Thâm nhập thế giới đồ cao cấp nhái

Đến một shop đồng hồ có trang web chào bán trên mạng, chúng tôi choáng. Các loại đồng hồ làm giả hàng xịn rất đa dạng, giá từ 800.000 đồng đến 270 USD/chiếc (hàng thật có giá 1400 USD/chiếc).

Nhái F1

Đầu tháng 11/2009, một người bạn là doanh nhân đi châu Âu về, bảo anh ta suýt chút nữa phải ở lại chỉ vì tội đeo một chiếc Rolex…nhái (làm giả)! Phải cầu viện đến đối tác nước ngoài can thiệp, anh mới được hải quan Thụy Sĩ cho đi kịp chuyến bay.

Từ tháng 7/2009, Chính phủ Thụy Sỹ cho phép hải quan tịch thu tất cả các đồ dùng cá nhân làm giả, trong đó có đồng hồ đeo tay, trước khi được đưa vào biên giới nước này.

Nhiều nước Châu Âu khác cũng bắt đầu nghiên cứu để áp dụng biện pháp cứng rắn trên. Thậm chí, có nước còn đề nghị phạt nặng hơn với những người dùng đồ nhái hàng hiệu.

Nếu biết rằng thị trường hàng giả gây thiệt hại cho kinh tế Thụy Sỹ khoảng 1,79 tỷ USD/năm, riêng đối với ngành sản xuất đồng hồ là khoảng 718 triệu USD, mới thấy họ có lý khi phẫn nộ và ra tay với hàng nhái. Để đối phó lại, dân làm hàng giả châu Á, nhất là lò sản xuất hàng nhái ở Quảng Châu (Trung Quốc), chơi kiểu khác. Đó là sản xuất hàng nhái ngày càng cao cấp hơn, giống đến 99,9% so với hàng thật để tung đi khắp thế giới.

Việt Nam không là ngoại lệ, thị trường đồng hồ từ Bắc vào Nam đang sôi động, tiếp tay cho đồng hồ nhái Trung Quốc.

Giờ đây, hàng nhái được rao bán, mở shop chào mời công khai với đủ loại tên tuổi nhất thế giới như Rolex, Longines, Omega, Piaget, Bvngari, Patek…

Chiếc Rolex mạ vàng, gắn kim cương, mặt kính dùng búa nhỏ gõ không vỡ… của anh bạn trên, vốn do một cấp dưới tặng nhân dịp sinh nhật 40 tuổi. Mượn chiếc đồng hồ mà hàng thật trị giá hơn 20.000 USD này để dò hỏi nguồn gốc, người viết được một ông thợ sửa đồng hồ cho liền ba địa chỉ.

Đến một shop đồng hồ có trang web chào bán trên mạng, chúng tôi choáng vì ngay cả những shop đồng hồ sang trọng nhất tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM cũng không nhiều hàng đẹp và xịn bằng ở đây.

Nào là Piaget vỏ làm từ Titanium (hợp kim làm vỏ máy bay), cực nhẹ, dây được chế tác rất đẹp, kiếng sarphie trong veo, mặt số cực sáng và được vẽ rất kĩ, máy mỏng, viền quanh mặt cẩn hột bốn chấu bám chặt. Rồi Longines automatic dây da 5 kim 1 lịch, mặt kính sarphie, thứ, tháng, nắp sau thấy máy; Vacheron Constantin cẩn hột xoàn BVLGARI dây da cao cấp đính hàng chục viên kim cương, OMEGA mặt sarphie gắn hột xoàn…

Tất cả có giá từ 800.000 đồng cho đến 270 USD/chiếc, so với hàng thật có giá 1.400 USD/chiếc.

Ngay khi khách bước vào, chủ nhân nói trước là hàng nhái F1 (hàng nhái gần giống hàng thật nhất) từ Trung Quốc. Không như những loại đồng hồ nhái bán vài ba trăm ngàn chỉ liếc qua đã biết hàng giả, đồng hồ nhái tại các shop này ít nhất cũng giống đến 90% so với hàng thật.

Khách mua được xem và thử thoái mái, kể cả bỏ đồng hồ vào ngâm nước, lấy chìa khóa xe cào lên mặt kính đồng hồ hay dùng kính lúp săm soi các chi tiết máy, chữ khắc lên dây, vỏ đồng hồ.

Không chỉ vậy, hàng còn được viết giấy bảo hành 6 tháng đến 1 năm, đảm bảo dây da thật, không vào nước và có thể đổi lại trong 3 ngày nếu trục trặc. Rủ theo một bác thợ vừa sửa vừa bán đồng hồ hơn 20 năm, xem xong, bác gật gù phán “quá giống hàng thật, giống đến từng chữ khắc trên cốt chỉnh thứ ngày cho đến những logo”.

Theo chân những người bỏ hàng cho các shop đồng hồ nhái, chúng tôi không khó tìm ra nguồn gốc của chúng. Anh Lý A Quang, một người gốc Hoa tại Chợ Lớn (Q.5, TP HCM) chuyên đánh đồng hồ, mắt kính, túi xách từ Trung Quốc về cho hay, “muốn nhái cỡ nào cũng được, tiền càng nhiều càng giống hàng thật. Đưa mẫu muốn nhái đây, ngộ hỏi bên Trung Quốc nếu ô kê chỉ 1 tuần sau có hàng, không giống ngộ đền tiền cho nị”.

A Quang nói thêm: “Xe hơi nó còn nhái được nhằm nhò gì ba cái đồng hồ này. Người của hãng cầm xem mà không đem máy móc đi thử chưa chắc đã biết hàng nhái”.

Đồng hồ nhái - Trăm đường ngoắt nghéo

Theo những người am hiểu, những chiếc đồng hồ nhái trên càng đắc địa khi được mua với mục đích biếu tặng và người đeo thuộc dạng khấm khá. Những chủ shop mà người viết ghé qua xem hàng tiết lộ: “Mấy anh hải quan, công chức mua về biếu bạn bè, sếp rất nhiều. Có cả những hội chơi ô tô cổ đặt mua cho cả hội, rồi mấy anh công tử mua tặng bồ”.

Một người bạn làm Hải quan tại sân bay Tân Sơn Nhất cho hay: Anh cũng được đối tác tặng đồng hồ kiểu này. Anh không biết đồ nhái đem tặng lại sếp và chẳng may bị phát hiện vì ông này nghi ngờ không hiểu tại sao anh lại tặng chiếc đồng hồ trị giá đến 25.000 USD này (nếu là hàng thật).

Một công chức hay mua tặng đối tác, cấp trên loại hàng này thì lại “trao đổi kinh nghiệm”: “Tặng sếp đeo chừng 1 năm đồng hồ vẫn nguyên vẹn lại đi mua chiếc khác về đổi cho ổng, xin chiếc cũ làm kỷ niệm. Ai dám nghi ngờ Trưởng phòng kinh doanh một Cty lớn đeo đồng hồ dỏm để hỏi mà lo!”.

Còn mấy ông choai choai tặng bồ mới câu được thì nghĩ kiểu khác: “Nhìn thấy Bvlgary cẩn đầy hột xoàn là em choáng rồi, sao dám hỏi anh mua bao nhiêu. Tình ngắn hạn thì hơi đâu mà lo em phát hiện?!”.

Thật ra thì những loại đồng hồ nhái…cao cấp loại F1 nhiều người đã dùng qua cho hay, trong vòng 6 tháng đến 1 năm tùy loại, đa số vẫn giữ được “hương sắc thuở ban đầu”.

Một “nguyên tắc” khác của dân chơi đồng hồ nhái là không nên mua loại đồng hồ trên thị trường Việt Nam có nhiều hay giá quá đắt. Như tặng chiếc đồng hồ nhái mà đồng hồ thật có giá trên 5.000 USD rất dễ bị lật tẩy hay đi xe máy lại đeo chiếc Piaget mà đồ thật giá ngót nghét 10.000 USD thì khó lòe được ai.

Bên cạnh những đại gia dè bỉu dân chơi nửa mùa chơi đồng hồ nhái thì vẫn có người không ngại ngần “cái nào nhìn thấy thích, không cần biết hàng gì, chỉ cần mặt kiếng không trầy và không vô nước, có hiện ngày là xài. Ai dám chắc hàng đắt tiền hàng hiệu thật”.

Bài học của không ít người vào các trung tâm thương mại lớn, bỏ cả ngàn USD nhưng vài tháng sau đồng hồ rụng kim, nghỉ chạy hay vô nước không phải là chuyện hiếm.

Chỉ trong tháng 10/2009, các đội Quản lý Thị trường tại TPHCM đã tạm giữ 1.518 đồng hồ đeo tay giả nhãn hiệu Louis Vuiton, Rado, Omega, Longines tại các Trung tâm thương mại Sài Gòn Square - quận 1, An Đông Plaza - quận 5, chợ Bến Thành… cho thấy không hẳn “tiền nào của nấy”.

Theo Hà Phan



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.