Nước Mỹ đi về đâu sau cuộc bầu cử?

Dù Trump hay Clinton làm tổng thống thì nước Mỹ sau cuộc bầu cử cũng trở thành một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Đây sẽ là trở ngại rất lớn cho chính phủ kế nhiệm.

Dù Trump hay Clinton làm tổng thống thì nước Mỹ sau cuộc bầu cử cũng trở thành một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Đây sẽ là trở ngại rất lớn cho chính phủ kế nhiệm.


>> Toàn cảnh:
Bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang thể hiện sự thiếu văn minh và khác biệt quá lớn giữa các ứng viên: Donald Trump, một doanh nhân đi ngược lại các nguyên tắc truyền thống của xã hội, đại diện đảng Cộng hòa và Hillary Clinton, chính trị gia "kiểu mẫu" của đảng Dân chủ.

Nó cũng cho thấy những vết nứt sâu trong lòng xã hội Mỹ và khiến hình ảnh của cường quốc này bị hủy hoại trong mắt thế giới. Mặc dù vậy, mùa bầu cử bị nhiều người lên án là “xấu xí”, “vô nghĩa” này rồi cũng kết thúc. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy đến tiếp theo với nước Mỹ?

Nuoc My di ve dau sau cuoc bau cu? hinh anh 1
Cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2016 giữa ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump đang ở vào giai đoạn nước rút căng thẳng. Nhiều người đánh giá đây là một mùa bầu cử "xấu xí" và "vô nghĩa". Ảnh: CNN

Các số liệu thăm dò vào thời điểm hiện tại đều cho rằng cựu Ngoại trưởng Clinton sẽ đánh bại tỷ phú Trump, nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn số liệu khảo sát với thực tế. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 là một thí dụ.

Hầu hết những nhà quan sát khi đó tin rằng chiến thắng tất yếu thuộc về phe "ở lại" song kết quả đã làm họ “sốc nặng”. Hay gần đây hơn, đầu tháng 10, người dân Colombia bất ngờ từ chối thỏa thuận hòa bình lịch sử với quân nổi dậy Farc, trái ngược hoàn toàn dự kiến ban đầu của chính phủ.

Tất cả những thực tế trên chỉ ra rằng chiến thắng với Clinton dù rất gần, không có gì bảo đảm điều đó là chắc chắn cho đến khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra ngày 8/11.

Chia rẽ sâu sắc

Theo Project Syndicate, trang chuyên bình luận và phân tích về các vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh và phát triển toàn cầu, người ta không biết đích xác Trump hay Clinton thắng cuộc nhưng có thể khẳng định một điều: Dù ai làm tổng thống hay đảng nào chiếm đa số trong quốc hội thì nước Mỹ sau cuộc bầu cử cũng sẽ trở thành một quốc gia bị chia rẽ.

Chính phủ sẽ bị phân liệt giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Không đảng nào được bên kia ủng hộ để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra.

Tuy nhiên, không nên lầm tưởng rằng thứ duy nhất chia rẽ chính trị Mỹ là sự bất đồng giữa đảng viên Cộng hòa và Dân chủ. Trong nội bộ mỗi đảng, sự chia rẽ cũng vô cùng phức tạp và sâu sắc.

Những bè phái lớn và cực đoan áp đặt ý chí mạnh mẽ lên phần còn lại. Đây mới chính là nhân tố đẩy hai đảng sang hai thái cực đối lập nhau: Đảng Dân chủ về cực tả còn đảng Cộng hòa về cực hữu. Điều này khiến cho những người chủ trương ôn hòa ở cả hai đảng khó lòng đạt được bất cứ thỏa hiệp nào.

Nuoc My di ve dau sau cuoc bau cu? hinh anh 2
Sự chi phối mạnh mẽ của nhóm cực tả và cực hữu trong đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ khiến cho những người chủ trương ôn hòa khó lòng đạt được bất cứ thỏa hiệp nào trong các vấn đề chung của đất nước. Ảnh: Getty

Cuộc bầu cử tổng thống 2016 còn đẩy mâu thuẫn trong chính trị nội bộ Mỹ lên cao hơn nữa. Nếu Clinton đánh bại Trump, những đảng viên Cộng hòa sẽ mặc định rằng bà thắng nhờ vào sự kém cỏi của nhà tỷ phú. Họ sẽ nói bà chỉ có thể là tổng thống “một nhiệm kỳ” vì nước Mỹ cần sự thay đổi, không thể để người của đảng Dân chủ làm tổng thống 4 nhiệm kỳ liên tiếp.

Rất nhiều đảng viên Cộng hòa (đặc biệt là những người cho rằng chiến thắng của bà Clinton không chính đáng) sẽ tìm cách làm cho chính phủ dưới quyền cựu ngoại trưởng trở thành một chính phủ thất bại. Điều này cản trở bà Clinton tiếp tục chạy đua tổng thống năm 2020.

Kịch bản tương tự cũng xảy ra nếu ông Trump thắng cuộc. Hầu hết đảng viên Dân chủ (và một số đảng viên Cộng hòa), những người vừa “phục hồi” sau cú sốc bà Clinton bị nhà tỷ phú đánh bại, sẽ coi ưu tiên số một là ngăn chặn ông Trump chạy đua tổng thống nhiệm kỳ thứ hai.

Tỷ phú New York chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc điều hành chính phủ, trong bối cảnh các kế hoạch của ông vốn bị những người hoạch định chính sách chỉ trích gay gắt.

Đối nội khó khăn

Nói như vậy không có nghĩa là nước Mỹ sẽ không đạt nổi một tiến bộ nào trong nhiệm kỳ tổng thống mới. Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn có thể đồng quan điểm về một số vấn đề nhất định.

Chính phủ kế nhiệm ít nhất có thể ban hành luật pháp hỗ trợ việc hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng lạc hậu, tiến hành cải cách hệ thống thuế, đặc biệt là giảm thuế cho các doanh nghiệp và tăng thuế đối với người giàu.

Thậm chí quốc hội và chính phủ có thể thống nhất đưa ra những cải cách đối với chương trình bảo hiểm y tế “ObamaCare”, thành tựu quan trọng của Tổng thống Obama nhưng còn vấp phải không ít trục trặc trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, các vấn đề còn lại đòi hỏi sự hợp tác giữa tổng thống và quốc hội sẽ khó được giải quyết trong một sớm một chiều. Một trong số đó là cải cách nhập cư, câu chuyện gây nhiều tranh cãi ở Mỹ cũng như châu Âu.

Vấn đề khác cần quan tâm là thương mại. Cả Trump và Clinton đều phản đối hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù thỏa thuận này có lợi cho kinh tế và vị thế lâu dài của Mỹ trên trường quốc tế. Khó khăn càng gia tăng trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên do chính phủ không cắt giảm chi tiêu. 

Chính sách ngoại giao khó đoán định

Tác động của cuộc bầu cử lên lĩnh vực đối ngoại có phần khác so với đối nội, do hiến pháp Mỹ trao cho tổng thống quyền lực rất lớn trong lĩnh vực này.

Theo hiến pháp, tổng thống là quan chức liên bang chịu trách nhiệm tối cao về các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ. Tổng thống có thể triển khai (hoặc từ chối triển khai) lực lượng quân sự mà không cần sự chấp thuận của quốc hội.

Tổng thống còn có thể thay đổi chính sách đối ngoại thông qua đàm phán "hiệp định hành pháp" với nước khác mà không cần đến sự phê chuẩn của Thượng viện. Tổng thống Obama trên thực tế đã dùng quyền hành pháp để nới lỏng các rào cản thương mại và du lịch với Cuba trong thời gian qua.

Nuoc My di ve dau sau cuoc bau cu? hinh anh 3
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay trong cuộc gặp song phương tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ ngày 29/9/2015. Ảnh: Getty

Nếu trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, bà Clinton được dự đoán sẽ sử dụng quyền hạn rộng lớn trên để thiết lập “vùng an toàn” ở Syria, cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine, có những biện pháp cứng rắn hơn với Triều Tiên nếu nước này tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa.

Chính sách đối ngoại của cường quốc số một thế giới sẽ khó đoán định hơn nhiều nếu người bước chân vào Nhà Trắng là Donald Trump. Ông dù sao cũng không phải là một chính trị gia. Những phát ngôn, tuyên bố của vị tỷ phú về chính sách đối ngoại bị chỉ trích là “mập mờ”, “thiếu hiểu biết” và không khác gì một mớ hỗn độn.

Chúng ta chỉ có thể dự đoán rằng nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Trump nhiều khả năng sẽ lánh xa những đồng minh truyền thống ở châu Âu, châu Á và tách biệt khỏi Trung Đông.

Tương lai Mỹ ra sao sau cuộc bầu cử tổng thống vẫn còn là một câu hỏi mở. Điều duy nhất mà chúng ta có thể khẳng định là cuộc bầu cử này sẽ tác động mạnh mẽ tới 96% dân số còn lại của thế giới không kém gì người dân Mỹ.

Theo Zing


Hillary Clinton

Donald Trump

tranh cử tổng thống Mỹ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.