Công Vinh và "năm đại họa" 2012

Ở tuổi 27 – độ tuổi được coi là dần đạt tới “điểm chín” của sự nghiệp, chân sút từng được coi là số 1 của bóng đá Việt Nam, Công Vinh lại đã và đang phải trải nghiệm những biến cố trong năm qua.

 Ở tuổi 27 – độ tuổi được coi là dần đạt tới “điểm chín” của sự nghiệp, chân sút từng được coi là số 1 của bóng đá Việt Nam, Công Vinh lại đã và đang phải trải nghiệm những biến cố trong năm qua.

Trong quá khứ, Công Vinh đã nỗ lực và lao động rất nhiều trên sân cỏ và anh cũng đã được bóng đá đền đáp xứng đáng. Thế nên sẽ là khiếm cưỡng nếu như nói rằng Vinh phụ bạc bóng đá hay ngược lại để lý giải cho một năm 2012 đầy sóng gió trong sự nghiệp của anh.


Công Vinh (trái) ngày đầu mới về cùng bầu Kiên. Ảnh: Đàm Duy

Bóng đá cũng như cuộc sống đôi khi giữa thành công và thất bại chỉ là một lằn ranh mong manh. Và bạn có thể mất tất cả vì một lựa chọn sai lầm.

Đúng ngày 10.10.2011, Vinh đã không chống được những lời “đường mật” của bầu Kiên cộng với số tiền chuyển nhượng rất lớn đối với 1 cầu thủ (phía hậu trường đồn đoán là 13 tỷ đồng), để rồi lật kèo Hà Nội.T&T về khoác áo CLB bóng đá Hà Nội. Vụ này đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực và Vinh đã đánh mất đi khá nhiều hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ.

Công Vinh đang cần một khoảng lặng để nhìn lại mình và "ngọn lửa" từ tổ ấm hạnh phúc sẽ lại giúp anh "bùng cháy" trong tương lai? Ảnh: Đàm Duy

Phải mất hơn 4 tháng sau khi “kết duyên” với đội bóng của bầu Kiên, Công Vinh mới có thể ghi bàn thắng đầu tiên trong màu áo mới. Đó là cú sút phạt đẳng cấp gỡ hòa 1-1, mở màn cho cuộc lội ngược dòng giúp CLB bóng đá Hà Nội thắng đội khách CS.Đồng Tháp 2-1 ở vòng 6 V.League 2012.

Kết thúc mùa giải, Công Vinh ghi 11 bàn và là 1 trong những nội binh ghi nhiều bàn thắng nhất V.League 2012, góp công lớn vào việc giúp CLB bóng đá Hà Nội trụ hạng.

Tiếc là niềm vui ấy của Vinh và các đồng đội chỉ tồn tại vỏn vẹn mấy ngày khi cuối tháng 8.2012, họ nhận tin "sét đánh": bầu Kiên dính vòng lao lý. Điều gì đến cũng phải đến khi lúc này, hai đội bóng Hà Nội (V.League) và Trẻ Hà Nội (hạng Nhất) đã giải tán.

Công Vinh chưa biết tương lai mình sẽ về đâu, và đội bóng nào chấp nhận chi tiền tỷ “giải thoát” cho anh khỏi Hà Nội. Những thông tin liên quan tới việc đội bóng Sriwijaya (Indonesia) muốn có anh mới đây cũng đã chìm vào quên lãng khi chính Vinh lên tiếng khẳng định anh sẽ không phiêu lưu tới sự vạn đảo để dành thời gian chăm sóc gia đình và theo học Đại học TDTT Từ Sơn.

Lê Công Vinh: "Tại AFF Cup 2008, chiến thắng là của cả đội nhưng dư luận chỉ tập trung dành nhiều lời khen tặng cho tôi. Vậy nên, khi thất bại tại AFF Cup 2012, tôi bị nhận nhiều lời chỉ trích cũng là chuyện bình thường thôi".

Đau đầu với tương lai bấp bênh ở CLB, Vinh còn "stress" hơn khi gặp phải những chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của mình khi khoác áo đội tuyển quốc gia.

Là một cầu thủ khôn ngoan, Vinh quá hiểu lối thoát duy nhất, mở ra một tương lai chấp nhận được với mình là phải thi đấu thật tốt tại AFF Cup 2012 trong màu áo tuyển Việt Nam.

Đội tuyển chiến thắng đồng nghĩa với việc giá trị của Vinh trên thị trường chuyển nhượng trong nước sẽ được đảm bảo. Bất đắc dĩ, Vinh cũng vẫn còn đường tới các nước trong khu vực thi đấu, "né" giai đoạn khủng hoảng, khó khăn hiện tại của bóng đá Việt Nam.

Nhưng không phải bao giờ những tính toán của Vinh cũng thuận buồm xuôi gió, và đôi khi những rào cản khách quan có ý nghĩa như một sự thử thách đối với ý chí của CV9

Đúng vào thời điểm Vinh tập trung nhất, gạt sang bên những rắc rối ở CLB để dồn toàn tâm khẳng định giá trị của mình tại AFF Cup thì chấn thương (điều mà mọi cầu thủ chuyên nghiệp đều phải đối mặt và vượt qua như một câu chuyện hên-xui đời thường) lại tới.

Bản thân Vinh cũng thừa nhận sự thất vọng về phong độ của mình ở AFF Cup 2012. Ảnh: Đàm Duy

Trận giao hữu lượt về với Indonesia trên sân Mỹ Đình buổi tối 16.10.2012 gắn với chấn thương trật khớp ngón chân của Công Vinh, đã mở đầu cho một giai đoạn tồi tệ của Vinh nói riêng và đội tuyển Việt Nam nói chung.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất của Vinh cùng đội tuyển dưới thời HLV Phan Thanh Hùng là cú bay người đánh đầu đẳng cấp, mở màn cho chiến thắng 2-0 của Việt Nam trước chủ nhà Malaysia trong trận giao hữu hồi giữa tháng 9.2012.

Sau hơn 1 tháng dưỡng thương, Vinh trở lại với bàn thắng vào lưới "quân xanh" K.Khánh Hòa trong trận giao hữu hòa 1-1 đúng 1 tuần trước khi AFF Cup 2012 khởi tranh.

Tại Bangkok, trước trận ra quân gặp Myanmar ngày 24.11, Vinh khẳng định mình cảm thấy đã đạt 100% phong độ: “Nhưng trong bóng đá không ai nói trước được điều gì. Đôi khi giải quyết tốt 1 tình huống, mọi chuyện sẽ khác và ngược lại”, Vinh nói.

Và sự thật, ở trận đấu đó, tuyển Việt Nam đã có bàn thắng dẫn trước do công Tấn Tài, nhưng không bảo vệ được thành quả. Trận hòa 1-1 đó đã kéo theo một loạt hệ lụy, sức ép tâm lý… và tuyển Việt Nam đã trải qua một kỳ AFF Cup tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ mốc son gắn với tấm HCB SEA Games 1995. Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng chỉ giành được 1 điểm, ghi được 2 bàn thắng, để thua 5 bàn.

Bản thân Công Vinh cũng thừa nhận quá thất vọng với phong độ của mình tại AFF Cup 2012. Anh đều bị thay ra ở nửa cuối 2 trận đấu gặp Myanmar, Philippines và không có trên trong đội hình chính trận cuối gặp Thái Lan. Về nước, Vinh còn bị đồn đoán có tên trong “danh sách đen” của VFF. Anh cũng bị chỉ trích vì thái độ thiếu chuyên nghiệp, bất mãn không đeo giày khởi động trận gặp Thái Lan.

Nhưng điều đáng trách nhất, không biết lúc này Vinh có nhận ra hay không? 4 năm trước, Vinh cũng rất "đơn độc" ở đội tuyển. Từ quá trình chuẩn bị AFF Cup 2008 đến các trận vòng bảng, Vinh đều "đói bóng" và chơi không tốt. Nhưng thời điểm đó, chiếc áo Vinh mặc từ khi vào sân cho đến khi rời sân luôn thấm đẫm mồ hôi, lấm lem đất cỏ, chứ không...trắng tinh như ở AFF Cup 2012.

Ngày ấy, Vinh đã lao động miệt mài và trong chừng mực nào đó đã giúp đội tuyển dưới thời HLV Calisto chiến thắng được "số phận" để đi vào lịch sử. Còn tại AFF Cup 2012 thì không... Niềm tin của HLV Thanh Hùng đặt vào Vinh đã không được đền đáp.

Phía trước, những người yêu mến CV9 chỉ biết hy vọng trong tương lai, Vinh sẽ biết cách chứng minh mình thực sự là một “cây xương rồng” của BĐVN, như cách anh đã từng đi qua những "nốt trầm" trong sự nghiệp để tỏa sáng hơn.. Chỉ có như vậy, Vinh mới thực sự là một tấm gương sáng cho lứa cầu thủ “đàn em” noi theo!

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.