Dừng tìm kiếm MH370 vì trục trặc kỹ thuật

Trung tâm kết nối của tàu lặn Bluefin-21 bị hỏng dẫn đến khả năng việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích phải trì hoãn trong thời gian dài.

Trung tâm kết nối của tàu lặn Bluefin-21 bị hỏng dẫn đến khả năng việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích phải trì hoãn trong thời gian dài.

Thủy thủ đoàn trên tàu Ocean Shield đang di chuyển Bluefin-21. Ảnh: Reuters

 
Thiết bị liên lạc của Bluefin-21 bị trục trặc hôm qua, ngày đầu tiên chiếc tàu lặn hoạt động trở lại sau hai tuần nghỉ bảo dưỡng, Reuters dẫn thông báo của Trung tâm phối hợp tìm kiếm (JACC) của Australia cho hay. Vấn đề được các chuyên gia phát hiện sau khi Bluefin-21 xuống biển khoảng hai giờ.

"Có một trục trặc về phần cứng của hệ thống tiếp sóng trên Ocean Shield, tàu kéo theo Bluefin-21, và khả năng lớn là trục trặc này cũng ảnh hưởng đến tàu lặn", thông báo của JACC cho biết. Theo đó, việc liên lạc giữa hai con tàu bị gián đoạn, khiến cuộc tìm kiếm phải dừng lại giữa chừng.

Các thiết bị sửa chữa, được chuyển từ Hải quân Mỹ, sẽ đến Australia ngày 18/5, sau đó mất thêm vài ngày để đến được vùng tìm kiếm cách thành phố Perth 1.600 km về phía tây bắc. Bởi vậy, hoạt động rà soát mảnh vỡ MH370 dưới đáy Ấn Độ Dương sẽ bị trì hoãn tương đối lâu.

Bluefin-21 được triển khai sau khi chỉ huy JACC Angus Houston hôm 14/4 tuyên bố các hộp đen của máy bay MH370 đã ngừng phát tín hiệu. Thiết bị không người lái này được trang bị hệ thống định vị thủy âm, có thể dò sóng những âm thanh khả nghi hoặc tín hiệu hộp đen. Bluefin-21 rà quét và chụp được ảnh đáy đại dương ở độ sâu 4.500 m với độ phân giải cao.

Tàu lặn dài 4,93 m, nặng 750 kg, di chuyển rất chậm, với mỗi lần thực hiện nhiệm vụ kéo dài ít nhất 24 giờ. Tháng trước, Bluefin-21 từng bỏ cuộc vài lần vì một số trục trặc máy móc.

Cuộc tìm kiếm sắp bước sang tháng thứ ba kể từ khi chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines chở theo 239 người mất tích hôm 8/3 trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Chiến dịch tìm kiếm quốc tế trên không và dưới nước ở Ấn Độ Dương đến nay chưa thu được kết quả khả quan.

Giới chức cho rằng phải mất một năm đội tìm kiếm mới rà soát hết 60.000 km2 tại vùng biển mà MH370 được cho là đã lao xuống. Đơn vị điều hành chiến dịch ở Australia khẳng định không bỏ cuộc cho đến khi thấy dấu vết chiếc phi cơ. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm kéo dài này tiêu tốn hàng chục triệu USD và sẽ là chiến dịch đắt đỏ nhất trong lịch sử hàng không thế giới.
 
Theo T.Trang (VnExpress.net)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.