Báo Triều Tiên bất ngờ nhắc tới vaccine Pfizer

Giữa lúc dịch Covid-19 lây lan với "tốc độ bùng nổ", Triều Tiên đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân bảo vệ sức khỏe, trong đó có đề cập đến vaccine Pfizer.

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên hôm 17/5 đã đăng một số bài báo về các thói quen giúp kháng virus và việc ứng phó với đại dịch của các quốc gia khác. Đặc biệt, tờ báo đề cập đến vaccine và thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer, song không đề cập việc chúng có xuất xứ từ Mỹ.

Tuy nhiên, bài báo, lấy thông tin từ Internet Trung Quốc, nhấn mạnh những loại thuốc như vậy sẽ tốn kém và có thể mang đến hiệu quả thấp trước các biến chủng mới. Do vậy, các biện pháp chống dịch mạnh mẽ sẽ vẫn cần thiết.

Lây lan với “tốc độ bùng nổ”
Vào ngày 12/5, Triều Tiên đã ban bố lệnh phong tỏa khẩn cấp, sau khi nước này ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên. Trước đó, nước này cho biết chưa từng ghi nhận ca mắc nào kể từ khi đại dịch xảy ra.

Tuy nhiên, Triều Tiên hôm 17/5 tiếp tục báo cáo số “ca sốt” tăng nhanh, đồng thời khuyến khích các thói quen tốt cho sức khỏe trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh. Nước này vẫn chưa tiêm ngừa Covid-19 cho phần lớn dân cư.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết nước này ghi nhận thêm 6 ca tử vong do "sốt", nâng tổng số lên 56 trường hợp. Số "ca sốt" trong ngày tăng 269.510 trường hợp, nâng tổng số lên hơn 1,48 triệu người kể từ cuối tháng 4, trong đó ít nhất 663.910 người đang được điều trị y tế.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cơn sốt không rõ nguồn gốc lây lan “bùng nổ” khắp nước này từ cuối tháng 4.


Báo Triều Tiên bất ngờ nhắc tới vaccine Pfizer-1Các nhân viên của văn phòng quản lý thuốc tại Bình Nhưỡng đang cung cấp thuốc cho người dân. Ảnh: AP.

Theo AP, số ca mắc chắc chắn lớn hơn tổng số “ca sốt” do tình trạng thiếu xét nghiệm, cũng như thiếu nguồn lực để theo dõi và điều trị những người mắc bệnh. Triều Tiên đối phó với Covid-19 chủ yếu bằng việc cách ly những người có triệu chứng. Tính đến ngày 17/5, ít nhất 663.910 người đã được cách ly.

Tỷ lệ tử vong của Triều Tiên có thể tăng trong những tuần tới khi những ca mắc có triệu chứng không vượt qua được bệnh tật. Giới phân tích cho biết số “ca sốt” có thể không được báo cáo đầy đủ do các quan chức lo sợ hình phạt hoặc người dân không báo cáo vì e ngại biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Thừa nhận đợt bùng phát đang gây ra những “biến động lớn”, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã áp đặt các biện pháp ngăn chặn để phòng dịch, bao gồm hạn chế di chuyển và cách ly.

Tuy nhiên, trong khi đưa ra cảnh báo về virus, ông Kim cũng nhấn mạnh rằng các mục tiêu kinh tế cần được đáp ứng. Nhiều người sẽ vẫn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng.

Bên cạnh đó, lực lượng quân đội đã được triển khai để phân phát thuốc. KCNA hôm 17/5 cho biết quân đội đã được triển khai để giúp vận chuyển thuốc đến các hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng, nơi bắt đầu mở cửa 24/24 để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các đơn vị quân đội “bày tỏ ý chí muốn vận chuyển những loại thuốc quý, thần dược của sự sống, gắn liền với tình yêu vĩ đại của ông Kim Jong Un dành cho người dân tới người dân Bình Nhưỡng”, theo KCNA.

“Một lực lượng hùng hậu” gồm quân y được triển khai ngay lập tức để cải thiện nguồn cung cấp thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng, trung tâm của dịch bệnh, theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, KCNA đưa tin ngày 17/5.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng đang khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các loại kháng sinh khác để điều trị Covid-19. Những loại thuốc này không thể chống lại virus nhưng đôi khi được kê đơn cho các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng dựa vào các phương pháp dân gian để đối phó với dịch bệnh.

Các quốc gia ngỏ ý giúp đỡ
Một số chuyên gia cho rằng lời khen ngợi của ông Kim về phản ứng đại dịch của Trung Quốc trong cuộc họp về virus vào tuần trước cho thấy Triều Tiên sẽ sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của Bắc Kinh.

Đặc biệt, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên đã điều máy bay tới Trung Quốc để chở trang thiết bị y tế vài ngày sau khi xác nhận đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không biết tới thông tin của Yonhap. Người này cũng không tiết lộ thêm về các khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Triều Tiên.


Báo Triều Tiên bất ngờ nhắc tới vaccine Pfizer-2Nhiều quốc gia tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên chống dịch nếu nước này yêu cầu. Ảnh: AP.

Trước đó, Bình Nhưỡng từng từ chối gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Hàn Quốc cũng công khai đề nghị gửi vaccine, thuốc men và nhân viên y tế, nhưng Triều Tiên cho đến nay đã phớt lờ đề xuất này trong bối cảnh căng thẳng của mối quan hệ song phương.

Giới chuyên gia cho biết sự trợ giúp thực tế duy nhất là cung cấp vaccine để giảm tử vong ở các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm cả người già và những người có bệnh nền, vì đã quá muộn để ngăn chặn sự lây lan rộng rãi của virus đối với người dân Triều Tiên.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên vượt qua đợt bùng dịch sau khi nước này báo cáo những ca mắc đầu tiên.

Ngay vào ngày Triều Tiên thông báo về những ca mắc đầu tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ “nước láng giềng và người bạn” Triều Tiên chống lại đại dịch Covid-19.

Vào ngày 13/5, Điện Kremlin cho biết sẽ nhanh chóng xử lý đề nghị hỗ trợ vaccine Covid-19 nếu Bình Nhưỡng yêu cầu, trong bối dịch Covid-19 "bùng nổ" ở Triều Tiên. Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ cung cấp viện trợ cho Triều Tiên, nhưng Washington hiện chưa có kế hoạch chia sẻ vaccine.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã liên lạc với cơ quan chức năng ở Triều Tiên nhưng vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ Bộ Y tế nước này, theo UN News.

WHO vẫn cam kết làm việc với các cơ quan của Triều Tiên bằng cách cung cấp thông tin cần thiết về vaccine thông qua COVAX.

Trong một diễn biến khác, giới phân tích nhận định đợt bùng phát Covid-19 có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình thiếu lương thực, vốn đã rất nghiêm trọng trong năm nay của Triều Tiên. Họ lý giải rằng việc phong tỏa trên toàn quốc sẽ cản trở các nỗ lực chống hạn hán và việc huy động lao động của nước này.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bao-trieu-tien-bat-ngo-nhac-toi-vaccine-pfizer-post1318050.html?fbclid=IwAR2KA19eIS6mDrKvdqi-n7zkRggFg2yVM4tcvwW8VN9OL7PQYbKaNaOz_SM

Covid-19

Triều Tiên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.