Tôi bị chồng “thống trị” toàn diện

Với nhiều người, có thể chồng làm sếp là một hạnh phúc nhưng với tôi nó lại trở thành một bi kịch không dễ giãi bày cùng ai.

Với nhiều người, có thể chồng làm sếp là một hạnh phúc nhưng với tôi nó lại trở thành một bi kịch không dễ giãi bày cùng ai.

  Tôi lấy chồng được gần mười năm. Chồng tôi là Tổng giám đốc một công ty thương mại điện tử với gần một nghìn nhân viên. Công việc bận rộn cùng những lo lắng, tính toán khiến chồng tôi già đi nhanh chóng. Thương chồng và cũng vì điều kiện chăm sóc con cái, tôi đã nghỉ việc ở nhà nội trợ để chồng yên tâm làm việc.

  Thời gian đầu, tôi thực sự hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống của mình. Tôi sinh liên tiếp 2 cậu con trai. Công việc chăm sóc con cái và những công việc nội trợ khiến tôi quên mất bản thân mình. Nhiều lúc soi gương, tôi giật mình vì không còn nhận ra mình trong gương. Nhưng những lo lắng về vẻ bên ngoài lại bị chìm lấp trong hàng đống công việc phục vụ 2 cậu con nhỏ và đặc biệt là ông chồng của tôi.

Ảnh minh hoạ

 Từ khi trở thành Tổng giám đốc, tính tình của chồng tôi hoàn toàn thay đổi. Anh tỏ ra lạnh lùng hơn. Rất ít khi thấy anh ấy cười. Lúc nào anh cũng cau có và trịch thượng.

  Trong cuộc sống hàng ngày, chồng tôi luôn đòi hỏi tôi phải làm thế này, phải làm thế khác. Tất cả những việc trong gia đình khi chồng tôi đã “quyết” là tôi chỉ có nhiệm vụ thực hiện. Tôi không được phép đưa ra ý kiến của mình. Bởi mỗi lần tôi đưa ra quan điểm riêng, chồng tôi lại cho rằng tôi “cãi” và quyết định trừng phạt tôi bằng rất nhiều kiểu oái oăm.

  Anh nói rằng: “Em là vợ, em chỉ có nhiệm vụ nghe lời và nuôi con. Mọi chuyện khác em không được phép đưa ra bất cứ ý kiến gì. Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà anh mới là người quyết.”

  Có lẽ, do công việc và việc tiếp xúc với bên ngoài nên anh tỏ ra khá “quan cách” trong sinh hoạt. Anh luôn muốn được phục vụ một cách “chu đáo” nhất.

  Về đến nhà là anh ngồi ra ghế, tôi có nhiệm vụ cất cặp tài liệu, cởi giầy, cởi tất cho anh. Chuyện ăn uống của anh cũng trở nên cầu kỳ hơn rất nhiều. Dù rất hay đi tiếp khách nhưng anh yêu cầu tôi, mối buổi chiều phải gọi cho anh để xin ý kiến xem tối đó ăn món gì, nấu như thế nào, và anh có về ăn cơm không. Nếu anh nói là về ăn cơm thì dù có phải đợi đến 12 giờ đêm thì mẹ con chúng tôi cũng không dám ăn trước. Bởi đối với anh, ăn trước anh là thể hiện sự thiếu tôn trọng anh. Trong chuyện vợ chồng, bất cứ lúc nào anh “có nhu cầu” là tôi phải đáp ứng một cách vô điều kiện.

  Càng ngày, tôi càng cảm thấy mình thay đổi. Tôi không còn là tôi nữa mà trở thành một con ở theo đúng nghĩa của từ này. Tôi trở thành một con rối sợ hãi làm theo bất cứ yêu cầu gì dù là vô lý nhất của chồng.  Chẳng lẽ số phận của tôi phải bị như vậy? Liệu có cách nào để tôi thoát khỏi sự thống trị của chồng?

 

Ái Duyên

 

Chị thân mến!

 Thời gian vừa qua có lẽ vì quá chuyên tâm chăm sóc gia đình, chăm sóc chồng chị và thực hiện những điều mà anh ấy muốn với chị mà chị đã quên mất chính bản thân mình. Đó là một điều thực sự rất đáng tiếc!

 Hiện nay có rất nhiều người đang trong hoàn cảnh giống như chị, mặc dù gia đình giàu có, chồng thành đạt nhưng họ không hạnh phúc. Vì thương yêu chồng con mà những người phụ nữ chấp nhận từ bỏ cả công việc yêu thích của mình để ở nhà tập trung lo lắng cho gia đình nhưng hệ quả là chính bản thân họ lại thấy sự hi sinh của mình không mang lại những điều như mình mong muốn. Chồng chị cũng như rất nhiều nam giới khác quan niệm rằng: trong gia đình thì người vợ nên ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái; họ gắn công việc này như một “thiên chức” không thể chối bỏ được của người phụ nữ, mặc định là người đàn ông sẽ là người kiếm tiền chính trong gia đình và có quyền điều hành mọi việc. Sự chấp nhận làm cái bóng của chồng đã làm cho nhiều người phụ nữ trở nên thụ động và phụ thuộc. Sự chấp nhận đó cũng khiến cho phụ nữ không còn có được tiếng nói của riêng mình ,vai trò trong gia đình cũng như vai trò xã hội cũng sẽ dần bị lu mờ.

 Trong thực tế, phụ nữ hay nam giới đều có những khả năng, cơ hội và trách nhiệm như nhau trong việc chăm sóc gia đình cũng như kiếm tiền nuôi sống gia đình. Việc đồng ý ở nhà để hỗ trợ anh ấy là chị đang dần tự tước đi cơ hội để phát triển bản thân, bỏ đi những niềm say mê công việc và vô tình trở thành áp lực của chính anh ấy. Thêm nữa việc chấp nhận chiều chồng trong quan hệ tình dục khi chị không hề mong muốn cũng sẽ dần giết chết cảm xúc của chị trong chuyện chăn gối. Chị có quyền từ chối quan hệ tình dục nếu mình không muốn hoặc cảm thấy không thoải mái. Với tính gia trưởng của anh ấy, chị nên tìm cách từ chối một cách khéo léo, lựa chọn thời điểm phù hợp để trao đổi cởi mở và thẳng thắn với anh ấy về việc này để chồng chị hiểu và tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của chị. Chị cần có quan điểm rõ ràng trong quan hệ vợ chồng cũng như những việc liên quan đến gia đình mình để chồng chị nhìn nhận lại cách ứng xử của anh ấy thời gian qua cũng như có sự điều chỉnh cho phù hợp. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà chị cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để giúp chị hình dung ra những điều chị mong muốn và những thứ chị đang có để có thể giúp chị tìm lại chính mình.

 Đối với anh ấy, chị cũng cần trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ của mình, chia sẻ cả những khó khăn để anh ấy hiểu chị, bởi cả hai vợ chồng đều có sự bình đẳng với nhau đối với trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ chăm sóc gia đình, cùng có sự thảo luận để tìm ra những giải pháp phù hợp với cả hai.  Về lâu dài thì chị cần tìm lại một công việc, dù thu nhập thế nào thì đó cũng là công việc của chị, nơi mà chị có thể tìm niềm vui, sự thoải mái và những người bạn để chia sẻ.

 Chúc chị sớm tìm lại được ý nghĩa của bản thân!

 Vũ Ánh Tuyết (CSAGA)

 

Thăm dò ý kiến

Trong gia đình nếu người chồng làm sếp, người vợ nên nghỉ ở nhà chăm sóc gia đình, bạn nghĩ như thế nào về điều này:


Bình luận