Những bí mật về Dương Quý Phi: Người đẹp “tu hoa”?

Là một trong “tứ đại mỹ nhân”, cuộc đời của Dương Quý Phi (719-756) quả thực đã ứng với câu nói “hồng nhan bạc phận”. Được tiến cung vào hầu hạ Thọ vương Lý Mạo, nhưng cuối cùng Dương Quý Phi lại trở thành thiếp yêu của cha Lý Mạo, Đường Huyền Tông.

Dù rất sủng ái Dương Quý Phi, rốt cuộc, Đường Huyền Tông vẫn phải xuống tay với nàng để vỗ yên binh lính. Cũng như cuộc đời chìm nổi, cái chết của Dương Quý Phi ẩn chứa không ít bí mật mà tới nay người ta vẫn khó tìm được lời giải thuyết phục.

Tuyệt thế giai nhân đời Đường (tên thật: Dương Ngọc Hoàn), sinh ra ở Vĩnh Lạc, Châu Bồ, nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), là con của Dương Huyền Diễm, một ti hộ (quan chức quản lý hộ khẩu) Châu Thục.

Dương Ngọc Hoàn không chỉ có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mà còn thông minh, đàn hay, múa đẹp, lại giỏi âm luật. Năm 734, Dương Ngọc Hoàn được tiến cung làm vương phi của Thọ vương Lý Mạo, con thứ 18 của Đường Huyền Tông.

Năm 737, Vũ Huệ Phi, cung phi được Đường Huyên Tông sủng ái nhất qua đời. Đường Huyền Tông buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi sớm siêu thăng. Cả ngàn mỹ nữ nơi hậu cung mà không ai có thể làm Đường Huyền Tông nguôi sầu.

Một hôm, thái giám Cao Lực Sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Dương Ngọc Hoàn là giai nhân tuyệt sắc, liền mật tấu với Đường Huyền Tông. Ban đầu, Dương Ngọc Hoàn được triệu vào cung làm “nữ đạo sĩ” đèn nhang, sớm hôm cầu nguyện cho linh hồn của Vũ Huệ Phi. Năm 745, “nữ đạo sĩ” Dương Ngọc Hoàn được Đường Huyền Tông sắc phong làm quý phi, biến những lời đồn đại ngoài dân gian về chuyện “cha cướp vợ con” thành hiện thực. Từ đó, Dương Ngọc Hoàn được gọi là Dương Quý Phi.

Vui duyên mới, hình ảnh Vũ Huệ Phi phai mờ dần trong lòng Đường Huyền Tông, rồi nỗi buồn rầu thương nhớ người cũ cũng tiêu tan, thay vào đó là nụ cười cởi mở, những cái liếc nhìn tình tứ, đắm say dành cho Dương Quý Phi. Để làm đẹp lòng giai nhân, Đường Huyền Tông phong cha nàng làm Binh bộ thượng thư. Ba chị của Dương Quý Phi thoắt cái trở thành phu nhân của Hàn Quốc, Quốc và Tần Quốc, mỗi tháng mỗi vị phu nhân hưởng lộc triều đình 30 vạn quan tiền. Anh họ Quý Phi là Dương Xuyên được phong làm tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung, uy quyền nghiêng đổ thiên hạ.

Về phần Dương Quý Phi, có thể nói, tuyệt thế giai nhân muốn gì là được nấy. Tập "Tây bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628) có chép truyện "Quái Nham Quý phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quý Phi tắm suối ở Quái Nham. Ai cũng cho là một sự quái lạ bởi Quái Nham là một hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây. Nơi này ít có dấu chân người đặt đến. Thân núi cao vót, vách đá cheo leo. Người nào hiếu kỳ muốn lên được trên núi phải bám mỏm đá, bíu dây song chuyền thân cây, phải giữ từng ly từng tí, chật vật khó khăn, mệt đứt hơi, sợ bể tim mới lên đến được. Sơ sẩy một chút rơi xuống thì bỏ mạng.

Vậy mà vị vua già vẫn thẳng tay hạ chỉ cho quan lại địa phương phải nghĩ cách làm cho được con đường lên núi. Hạn trong nửa tháng, làm xong sẽ hậu thưởng, bằng không sẽ cách chức, phạt nặng. Hàng trăm người đã phải bỏ mạng trong khi thi công, hơn 10 vạn lạng bạc đã phải chi ra chỉ để làm một chiếc cầu cho vua và quý phi lên núi Quái Nham tắm. Nhưng liệu Dương Quý Phi đẹp đến mức Đường Minh Hoàng bất chấp tính mạng của bá tính chỉ để mua lấy nụ cười giai nhân?

Chuyện xưa kể rằng lúc mới nhập cung, mãi không được gặp quân vương, Dương Ngọc Hoàn suốt ngày chẳng cười lấy một nụ. Một lần, Dương Ngọc Hoàn cùng mấy cung nữ vào ngự hoa viên ngắm hoa. Nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, Dương Ngọc Hoàn buông lời than thở: "Hoa à, hoa à! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?". Lời chưa dứt, lệ đã tuôn.

Dương Ngọc Hoàn đưa tay vuốt cánh hoa, hoa chợt thu mình, khép lá, cuộn lại. Một cung nữ nhìn thấy và câu chuyện về sắc đẹp của Dương Ngọc Hoàn khiến hoa cũng phải xấu hổ (tu hoa) bắt đầu lan truyền từ đó. Đường Minh Hoàng nghe nói trong cung có “mỹ nhân tu hoa” liền triệu kiến, rồi mê mẩn và phong làm quý phi. Không ai ngờ rằng, cây hoa mà Dương Ngọc Hoàn chạm phải là hoa trinh nữ (hoa xấu hổ) và việc “thu mình, khép lá, cuộn lại” chỉ là một phản ứng tự nhiên của loại hoa này.

Sắc đẹp của Dương Quý Phi không chỉ được truyền tụng, mà còn đi vào trong thi ca. Nhà thơ Lý Bạch từng viết bài “Thanh bình điệu” để ca tụng sắc nước hương trời của Dương Quý Phi. Tuy nhiên, theo dã sử Trung Quốc, Dương Quý Phi cao 1 mét 64, nặng 69 kg (cũng có chỗ nói Dương Quý Phi cao 1 mét 55, nặng 60 kg). Dân gian Trung Quốc cũng lưu truyền câu “Hoàn phì, Yến sấu” (Hoàn béo, Yến gầy) để nói về sự đối nghịch về hình thể giữa mỹ nhân đời nhà Hán và mỹ nhân đời nhà Đường: Hoàng hậu Triệu Phi Yến của Hán Thành Đế nhỏ nhắn còn Dương Quý Phi của Đường Huyền Tông lại đẫy đà.

Trong bài “Trường hận ca” nổi tiếng kể về chuyện tình giữa Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông, tuy không nói đến việc Dương Quý Phi béo hay không béo, nhưng Bạch Cư Dị lại viết: “Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi” (tạm dịch là “nước suối nóng chảy trôi mỡ tụ”). Những từ đó đủ cho thấy Dương Quý Phi là một phụ nữ đẫy đà. Dẫu vậy, phải thấy rằng mỗi thời đại quan niệm về cái đẹp cũng có sự khác nhau. Vào thời Đường Huyên Tông, kinh tế phát triển, bàn dân thiên hạ ăn no mặc ấm và cái sự “đẫy đà” không chỉ là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp mà còn biểu hiện cho sức khỏe dồi dào của người phụ nữ. (Còn nữa)

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.