Ấn Độ: Chuyện những người vợ trẻ bán dâm “xuyên thế hệ”

Đối với những phụ nữ trẻ thuộc đẳng cấp Perna ở Ấn Độ, việc hành nghề mại dâm gần như là bước kế tiếp thường tình sau khi kết hôn và sinh con cái.

Đối với những phụ nữ trẻ thuộc đẳng cấp Perna ở Ấn Độ, việc hành nghề mại dâm gần như là bước kế tiếp thường tình sau khi kết hôn và sinh con cái.

Khi Sita* về nhà vào sáng sớm, chồng cô thường vẫn còn ngủ. Cô đã phải “lao động” suốt đêm, bán dâm trên các trục đường lớn bao quanh thủ đô Delhi của Ấn Độ. Mặc dù là gái điếm, cô sau đó vẫn sẽ tắm táp, nấu bữa sáng, và chuẩn bị cho con cái đi học trước khi cô thực sự được nghỉ ngơi một chút.

an do chuyen nhung nguoi vo tre ban dam xuyen the he hinh 1
Phụ nữ nghèo Ấn Độ. Ảnh: al Jazeera.

Sita sống ở khu vực Najafgarh xập xệ (thuộc vùng rìa thủ đô), nơi đan xen giữa nông thôn và đô thị. Tại đây việc cô làm nghề gì để kiếm sống không phải là điều bí mật. Sita thuộc về đẳng cấp Perna. Đối với cô cũng như bao phụ nữ khác ở cộng đồng này, việc bước chân vào nghề bán dâm là “chuyện thường ngày”, một khi họ đã kết hôn và sinh con.

Sita kể: “Cháu đầu của tôi chết ngay sau khi sinh. Khi cháu gái (đứa thứ 2) được khoảng 1 tuổi thì cũng là lúc tôi bắt đầu công việc này [bán dâm – ND]”.

Tầm 14-15 tuổi, Sita lấy chồng – là một người đàn ông cùng thuộc đẳng cấp Perna. Cô ước chừng rằng độ 17 tuổi cô đã trở thành người kiếm tiền trụ cột trong gia đình riêng của mình.

Bây giờ cô đoán mình đã tầm 28-29 tuổi. Hàng đêm Sita lại cùng các phụ nữ khác trong cộng đồng của mình đi tìm “khách” ở những nơi “ngẫu nhiên” như là điểm dừng xe bus, chỗ dừng chân của tài xế, hay các công viên cách xa nơi các phụ nữ sống và khuất tầm nhìn của cảnh sát. Họ đi theo nhóm, góp tiền đi chung xe đạp 3 bánh (loại xe dịch vụ ở Ấn Độ, kiểu như xích lô - ND) và cùng chịu rủi ro bị các gã đểu tấn công.

Sita giải thích: “Chúng tôi cố gắng làm “chuyện đó” thật nhanh”. Họ gặp khách mua dâm bên trong các ô tô hay những chỗ kín đáo ngay ngoài trời. Khi một phụ nữ “đi khách”, một người bạn sẽ ở gần khu vực đó trong khoảng cách có thể nghe được tiếng tri hô.

Mỗi lần “vui vẻ” như thế này, khách làng chơi sẽ phải trả từ 200-300 rupee (tương đương 3-4,5 USD). Mỗi đêm, mỗi phụ nữ bán hoa này sẽ kiếm được tới 1.000 rupee (tương đương 14,6 USD). Cũng có khi gần như chẳng được đồng nào.

Sinh ra trong nghèo khó

Leela* là người mẹ của 4 đứa con. Leela tầm 37-39 tuổi. Từ khi còn rất nhỏ, chị đã biết rằng cộng đồng của mình tham gia vào cái gọi là “mại dâm xuyên thế hệ”. Khác với Sita và nhiều phụ nữ khác, Leela chỉ bước vào nghề bán dâm khi chị trở thành một góa phụ và quay trở lại quê bố mẹ ở Dharampura thuộc Najafgarh.

Đối với Leela, đây là hành trình tự nhiên đối với một phụ nữ đang tìm kiếm việc làm: Mẹ chị chết sớm. Các dì của chị cũng thường “ra ngoài làm việc về đêm”.

Các ông chồng thì chăn dê hoặc chẳng làm gì cả. “Tôi chẳng hiểu vì sao lại thế. Thôi thì cứ coi đây là truyền thống đi vậy”, Leela tâm sự.

Ruchira Gupta, sáng lập viên của tổ chức phi chính phủ Apne Aap chuyên về chống buôn người, nói: “Một phụ nữ Perna sinh ra đã nghèo khó, ở trong một đẳng cấp bị gạt sang bên lề, mà cô ấy lại là nữ giới, nên cô ấy bị 3 tầng áp bức.”

Bà Gupta đã làm việc với cộng đồng Perna ở Najafgarh được hơn 5 năm.

“Ngay khi cô gái dậy thì, cô ấy kết hôn. Sau khi sinh con so, chồng cô sẽ làm ma cô cho chính vợ mình. Và cô ấy không thể chống lại được. Cô chỉ có mỗi cộng đồng này để nương thân. Cô cảm thấy mình không có lối thoát. Cô bị khai thác như vậy trong 8-10 năm và rồi người ta lại yêu cầu cô đưa con gái của mình vào nghề mại dâm”.

Bà Gupta giải thích, những cô gái nào kháng cự lại việc phải bán dâm thì thường bị chính bố mẹ chồng hành hạ, đánh đập về thể xác. Họ chỉ muốn con dâu đóng góp tài chính cho gia đình. Như trường hợp của Leela – con gái của chị cũng đã trở thành một người mẹ sống ở nhà bố mẹ chồng trong khu vực Najafgarh. Con gái của Leela đã phải chạy về sống với chị một thời gian ngắn để tránh sức ép của gia đình chồng ép cô phải bán dâm.

Leela kể về chuyện của con gái mình: “Bọn họ đe dọa con bé. Họ bảo “Chúng tao sẽ xé quần áo của mày, lột trần truồng mày đưa ra phố”.

Với sự hậu thuẫn của tổ chức Apne Aap, Leela cuối cùng đã thuyết phục được một tòa án cộng đồng tin rằng con gái của chị được phép tự đưa ra quyết định riêng của mình. Nhưng một nhân viên tổ chức phi chính phủ giải thích thêm: “Chúng tôi ít khi gặp những trường hợp can đảm như Leela”.

Trong khi đó, Sita thì lại khẳng định cô không chịu sức ép từ chồng hay bố mẹ chồng. Cô cho biết việc mình bán dâm là “sự lựa chọn của riêng tôi”. Sita chia sẻ thêm, mới đây chồng mình đã tìm được một công việc ổn định là lái xe, với thu nhập ngang ngửa với công việc “bán hoa” của Sita.

Tuy nhiên ngay cả khi không có sự cưỡng ép thì khái niệm “lựa chọn” ở đây cũng có rất nhiều vấn đề khi tính đến bối cảnh cộng đồng này bị gặt sang bên lề cả về kinh tế và xã hội và trong quá khứ còn bị tước bỏ nhiều quyền công dân.

Bất lợi lịch sử

Tạm rời cộng đồng bé nhỏ ở rìa thủ đô Ấn Độ để nhìn rộng ra hơn thì cộng đồng Perna chỉ là một chấm nhỏ trong hàng ngàn chấm nằm rải rác trên một tấm bản đồ phản ánh một báo cáo của chính phủ Ấn Độ về “các nhóm xã hội Ấn Độ dễ bị tổn thương nhất và chịu thiệt thòi nhất”. (Báo cáo này có từ năm 2008).

an do chuyen nhung nguoi vo tre ban dam xuyen the he hinh 5
Một khu vực sinh sống của cộng đồng DNT. Ảnh: al Jareeza.

Đây là các nhóm bộ lạc DNT, mà ngày nay xã hội Ấn Độ vẫn hay gọi họ bằng tên miệt thị thời thực dân: Các bộ lạc tội phạm.

Trong lịch sử, các cộng đồng DNT này bao gồm những người đi buôn xa, người hành nghề giải trí và những người làm nghề thủ công. Tính chất nay đây mai đó của họ khiến nhà nước rất khó kiểm soát. Giới chức Anh cai trị ở Ấn Độ khi đó đã đưa những người DNT du mục vào diện nghi ngờ.

Sau khi có đạo luật năm 1871 về những bộ lạc tội phạm, một số đẳng cấp đã được “thông báo”, tức là bị gán mác “tội phạm bẩm sinh”, bị cách ly với các nguồn thu nhập truyền thống và bị đẩy vào chỗ bị nhà nước phân biệt đối xử và gây khó dễ.

Sau khi Ấn Độ độc lập vào năm 1947, các bộ lạc trên được giải thoát khỏi cái mác kỳ thị kia nhưng vẫn không thể làm lung lay được điều mà học giả Meena Radhakrishna gọi là “bất lợi lịch sừ” của họ.

Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều chương trình phúc lợi hướng tới các cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi nhưng các điều tiếng trong quá khứ đã khiến các bộ lạc DNT gặp khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ này. Đã vậy việc cách ly với xã hội chủ lưu trong thời gian dài cũng khiến nhiều người trong số họ không biết mình có những quyền gì.

Quay trở lại Najafgarh, phóng viên nói chuyện với một phụ nữ trẻ đến từ đẳng cấp Sapera, một cộng đồng DNT chuyên sống bằng nghề thổi kèn dụ rắn và chơi trống đám cưới. Cô này kể về nghề mại dâm của các láng giềng trong đẳng cấp Perna: “Đó là nghề của họ mà. Họ sống thế nào nếu thiếu nghề đó?”

Nhưng mặt khác, người phụ nữ cũng thừa nhận: Người ở các đẳng cấp phổ thông (không phải DNT) sẽ tức giận về việc ai đó làm cái nghề “sai trái” đó.

Nhân viên của tổ chức Apne Aap thông tin cho biết, trên thực tế người của cộng đồng Perna bị phớt lờ, lảng tránh, hoặc cấm vào một số cửa hàng nhất định.

Một quan chức Ấn Độ cho rằng cần phải đưa trẻ em vào trường học thì mới mong các em không phải theo “vết xe đổ” của bố mẹ.

Đây cũng là cách tiếp cận của bà Ruchira Gupta.

Cô con gái út của Leela, giờ 14 tuổi, được nhận một trong vài học bổng ít ỏi của tổ chức Apne Aap để theo học một trường nội trú tư nhân. Về chuyện học hành, em học lên cao nhất so với tất thảy các thành viên trong gia đình mình (mẹ em chưa bao giờ tới trường còn chị gái thi bỏ học giữa chừng để đi lấy chồng). Các bạn cùng lớp của em không biết nhiều về gia cảnh của cô bé nhưng họ biết rõ một điều: em sáng dạ và khiêu vũ rất cừ.

Phóng viên đã gặp thiếu nữ này vào ngày nghỉ cuối tuần. Cô bé đùa với phóng viên một cách nhí nhảnh bằng tiếng Anh.

Leela cho biết cô con gái út của mình sẽ chưa kết hôn cho đến khi đã 20 tuổi trở lên. Chị cho biết, khi con gái có việc làm, họ sẽ rời đi./.

(*Tên các nhân vật đã được thay đổi)

Theo Trung Hiếu (Vov.vn)


bán dâm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.