Khuyên bố chồng làm việc này sau nghỉ hưu, tôi bị mang tiếng bất hiếu

Lời đề nghị của tôi rất bình thường nhưng bị bố mẹ chồng đánh giá là con dâu không có lòng tốt, bất hiếu.

Sau hơn 30 năm làm việc, bố chồng tôi chính thức nghỉ hưu từ tuần này. Trước khi nghỉ hưu, bố đã chuẩn bị tâm lý cho những ngày không đi làm như thường lệ.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thấy ông không khỏi bị sốc về tâm lý. Cả ngày, bố nằm trên giường sầu não, hết đi ra cửa lại mở tivi. Có lẽ chuẩn bị tâm lý thế nào đi chăng nữa, việc không còn đi làm quả thực là sự thay đổi lớn đối với bố.

Bố chồng tôi không chỉ kêu ca chuyện quá rảnh rỗi, mà còn lo lắng cho tương lai. Số tiền để dành có hạn, cộng thêm nỗi lo bệnh tật sẽ phải tiêu tốn một khoản đáng kể, vì vậy, câu cửa miệng mà vợ chồng tôi nghe từ bố là than thở về tiền bạc.

Bố mẹ chồng tôi đều có lương nhưng chẳng thấm vào đâu so với các khoản phải chi hàng ngày. Lẽ ra vợ chồng tôi phải có trách nhiệm đưa thêm tiền để ông bà an dưỡng tuổi già. Thế nhưng, chúng tôi gồng gánh nuôi 3 đứa con, trả nợ tiền mua chung cư nên chưa thể làm được.

Khuyên bố chồng làm việc này sau nghỉ hưu, tôi bị mang tiếng bất hiếu-1
Tôi không ngờ bản thân bị mang tiếng xấu khi khuyên bố chồng nên làm thêm sau khi nghỉ hưu (Ảnh minh họa: IT).

Chúng tôi có trao đổi với bố mẹ chồng về chuyện này. Hai ông bà tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên về lâu dài, ông bà sẽ nhờ cậy vào vợ chồng tôi lúc trái gió trở trời. Nỗi vất vả đó được chúng tôi xác định với nhau từ trước, không bao giờ thoái thác trách nhiệm.

Từ ngày bố chồng nghỉ hưu, không khí trong nhà tôi như chùng xuống. Tôi nhận ra chưa có ngày nào vui vẻ như trước. Nhìn bố chồng tiều tụy, tôi không đành lòng. Dù hai vợ chồng đã động viên nhiều lần, ông vẫn chưa lấy lại được cân bằng trong cuộc sống sau khi cầm sổ hưu.

Tôi nói với bố, gia đình mình không giàu sang nhưng trong khả năng có thể vẫn lo được cho bố mẹ. Bố mẹ không nên để nỗi lo về tiền bạc quá mức rồi nảy sinh bệnh tật, ốm đau khiến cả nhà vất vả theo.

Trong bữa cơm cuối tuần vừa qua, có em gái và con rể về chơi, bố chồng lại phàn nàn chuyện chi tiêu. Tiền lương của bố mẹ không trang trải đủ, nếu như bị ốm đau hoặc có cưới xin, ma chay.

Nhìn thấy bố lo lắng về cuộc sống sau khi nghỉ hưu, tôi buột miệng động viên ông nên xin đi làm bảo vệ cho các chung cư hoặc tòa nhà văn phòng. Công việc này sẽ vất vả nếu làm ca đêm. Còn nếu bố xin làm ca ban ngày, chắc chắn không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sức khỏe hiện tại của bố chồng tôi có thể làm được việc này. Thêm nữa, làm bảo vệ sau khi nghỉ hưu có chút thu nhập, tâm trạng vui vẻ, tránh ở nhà thêm suy nghĩ nhiều.

Tôi cố gắng phân tích cái được khi người già làm thêm công việc vừa sức, trong khả năng của mình. Thế nhưng, cả nhà tôi không ai chịu. Thậm chí, bố mẹ chồng còn mắng và nói tôi là "con dâu bất hiếu".

Mẹ chồng cho rằng, lẽ ra con dâu nên động viên để bố chồng yên tâm bằng cách hứa sẽ chu cấp thêm tiền bạc hoặc động viên an hưởng tuổi già với việc tập thể dục, sinh hoạt câu lạc bộ cùng các cụ cùng tuổi. Không có con cái nào khuyên bố mẹ đi làm thêm khi đã về hưu để kiếm tiền.

Trong suy nghĩ của mẹ chồng, tôi nói như vậy là không có tình thương, ép bố chồng phải tự kiếm tiền nuôi bản thân.

Bố chồng tôi bày tỏ, không thích làm bảo vệ vì không phù hợp. Tôi lại có suy nghĩ khác, công việc nào cũng đáng quý, miễn là phù hợp với khả năng và sức khỏe.

Sau khi nghe lời nói của mẹ chồng, tôi im bặt vì biết không cùng quan điểm với cả nhà. Tôi nghĩ trong lòng, nếu bố chồng đã xác định không đi làm nữa thì nên hài lòng với thu nhập khi nghỉ hưu, không nên kêu ca nhiều khiến cả gia đình thêm áp lực.

 

 

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/khuyen-bo-chong-lam-viec-nay-sau-nghi-huu-toi-bi-mang-tieng-bat-hieu-20231010064335234.htm

bố mẹ chồng


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.