Bầu Hiển “thêm việc” cho VFF

CLB bóng đá Hà Nội của ông Hiển vừa giành quyền thăng hạng V-League sớm 2 lượt trận, trong khi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không cho phép một ông chủ được sở hữu quá một đội bóng trong cùng giải đấu. Hẳn là sự kiện này sẽ khiến cho cả VFF lẫn VPF phải đau đầu nhức óc để tìm cách giải quyết ổn thoả.

CLB bóng đá Hà Nội của ông Hiển vừa giành quyền thăng hạng V-League sớm 2 lượt trận, trong khi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không cho phép một ông chủ được sở hữu quá một đội bóng trong cùng giải đấu. Hẳn là sự kiện này sẽ khiến cho cả VFF lẫn VPF phải đau đầu nhức óc để tìm cách giải quyết ổn thoả.

Ông Hiển cuối tuần qua cho biết, hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào với suất thăng hạng V-League của CLB Hà Nội. Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, một ông chủ không được phép sở hữu quá một đội bóng trong cùng giải đấu có lên, xuống hạng. Ở V-League, bầu Hiển hiện đã có HN.T&T, chưa kể một trường hợp khác đã gây khá nhiều tranh cãi là SHB.ĐN.

CLB Hà Nội vui mừng vì giành quyền thăng hạng V-League, nhưng VFF và VPF lại đau đầu để tìm cách giải quyết. Ảnh: VSI

Trả lời báo chí hôm qua, Phó Chủ tịch VFF kiêm TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết, CLB Hà Nội được quyền có một suất lên hạng. “Đây là câu chuyện của mùa giải này, khi CLB Hà Nội giữ vị trí thứ nhì hoặc vô địch thì theo Điều lệ giải, ngoài giải thưởng thì sẽ được một vé lên hạng”, ông Viễn nói, “nhưng việc có được tham dự V-League mùa giải sang năm hay không lại là vấn đề khác”.

Theo ông Viễn, CLB Hà Nội sẽ phải thông qua việc xét tư cách tham dự giải. Công việc này thuộc thẩm quyền của VFF. “VPF chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức, quản lý và điều hành giải đấu, còn việc xét tư cách thành viên phải do VFF”, ông Viễn cho biết.

Trao đổi thêm về vấn đề này, theo trưởng BTC V-League Trần Duy Ly, đội bóng của bầu Hiển sẽ được ưu tiên lựa chọn phương án thích hợp. Dự kiến vào cuối mùa giải, VPF, VPF và đại diện CLB bóng đá Hà Nội sẽ có cuộc làm việc với nhau để tìm phương án giải quyết.

“Tôi cho rằng đây cũng không phải vấn đề phức tạp. Khi các bên làm việc với tinh thần vì cái chung thì việc gì cũng có thể giải quyết. Anh Hiển cũng là người biết cân nhắc lý lẽ. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ ưu tiên để CLB Hà Nội chọn phương án của họ, miễn sao không sai luật. Sau đó nếu cần thiết, BTC mới có quyết định để đảm bảo cho giải đấu diễn ra đúng Quy chế”, ông Ly cho biết.

Ông Ly cũng chung quan điểm với Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, là để biết có được tham dự V-League hay không, CLB Hà Nội sẽ phải qua kiểm tra tư cách của VFF.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua có tin V.Hải Phòng, đội đã rớt hạng, sẽ mua thông qua việc mua lại CLB Hà Nội để trụ lại V-League. Đây là cách thức Thanh Hoá từng áp dụng ở mùa giải 2009 khi mua lại CLB Thể Công. Gần hơn, N.SG cũng giành quyền tham dự V-League sau khi mua lại đội bóng Quân khu 4.

Tuy nhiên theo trưởng BTC V-League Trần Duy Ly, qua trao đổi, lãnh đạo đội bóng đất Cảng khẳng định không có kế hoạch trên. “Hải Phòng xác định họ sẽ trở lại V-League dựa trên năng lực của đội bóng chứ không có chuyện bỏ tiền mua suất thăng hạng”, ông Ly cho biết.

Bên cạnh HN.T&T và CLB Hà Nội, bóng đá VN hiện còn khá nhiều trường hợp 2 đội bóng cùng thuộc một chủ sở hữu như SHB.ĐN và đội hạng Nhất Trẻ SHB.ĐN, hay CLB BĐ Hà Nội ở V-League với Trẻ Hà Nội ở hạng Nhất của bầu Kiên. Không loại trừ trường hợp sẽ có những tình huống tương tự như HN.T&T với CLB Hà Nội hiện nay. Đã có câu những câu hỏi khá “cắc cớ” được đặt ra, như trường hợp bị rớt hạng, CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên liệu có “được quyền” thi đấu ở giải hạng Nhất hay không?

VFF và cả VPF hiện vẫn chưa thông báo chủ trương cụ thể để giải quyết vấn đề trên.

Theo TT&VH


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.