Selfie với súng: Người trẻ chết khi chưa kịp biết đau

Thích chơi trội song lại thiếu hiểu biết, nhiều bạn trẻ ở Mỹ và một số nước khác tự hại mình, thậm chí mất mạng vì sở thích chụp ảnh với súng. Đây là trào lưu bị lên án mạnh mẽ.

Thích chơi trội song lại thiếu hiểu biết, nhiều bạn trẻ ở Mỹ và một số nước khác tự hại mình, thậm chí mất mạng vì sở thích chụp ảnh với súng. Đây là trào lưu bị lên án mạnh mẽ.

Malachi Hemphill (13 tuổi, đến từ Mỹ) mới đây trở thành nạn nhân tiếp theo của trào lưu sống ảo với súng. Cậu bé vô tình tự bắn mình khi đang livestream (phát trực tiếp) trên Instagram.

Cái chết của Malachi một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những bạn trẻ thích "làm màu" trên mạng xã hội.

Lên án trào lưu gây chết người

Theo Daily Mail, Aaron Hernandez - cựu ngôi sao bóng bầu dục - là người châm ngòi cho các hành động nguy hiểm này. Năm 2009, khi còn là sinh viên đại học, Aaron từng chụp selfie cùng một khẩu súng. Bốn năm sau, bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng, thổi bùng trào lưu chụp hình với súng đáng bị lên án.

Nhiều bạn trẻ bắt đầu đăng các bức selfie kèm theo hashtag “Hernandezing”. Aaron bị kết án tù chung thân vào năm 2015 vì tội giết người và kiểu sống ảo của anh ta cướp đi sinh mạng của không ít thanh thiếu niên từ năm 2013 đến nay.

Năm 2016, DaMontez Jones (15 tuổi, đến từ Missouri, Mỹ) thiệt mạng do vết thương nặng ở ngực phải. Các anh của nạn nhân cho biết DaMontez tự bắn mình khi đang chụp ảnh với khẩu súng mà mẹ cậu đã cất trong tủ quần áo.

Telegraph cho hay một bạn trẻ khác cũng phải ra đi ở độ tuổi 15 là Ramandeep Singh (đến từ Ấn Độ). Cậu qua đời khi “tự sướng” cùng khẩu súng mà cha đã cất kỹ.

Năm 2015, một thiếu nữ người Nga cũng chịu hậu quả nghiêm trọng khi sống ảo với khẩu súng của cảnh sát. May mắn sống sót, song tai nạn của cô gái cũng khiến nhiều người rùng mình.

Trước đó, năm 2014, Oscar Otero Aguilar (21 tuổi, đến từ Mexico) cũng phải lìa đời vì chụp ảnh với súng sau khi nhậu nhẹt cùng bạn bè, theo Business Insider.

Theo khảo sát của Reuters vào năm 2015, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới (88,8 khẩu/100 người). Do đó, số ca chết vì selfie với súng tại đất nước này cũng thuộc hàng cao nhất.

Washington Post cho rằng Quốc hội Mỹ coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, ai muốn mua loại vũ khí này đều phải làm thủ tục xin cấp phép. Người có tiền án, sử dụng ma túy, mắc bệnh tâm thần… đều không thể sở hữu súng.

Độ tuổi được phép sử dụng là 18 hoặc 21 trở lên, tùy thuộc vào loại súng và quy định ở từng bang. Những thiếu niên chưa đủ tuổi có xu hướng lấy trộm súng của cha mẹ để thỏa mãn sở thích sống ảo.

Vào thời điểm DaMontez tự bắn, người lớn đi vắng, khẩu súng không được khóa chốt bảo vệ và thậm chí không có hộp bọc ở ngoài.

Sau cái chết của con trai DaMontez Jones, cha của cậu bé - ông Dennis Jones Sr. - chia sẻ rằng: “Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho con hơn. Nếu nhà có súng, bạn hãy khóa nó lại”.

Selfie voi sung: Nguoi tre chet khi chua kip biet dau hinh anh 1
DaMontez Jones qua đời khi mới 15 tuổi vì súng. Ảnh: Twitter.

Chết vì tưởng không thể chết

Nhiều thanh thiếu niên thường tò mò về súng, thích dùng loại vũ khí này để "ra vẻ" trên mạng xã hội và luôn tin rằng nó rất an toàn nếu chỉ chụp vài kiểu ảnh. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh niềm tin đó hoàn toàn sai lầm.

Tháng 9/2015, Deleon Alonso Smith (19 tuổi) thích thú chụp selfie cùng súng tại căn hộ ở Texas (Mỹ), song đột nhiên, “bạn diễn” của 9X bị cướp cò khiến nạn nhân tử vong, CNN đưa tin.

Nhân chứng cho hay Deleon tưởng súng không có đạn nên vô tình tự giết chính mình, theo The Guardian. Gia đình Deleon nói cậu qua đời chỉ một ngày trước khi chính thức trở thành tân sinh viên.

“Cảm giác đó thật tồi tệ, không thể tin nổi. Mới hôm qua, nó còn đến chúc mừng sinh nhật tôi, mà nay tôi lại phải nghe tin này”, Alma Douglas - bà của nạn nhân - chia sẻ.

Đầu năm 2013, Savannah Ramirez (19 tuổi, sống tại Mỹ) vô tình bắn chết anh trai Manuel Ortiz (22 tuổi) khi cô đang chụp ảnh với một khẩu súng để sống ảo trên Facebook, theo ABC15.

Từ những vụ việc thương tâm, Connecticut Citizens Defense League - tổ chức về quyền sử dụng súng tại Mỹ - nhấn mạnh rằng những người có quyền sở hữu súng phải được giáo dục kỹ càng về cấu tạo cũng như cách sử dụng nó.

Bên cạnh đó, phương pháp dùng súng nên được ưu tiên trong các bài giảng về an toàn trong trường học.

Andrew Armstrong - cảnh sát bang Victoria (Australia) - cho hay mất mạng chỉ là một trong những hậu quả của việc chụp selfie với súng.

Ông cảnh báo rằng: “Một số người có súng đang quá chủ quan. Nếu sở hữu một khẩu súng, bạn phải có trách nhiệm gìn giữ nó. Nhiều người không ý thức được rằng khi đăng ảnh súng lên mạng, kẻ gian (những người không được phép mua súng) có thể tìm ra nơi ở của bạn để đến cướp súng, gây ra hậu quả khôn lường”.

Bên cạnh đó, không ít bạn trẻ phải ngồi tù chỉ vì sống ảo với súng lên mạng xã hội. Năm 2014, CBS News đưa tin Montrae Toliver (17 tuổi) bị bắt sau khi đăng ảnh cầm súng chĩa vào xe cảnh sát với chú thích: “Tôi có nên bắn?”. Nam thanh niên bị buộc tội cố tình gây ra mối đe dọa khủng bố.

Một nữ sinh sống tại Texas (Mỹ) phải vào tù vào năm 2015 vì đăng hình nam thanh niên cầm súng, chĩa thẳng vào camera kèm theo lời đe dọa chính ngôi trường cô đang học: “Mọi người tại trường T.W. Browne Middle School đang chuẩn bị chết”.

Theo Dallas Morning News, mục đích của cô gái này chỉ là muốn có nhiều người theo dõi hơn trên Instagram.

Trước sự ra đi liên tiếp của nhiều thanh thiếu niên vì selfie, năm 2015, Bộ Nội vụ Nga đã phát động chiến dịch kêu gọi mọi người chụp selfie an toàn. Theo đó, chúng ta không nên liều mạng "tự sướng" với súng, động vật hoang dã, tại đường ray, tòa nhà cao tầng, khi leo cầu thang hoặc đi đường.

Bên cạnh đó, mọi cư dân mạng cũng phải cảnh giác với những thông tin, hình ảnh, video đăng lên mạng xã hội để không phải chịu những kết cục không mong muốn.

Theo Zing


chết người

selfie


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.