Tôi lại muốn quay về, sau hàng chục năm bỏ mặc người tình chung thủy

Rất nhiều người - trong đó có người anh trai - khuyên tôi hãy chủ động liên lạc với Thanh để nối lại duyên xưa, sẽ hợp mọi nhẽ.

Rất nhiều người - trong đó có người anh trai - khuyên tôi hãy chủ động liên lạc với Thanh để nối lại duyên xưa, sẽ hợp mọi nhẽ.

Họ khẳng định lúc nào Thanh cũng không quên mối tình xưa, luôn day dứt và oán trách tôi đã đơn phương bỏ bẵng, lẩn tránh, khiến cô không sao tìm kiếm.

Năm 1970, vừa tròn 18 tuổi, tôi từ biệt quê hương-một vùng đồng chiêm trũng ở Bắc Bộ-nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu. Thanh kém tôi 2 tuổi, học cùng trường, dưới tôi một lớp. Tôi cứ tưởng tình yêu là đơn phương ở phía mình, bởi Thanh không có một biểu hiện gì của tình yêu ngoài sự vui vẻ. Chính điều này khiến tôi hiểu là cô “chẳng có gì” với mình. Không ngờ đến ngày biết tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhất là biết rõ ngày sẽ lên đường đi B (ngày ấy là chiến trường miền Nam), Thanh buồn rười rượi và chủ động hẹn buổi tối đi chơi riêng chỉ có 2 người. Tối hôm đó, cô đã khóc và tặng tôi chiếc khăn mu-soa do chính tay cô thêu đôi chim hòa bình quấn quít bên cạnh chữ “kỷ niệm”. Chính tôi lại động viên cô nhiều. Lần ấy, cô đã gục đầu vào vai tôi thảng thốt và xưng “em”.

-Em đã yêu anh từ lâu mà anh đâu có biết. Người ta “để ý” đến mình cả năm rồi mà không biết, thật “ngố”.

-Thì anh có thấy gì đặc biệt đâu. Với ai, em chẳng vui vẻ, lịch sự như thế.

-Mình phải chủ động chứ. Trâu phải tìm cọc, chứ để cọc tìm trâu sao.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được yêu. Khác hẳn bản tính kín đáo, dè dặt, e thẹn mọi ngày, lần chia tay ấy, Thanh chủ động nói với tôi nhiều điều. Cô nói là bằng bất cứ giá nào cũng đợi tôi trở về. Tôi nói chiến tranh không biết thế nào, có thể tôi sẽ hy sinh ngoài mặt trận, ở nhà gặp được ai phù hợp,Thanh cứ việc lấy. Tôi không trách gì. Thanh chỉ đáp lại lời nói của tôi bằng những hàng nước mắt đầm đìa, ướt đầm vai áo.

Sau một thời gian ngắn luyện tập ở ngoài Bắc, tôi vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Thời gian ở ngoài Bắc, tuần nào chúng tôi cũng biên thư cho nhau. Có tuần, tôi nhận được 2,3 lá. Thanh động viên tôi nhiều, luôn nói rằng nếu quá bận luyện tập và mệt mỏi thì không nhất thiết lá nào cô gửi cũng phải biên lại ngay. Tôi thấy rõ cô rất cảm thông, thương tôi và có tấm lòng nhân hậu, không hề ích kỷ, sẵn lòng hy sinh vì tôi. Tình yêu của chúng tôi ngày càng nồng đượm, mãnh liệt. Trước khi lên đường đi B, tôi được nghỉ 2 ngày về thăm nhà. Và buổi tối lần về nhà đó, tôi và Thanh đã vượt quá giới hạn của tình yêu...


(Ảnh minh họa)

Sau bao ngày ròng rã hành quân, tôi đã đặt chân đến Tây Nguyên. Lá thư đầu tiên tôi nhận được từ Thanh sau lần vào B so với ngày tháng đề trong thư cũng hơn 1 tháng. Chúng tôi vẫn thư từ cho nhau nhưng phải vài tháng mới nhận được. Sau đó, tôi biết tin Thanh đã có thai. Qua thư, cô kể là phải chịu búa rìu dư luận và bị kỷ luật cảnh cáo. Nhưng vượt lên nỗi buồn, xấu hổ vì bị kỷ luật, cô có niềm hạnh phúc vô bờ bến là đang mang trong người giọt máu của tôi. Cô khai rõ “tác giả” bào thai là tôi-một chiến sĩ đang chiến đấu ở tiền tuyến. Cô tuyên bố tuy chưa có thủ tục ăn hỏi, cưới treo gì nhưng cô đã coi tôi là chồng. Cô cũng kể là cha mẹ chỉ quở trách qua loa, rồi thương vì tin tôi là người chung thủy, còn tự hào bởi có chàng rể tương lai đang là một anh bộ đội giải phóng.

Đơn vị tôi luôn di chuyển khắp các tỉnh Tây Nguyên. Chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Tôi không thể có thời gian gửi thư về cho Thanh. Vả lại, chỉ huy đơn vị cũng đả thông anh em là hãy ráng chịu đựng, ngày chiến thắng không còn xa, hiện tại với tình hình chiến sự, thư từ không tới nơi, bặt tin nhau là chuyện bình thường. Nhưng tôi vô cùng hạnh phúc bởi biết mình sắp được làm cha, giọt máu của tôi để lại quê nhà chính là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa chúng tôi, giữa tiền tuyến và hậu phương. Tôi lao vào chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Sau vài ba năm, tôi đã trở thành một Trung đội trưởng, rồi đại đội phó. Tôi luôn được cấp trên khen ngợi và được kết nạp Đảng ngay tại chiến hào.

Trong cuộc tổng tiến công của quân dân ta mùa Xuân năm 1975, lúc này tôi đang là Đại đội phó một đơn vị bộ binh, không may bị thương rất nặng sau một trận bom địch thả. Do chấn động quá mạnh của tiếng bom nổ, tôi đã bị mù cả hai mắt, phải đưa ra Bắc. Sau mấy tháng điều trị, sức khỏe tôi ổn định nhưng ánh sáng thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Buồn, tủi và thương Thanh, khi ra viện, tôi quyết định không về quê nhà mà đến lao động tại một trại dành cho thương binh ở một tỉnh xa. Tôi biên thư cho một người anh duy nhất ở quê nhà nói rõ hoàn cảnh và đề nghị anh không cho Thanh biết tình hình của tôi (tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 15 tuổi).

Sau khi ra Bắc điều trị mắt, tình cờ tôi được biết hai mẹ con Thanh vẫn sống yên ổn, tuy nghèo. Thực lòng, tôi vẫn còn nguyên vẹn tình cảm với Thanh và rất đỗi thương đứa con gái mình chưa hề biết mặt. Nhưng tôi không muốn Thanh phải khổ vì tôi-một thương binh mù cả hai mắt, thân hình lại gầy gò, tiều tụy. (Lúc ra viện, tôi chỉ nặng 43 kg). Thanh là một cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp, lại nết na, tôi tin sẽ dễ dàng có hạnh phúc. Tôi không muốn trút gánh nặng lên Thanh. Như vậy, con tôi cũng sẽ bị khổ lây, do cuộc sống nếu gắn bó với tôi sẽ rất nghèo khó. Tôi hy vọng, Thanh sẽ gặp được người đàn ông xứng đáng. Và con tôi cũng sẽ được nương nhờ.

...Mấy chục năm đã qua. Tôi vẫn sống như vậy, không vợ con, lấy tình bạn bè, đồng đội làm hạnh phúc, vui với việc dạy trẻ con ca hát (tôi vốn là người hát hay và thuộc nhiều bài hát). Nhưng gần đây, tôi biết rõ là trong quãng thời gian dài dằng dặc qua, Thanh luôn có ý tìm kiếm tôi mặc dù cô đã có chồng. Rồi cuối năm ngoái, tôi được tin chồng cô mất do một tai nạn nghề nghiệp. Đó là một người đàn ông làm nghề cai thầu xây dựng, kiếm được nhiều tiền, không có con chung với Thanh, đối với con gái tôi rất tốt, coi như con đẻ. Tôi lại biết rõ hiện nay Thanh có cuộc sống đầy đủ về vật chất: Ở một tòa nhà ba tầng bề thế với đầy đủ tiện nghi. Thanh là chủ một cửa hàng điện thoại di động. Con gái tôi đã lấy chồng, cũng có cuộc sống rất đầy đủ.

Bên cạnh nỗi buồn vì không biết mặt con, không chứng kiến ngày nó vu quy, có mặc cảm như là mình bỏ rơi đứa con, tôi lại thấy yên lòng với ý nghĩ: Chính vì tôi cố tình xa lánh Thanh nên đến nay cô mới có cuộc sống như thế, con gái tôi mới học hành thành đạt và mãn nguyện với hạnh phúc riêng. Giả sử tôi về sống với Thanh, cuộc sống sẽ nghèo khổ suốt đời. Con gái tôi liệu có được như ngày nay hay phải bỏ học giữa chừng để làm ăn, kiếm sống? Chưa kể tôi sống nhiều năm ở Tây Nguyên, nơi giặc rải nhiều chất độc hóa học, lấy gì đảm bảo tôi không sinh thêm những đứa con dị tật như những đứa trẻ bất hạnh đã ra đời do bố chúng bị nhiễm chất độc đi-ô-xin ?

Rất nhiều người - trong đó có người anh trai - khuyên tôi hãy chủ động liên lạc với Thanh để nối lại duyên xưa, sẽ hợp mọi nhẽ. Họ khẳng định lúc nào Thanh cũng không quên mối tình xưa, luôn day dứt và oán trách tôi đã đơn phương bỏ bẵng, lẩn tránh, khiến cô không sao tìm kiếm. Thú thực là nhiều lúc tôi cũng muốn tìm về với Thanh, nhưng lại nghĩ hiện nay cô giàu có như thế, lòng tự trọng lại chặn ý định. Kể mà cô nghèo túng thì tôi sẽ bớt băn khoăn. Đằng này... Tôi không thể. Xin các anh, chị hãy chân tình cho tôi một lời khuyên.

Theo GĐXH


tình yêu

người tình

chung thủy

Vợ Chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.