Nghẹn đắng với người chồng “thà để vợ con đói chứ anh em phải có nhà đẹp ở”

Những tưởng sự kết hợp giữa cô và anh sẽ tạo nên một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Nào ngờ, khi chính thức bước vào cuộc sống chung, cô mới hiểu hết thế nào là lòng người...

Những tưởng sự kết hợp giữa cô và anh sẽ tạo nên một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Nào ngờ, khi chính thức bước vào cuộc sống chung, cô mới hiểu hết thế nào là lòng người...

Cô và anh đến với nhau qua mai mối. Trước đó, thấy anh có công việc tốt, thu nhập khá, lối sống chẳng điều tiếng gì, cô và gia đình khá ưng ý. Bản thân cô là giáo viên tiểu học, lương không cao song được cái công việc ổn định, có thời gian chăm sóc gia đình. Những tưởng sự kết hợp giữa cô và anh sẽ tạo nên một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Nào ngờ, khi chính thức bước vào cuộc sống chung, cô mới hiểu hết thế nào là lòng người.

Trên anh có một anh trai, thời điểm cô và anh kết hôn, anh trai anh đã cưới vợ, nên vợ chồng cô quyết định ra ngoài thuê nhà. Việc ở rể nhà cô vừa là anh không muốn, vừa bất tiện cho bố mẹ cô. Nhà trọ bọn cô thuê cách hai nhà nội ngoại không xa, chạy đi chạy lại vô cùng tiện.

Chính thức về chung nhà, anh đưa cô 1 tháng 2 triệu để chi tiêu, trong khi lương của anh gần 20 triệu. Cô không nói gì, cô cũng có lương, hơn nữa anh nói anh muốn dành tiết kiệm mua nhà, mua xe. 5 tháng sau kết hôn, cô mang thai, anh vẫn chả đưa thêm tiền cho vợ để cô bồi bổ. Thậm chí tới khi cô sinh con, trong nhà bao nhiêu thứ cần chi tiêu, nhưng hàng tháng anh vẫn thản nhiên góp 2 triệu – số tiền chắc đủ anh ăn bữa tối ở nhà trong cả tháng.

Cô nhẹ nhàng nhắc nhở anh, anh bảo cô cứ đập tiền lương của cô vào mà tiêu, lương của anh là để tiết kiệm. Ừ thì vợ chồng tính toán làm gì, dù khoản tiết kiệm anh nói cô chẳng thấy mặt mũi nó đâu, nhưng cô vẫn im lặng cho qua.

Nghẹn đắng với người chồng “thà để vợ con đói chứ anh em phải có nhà đẹp ở” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Rồi anh mua ô tô, nhưng thi thoảng anh mới đi đến, bình thường đi làm anh vẫn dùng xe máy. Anh mang xe về cất ở nhà bố mẹ mình cho ông bà và anh trai, chị dâu anh đi. Đến giấy tờ cũng đưa mẹ cất hộ. Vợ con cần đi đâu anh phán “xanh rờn”: “Đi xe máy hoặc gọi taxi mà đi!”. Cô nghẹn đắng không nói được gì.

Rồi anh dồn dịch hết tiền nong để anh trai xây nhà mới, để bố mẹ anh và vợ chồng con cái nhà anh trai được ở nhà khang trang. Trong khi cô và anh còn đi thuê trọ, và căn nhà bố mẹ anh đang ở tuy hơi cũ mà đâu đến nỗi nào, vẫn ở tốt chán. Điều gì quan trọng và cấp thiết hơn, sao anh có thể không rõ? Chưa nói, bình thường có gì ngon anh ta đều mang hết sang nhà nội, chẳng để lại cho vợ con lấy một miếng. Nếu ông bà nội có nhớ đến bảo anh ta cầm về một ít thì mẹ con cô mới có phần, còn không thì thôi.

Lần này cô không cho qua nữa, cô đã nói chuyện thẳng thắn với chồng. “Để cho bố mẹ anh em dùng thứ tốt, tôi dùng đồ đểu cũng được, chẳng sao hết. Còn cô muốn mua nhà thì tự kiếm tiền mà mua, ai cấm đâu!”, từng câu từng chữ anh ta nói cô nhớ như in, không bao giờ quên được.

Cô không thể hiểu nổi suy nghĩ của chồng mình. Rốt cuộc anh ta lấy vợ làm gì? Để gọi là cho có vợ và có chỗ giải quyết "nhu cầu" không tốn tiền? Nói ra thì thô tục nhưng sự thực những gì anh ta hành động đã nói lên điều đó. Anh ta mang tiếng là chồng cô, là bố của con trai cô, nhưng anh ta ở cái gia đình này chỉ như một kẻ ở nhà, góp đúng tiền ăn bữa tối của bản thân, còn lại không quan tâm cũng như chịu trách nhiệm với bất cứ chuyện gì khác. Thậm chí anh còn nghiễm nhiên hưởng thụ sự phục vụ của cô. Ngang với anh ta thuê ô sin giá bèo còn gì! Với giá thị trường hiện nay, anh ta đi đâu để tìm được ô sin 2 triệu/tháng mà giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, bữa tối cơm bưng nước rót, chưa nói điện, nước, gas, mạng internet lại dùng miễn phí?

Cô vốn không phải người thích nói nhiều, nghe xong câu tuyên bố của chồng, cô im lặng không đáp lời, song trong lòng thì tắt mọi hi vọng về anh ta. Từ khi anh ta tuyên bố như thế, thì cô cũng chẳng coi anh ta là chồng nữa.

Gần Tết, trong nhà vẫn trống hơ trống hoác, nhưng anh ta đã mua đào, quất cho bố mẹ mình trang hoàng nhà mới, thêm rất nhiều bánh kẹo, rượu bia và đồ ăn thức uống khác. Cô lạnh nhạt nhìn trong mắt, không phản ứng một lời. Năm nay cô không định sắm Tết, mẹ con cô sẽ về bên ngoại ăn Tết, còn anh ta hẳn quây quần với bố mẹ và vợ chồng anh trai nhà anh ta.

Nghẹn đắng với người chồng “thà để vợ con đói chứ anh em phải có nhà đẹp ở” - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hôm qua, anh ta xách một giỏ quà được công ty tặng về nhà. Con trai 2 tuổi rưỡi của cô nhìn thấy thì xán vào xem. Lúc nhìn thấy có gói lạp sườn trong ấy, thằng bé thích lắm, cứ đòi mẹ rán cho ăn. Anh ta lập tức giằng lấy, lườm thằng bé một cái: “Để mang biếu ông bà nội, ăn gì mà ăn!”. Sau đó anh ta xách giỏ quà đi sang nhà bố mẹ mình.

Cô nhìn cảnh ấy mà xót xa vô cùng, thương con trai chưa bao giờ được bố nó coi là con. Ông bà nội thiếu thốn gì gói lạp sườn, anh ta đã mua về bên ấy không ít đồ rồi còn gì, trong khi con trai lại đang thích thú nhường ấy, anh ta nỡ lòng nào... Từ khi cô mang thai tới lúc này, anh ta chẳng mua được thứ gì dù là nhỏ nhất cho con...

Cô vội dỗ dành con, dẫn con ra phố mua lạp sườn về rán cho con ăn. Rồi cô lấy giấy bút, chậm rãi viết “Đơn xin ly hôn”. Tình cảm với anh ta đã hết từ lâu, thậm chí tới lúc này cô đối với anh ta đã là chán ghét tới cực điểm, không muốn nhìn mặt anh ta thêm một giây phút nào nữa.

Để lại lá đơn, cô dọn đồ đạc của 2 mẹ con về nhà ngoại. Giải quyết trước Tết cũng tốt, để sang năm sẽ là một khởi đầu mới cho 2 mẹ con cô.

Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.