CIA - một tổ chức thất bại

"Trong lịch sử trên 60 năm tồn tại của mình, CIA gặt hái đầy ắp thất bại và rất nhiều lần bị sập bẫy. So với nhiều cơ quan cùng loại của những quốc gia có tiềm lực kinh tế xấp xỉ, CIA vào loại nhỏ và yếu", Tim Weiner, tác giả cuốn sách “Di sản tro bụi. Lịch sử gia" nói về CIA.

- Trong cuốn sách của mình ông đánh giá cao Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) như hình mẫu của sự thiếu hoàn thiện và kém hiệu quả.Liệu sự thật CIA có tồi tệ như vậy?

- Hiệu quả cao của CIA là huyền thoại đã nhiều năm được chính cơ quan này tạo dựng, mông má và tuyên truyền. Tất cả nhằm mục đích tranh thủ sự ủng hộ và thừa nhận của chính giới và xã hội Mỹ. Trong phạm vi những huyền thoại đó, người ta đặc biệt ưu tiên phổ biến rộng rãi trong các tác phẩm văn học và điện ảnh và chủ trương này được kiên trì thực hiện từ khởi điểm tồn tại CIA. Trên thế giới các điệp viên CIA vẫn làm người ta liên tưởng đến những đặc vụ siêu thông minh xuất hiện trong chiếc áo khoác mầu tối, uống rượu mạnh đắt tiền bên cạnh những người đẹp đặc biệt hấp dẫn – những người luôn giành chiến thắng trong cuộc chiến với toàn bộ thế lực xấu xa của thế giới này. Thực tế thê thảm hơn nhiều.

- Tuy nhiên sự thực có lẽ hoạt động của CIA không đen tối như đánh giá của ông?

- Trong lịch sử trên 60 năm tồn tại của mình, CIA gặt hái đầy ắp thất bại và rất nhiều lần bị sập bẫy. So với nhiều cơ quan cùng loại của những quốc gia có tiềm lực kinh tế xấp xỉ, CIA vào loại nhỏ và yếu. Ngân sách hàng năm của CIA là 5 tỷ USD, tức chưa đến một phần trăm chi phí hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ. CIA không thể so sánh với những tiềm năng và dự trữ tài chính của những lực lượng đặc biệt Mỹ còn lại. Suốt nhiều năm CIA liên tục phải đấu tranh đòi ngân sách, để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, tức thu nhập và cung cấp cho chính quyền Mỹ những thông tin cần thiết để xây dựng chiến lược dài hạn quốc gia.

- Tình trạng yếu kém của CIA chủ yếu vì thiếu tiền?

- Thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ thích hợp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hoạt động yếu kém của CIA. CIA không biết cái đã nhiều thế kỷ được giới trong nghề coi là cốt lõi của tình báo – thu thập thông tin trực tiếp qua con người. Thay vì đầu tư vào nhân tố con người và tình báo trực tiếp, CIA đắm đuối với nỗ lực phát triển kỹ thuật và những phương pháp tình báo điện tử và vệ tinh hết sức hiện đại, nhưng kém hiệu quả.

- Những sai lầm của CIA đã dẫn đến hậu quả thế nào?

- Để chiến thắng đối thủ, trước tiên phải biết rõ đối thủ. Tình báo trước hết là tiếp xúc với con người. Trong những năm 80, thế kỷ trước người Mỹ không hề biết gì về trạng thái đích thực của nền kinh tế Liên Xô, không biết không khí xã hội, mức sống của dân chúng quốc gia này, bởi người Mỹ không tiếp cận được với dân chúng đất nước thông qua trung gian các điệp viên. Các vệ tinh gián điệp chỉ cho thấy tiềm lực quân sự khổng lồ, vì thế chính giới Mỹ vẫn đinh ninh rằng, Liên Xô vẫn là thế lực không thể chinh phục. Vệ tinh gián điệp không thể cho thấy sự thật: Đầu những năm 80 Liên Xô thực chất là người khổng lồ đứng trên đôi chân đất sét. Từ quỹ đạo vệ tinh không thể nhìn thấy nền kinh tế suy thoái và tình trạng bất mãn xã hội.

- Tại sao CIA có thể phạm những sai lầm sơ đẳng như vậy?

- Không thể giải mã có hiệu quả kẻ thù, nếu không có đội ngũ gián điệp thông thạo ngôn ngữ, hiểu rõ nền văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử của kẻ thù. Đã nhiều năm CIA thiếu, thí dụ những điệp viên và các chuyên gia phân tích biết tiếng Trung và tiếng Arập – ngôn ngữ sử dụng hàng ngày của bộ phận lớn dân số sống trên Trái đất.

Như lời thừa nhận của chính cựu Giám đốc CIA, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đương nhiệm Robert Gates, suốt nhiều năm CIA không sẵn sàng tuyển chọn những cá nhân “khác thường một chút, hướng ngoại, đối tượng chưa quen mặc complê và thắt cravát”. Theo Gates, chính những trắc nghiệm tuyển dụng và tâm lý đã phong tỏa những người sắc sảo với những năng khiếu phi thường tiếp cận với CIA.

- Ông cho rằng CIA đã và đang tạo ra bức tranh thế giới không thực?

- Đúng vậy. CIA đã hiểu sai thế giới. Không nhiều người của CIA biết tiếng Trung, tiếng A rập, tiếng Hinđu hay tiếng Farsi, cho đến bây giờ vẫn ít điệp viên CIA tận mắt nhìn thấy làng xóm ở châu Phi hay quang cảnh dân chúng trả giá mua hàng ở chợ trời A rập. Những thiếu hụt nhân sự đủ trình độ buộc CIA phải phụ thuộc vào người khác. Họ thường phải mua dịch vụ tình báo của những lực lượng đặc nhiệm nước ngoài, thí dụ mua của tình báo Pakistan hay Syria. Chất lượng thông tin từ tay người khác tất nhiên không thể bằng của chính mình.

- CIA cũng không có đội ngũ chuyên gia đáng tin cậy?

- Đa số đội ngũ gần 3 ngàn điệp viên CIA hiện đang hoạt động ở nước ngoài có thâm niên dưới 5 năm kinh nghiệm làm việc tình báo. Cũng có thể đáng lo ngại, bởi về phương pháp, CIA vẫn coi thường kiến thức lịch sử và chỉ tập trung vào thời hiện tại. Trong khi chìa khóa để giải mã không ít bí ẩn vẫn “ám ảnh” các cơ quan tình báo Mỹ nằm trong lịch sử. Rất ít chuyên gia phân tích tình hình của CIA chịu đọc kho tư liệu về giai đoạn Quân đội Xô viết có mặt tại Apganistan là thí dụ điển hình của tình trạng CIA coi thường lịch sử.

Thiếu tinh thần mẫn cán và khả năng chịu khổ cũng là vấn đề nghiêm trọng của đội ngũ nhân viên CIA. Nhìn chung người Mỹ quen với cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Các điệp viên rất khó hoặc không thích làm việc tại những quốc gia điều kiện cuộc sống khó khăn. Nhìn chung họ không muốn rời khỏi phòng ở khách sạn đầy đủ tiện nghi với thiết bị điều hòa không khí.

- Nhiệm vụ tuyển mộ điệp viên ngoại quốc của CIA thế nào?

- Cho đến nay CIA vẫn tỏ ra kém hiệu quả trong lĩnh vực này. Chỉ cần nhớ lại trường hợp đại tá Quân đội Ba Lan Ryszard Kuklinski,, cộng tác viên ngoại quốc có giá nhất toàn bộ lịch sử CIA cũng không phải là nhân vật do CIA tuyển mộ, mà chính ông ta tìm đến CIA (đầu những năm 80, thế kỷ XX). Tệ hơn, những thông tin vô giá do Kuklinski cung cấp cũng không được CIA sử dụng nghiêm túc, ngay từ đầu thí dụ, người Mỹ đã bỏ lọt chi tiết về khả năng triển khai tình trạng thiết quân luật ở Ba Lan. Lý do: CIA chủ quan tin vào khả năng Liên Xô can thiệp vũ trang, trong khi thực tế họ tránh khả năng này vì tổn thất có thể còn lớn hơn chiến dịch can thiệp vào Apganistan.

- Ông lý giải thế nào về những vụ bê bối của CIA xảy ra trong mấy năm qua?

- Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ cách thức phủ Tổng thống phân chia nguồn lực triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ. Một khi Quốc hội cắt giảm ngân sách, Tổng thống tìm kiếm các nguồn tài chính bất hợp pháp bằng mọi giá. Tình trạng như thế từng diễn ra trong trường hợp lấy tiền từ khoản bán lậu vũ khí cho Iran để cung cấp viện trợ cho phong trào chiến quân cánh hữu ở Nicaragoa. Chuyện như vậy cũng lặp lại trong nhiệm kỳ Tổng thống Georger W.Bush. Chính phủ chủ ý sử dụng quân đội và CIA để thực hiện những màn kịch tương tự. Chính từ chủ trương như vậy đã xuất hiện những nhà tù bí mật của CIA, nơi giam giữ và tra tấn những đối tượng tình nghi là khủng bố.

- Kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, CIA làm việc khá hơn hay tồi hơn?

- Đối với CIA thời gian giữa sự kiện sụp đổ bức tường Béclin (1991) và cuộc tấn công tháp đôi 11 tháng chín 2001 là thập kỷ bị đánh mất. Sau kết thúc chiến tranh lạnh CIA hoàn toàn mất phương hướng. Mãi sau 11 tháng chín năm 2001 CIA mới nhận ra mục tiêu của mình. Nhiệm vụ của họ đến nay rất cụ thể. Nói ngắn gọn: Loại trừ mối đe dọa khủng bố. Tuy nhiên vấn đề ẩn giấu ở chỗ: xác định mục tiêu dễ hơn nhiều so với thực hiện.

- Ông muốn khẳng định, cho đến nay CIA vẫn hoạt động kém hiệu quả?

- Chính xác. Điển hình là chiến dịch tìm kiếm Osama bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới Al Qaeda. Đã hơn 10 năm CIA chưa thể hoàn thành nhiệm vụ đơn giản như vậy.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.