí viện phí và các dịch vụ khác không hề nhỏ khiến gia đình tôi lao đao. Mẹ và anh trai tôi chạy ngược chạy xuôi để vay tiền nhưng cũng không đủ. Đã thế, hai người nằm bệnh viện lại ở hai khoa khác nhau, nhà lại ít người nên chỉ có mỗi mẹ và chị dâu tôi ở đấy chăm còn anh trai thì chạy đi chạy về, vừa lo tiền lại lo cám tấm lợn gà ở nhà.

Cả nhà cứ loạn cả lên trước tai nạn bất ngờ ấy. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm cả về tiền bạc và thời gian để chăm sóc bố và em nhưng anh không đồng ý. Anh cho rằng, nếu cần, anh cả đã hỏi vay tiền, anh ấy không hỏi vay tức là anh ấy không cần nên tôi không phải nhanh nhảu kiểu “chó chạy trước cày”. Còn về chuyện tôi đi chăm bố và em nằm bệnh viện, anh kiên quyết phản đối vì còn phải ở nhà để phục vụ mấy anh em trong họ đang sửa sang lại nhà thờ vào dịp cuối năm. Anh cho rằng, mọi chuyện của gia đình đã có anh cả và mẹ tôi lo là đủ rồi, đó không phải là việc của tôi.

Tôi kiên quyết đi ra bệnh viện để chăm sóc bố và em thì nhận được “tối hậu thư” của anh rằng: nếu chọn việc về với gia đình mình thì không có chồng con, còn nếu muốn có chồng có con thì phải về ngay.

Nhận được tin nhắn của anh, tôi như rụng rời chân tay. Lòng thương bố, em phải chịu đau đớn trên giường bệnh, thương mẹ và anh méo mắt lo tiền chạy chữa cho bố khiến nước mắt tôi cứ tràn ra. Sao chồng tôi có thể vô cảm và độc đoán đến vậy!

Tôi có nên bỏ gia đình mình lại bệnh viện để về lo lắng cho gia đình nhà chồng? Tôi quá hoang mang không biết nên làm gì. Liệu có cách nào làm thay đổi được những suy nghĩ ích kỷ và độc đoán của chồng tôi không?

Chào chị

Chị là người phụ nữ giàu tình cảm, sống có trách nhiệm với gia đình và người thân. Suốt những năm qua chị đã dồn hết tâm huyết của mình vào việc chăm sóc chồng con và lo liệu chu toàn mọi việc trong gia đình chồng. Đó là nỗ lực và sự cố gắng không mệt mỏi của chị mà chồng chị cần phải ghi nhận, trân trọng. Vậy thì bây giờ việc chị dành thời gian, công sức, tiền bạc để lo liệu, quan tâm cho những người ruột thịt đang hoạn nạn của mình cũng là điều hợp tình, hợp lý chị ạ.

Ai sinh ra cũng có cha mẹ, anh chị em ruột thịt và việc quan tâm, lo lắng cho những người thân của mình vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền chính đáng của mỗi con người. Chồng chị đã xử sự thiếu tình người khi cấm đoán chị thực hiện bổn phận người con trong gia đình. Anh ấy cũng như nhiều người trong xã hội hiện nay vẫn còn mang nặng suy nghĩ, quan niệm cổ hủ khi cho rằng “ xuất giá tòng phu” , “ thuyền theo lái gái theo chồng” , quan niệm này ép buộc người phụ nữ sau khi lấy chồng phải toàn tâm toàn ý lo cho gia đình chồng và không được phép chăm lo cho gia đình bố mẹ đẻ nữa. Đây là điều hết sức bất công với người phụ nữ và khiến họ bị thiệt thòi khi phải hy sinh rất nhiều tình cảm với những người ruột thịt sau khi lập gia đình.

Để thay đổi suy nghĩ ích kỉ này của chồng chị cần phải có thời gian chị ạ. Điều quan trọng là chị cần lên tiếng và không nên im lặng cam chịu như những năm qua nữa. Chồng chị cần hiểu rằng việc bên nhà anh ấy hay bên nhà chị đều quan trọng như nhau và việc chị lo liệu cho bố mẹ đẻ không đồng nghĩa với việc chị bỏ bê gia đình như anh ấy nghĩ. Hơn nữa nếu là người chồng tốt, có trách nhiệm anh ấy nên giúp đỡ, hỗ trợ để chị làm tròn bổn phận người con hiếu thảo trong gia đình.

Chị có thể tìm đến những người thân hiểu chuyện trong gia đình chồng để có thể nhờ họ phân tích, tác động giúp anh ấy thay đổi tích cực. Trước mắt chị hãy cố gắng giữ tinh thần bình tĩnh sáng suốt để có thể lo liệu cho bố và em trai đang ốm đau. Chúc chị nhiều sức khoẻ và nghị lực để vượt qua giai đoạn thử thách này. Thân mến.

 Võ Thanh Giang- CSAGA
 

Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ như thế nào khi người phụ nữ thực hiện bổn phận của mình đối với gia đình bố mẹ đẻ?



Bình luận