Dương Văn Hào gãy chân và vấn nạn bạo lực sân cỏ Việt Nam

Bất chấp những án phạt nặng từ Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam, vấn nạn bạo lực trên sân cỏ V.League 2018 đang bùng phát và ngày càng nguy hiểm hơn.

Bất chấp những án phạt nặng từ Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam, vấn nạn bạo lực trên sân cỏ V.League 2018 đang bùng phát và ngày càng nguy hiểm hơn.

Mùa giải 2018 mới khởi tranh được gần 1/3 quãng đường nhưng vấn đề nổi cộm nhất của bóng đá Việt Nam là bạo lực sân cỏ đang gia tăng chóng mặt, với những vụ chấn thương ngày càng nghiêm trọng, bất chấp án phạt từ VFF.

Đầu tiên là pha vào bóng rất nguy hiểm của Nguyễn Tăng Tiến bên phía HAGL nhằm vào Đỗ Duy Mạnh của Hà Nội FC. Dù Duy Mạnh không gặp chấn thương quá nặng nhưng với hành vi phi thể thao, Tăng Tiến nhận án phạt treo giò 5 trận từ VFF và hết giai đoạn lượt đi từ đội bóng chủ quản.

Dương Văn Hào gãy chân và vấn nạn bạo lực sân cỏ Việt Nam - Ảnh 1.

Tăng Tiến bị HAGL treo giò hết giai đoạn 1 vì hành vi phi thể thao. Ảnh - Hóa Võ

Những tưởng mức phạt nặng của Nguyễn Tăng Tiến sẽ là tấm gương để các cầu thủ khác tập trung vào thi đấu chuyên môn, thay vì có những pha xử lý gây chấn thương cho đồng nghiệp. Dù vậy, đây chỉ là hy vọng của nhà tổ chức, khán giả yêu bóng đá, còn bạo lực sân cỏ không giảm sút, còn gia tăng với mức độ đáng báo động.

Tại vòng 5 V.League, Nguyễn Hải Huy bên phía Than Quảng Ninh có cú lao bóng khiến Phạm Trùm Tỉnh của Khánh Hòa gãy xương sườn. Ngay lập tức, Hải Huy nhận án treo giò 3 trận và phải nộp phạt 20 triệu đồng. Gần nhất, tại vòng 6, bộ đôi Mạc Hồng Quân (Than Quảng Ninh) và Trần Mạnh Cường (Nam Định) cùng bị đình chỉ hai trận vì có hành vi phi thể thao.

Không chỉ V.League, bạo lực sân cỏ còn lan sang cả Cúp Quốc gia, sân chơi được xem là không quá quan trọng với các đội bóng. Hậu vệ Sầm Ngọc Đức (TPHCM) sẵn sàng lao cả hai chân vào người đàn em đồng hương Phan Văn Đức (SLNA), hay Trương Đình Luật khiến ngoại binh Olaha nghỉ thi đấu 3 tuần.

Dương Văn Hào gãy chân và vấn nạn bạo lực sân cỏ Việt Nam - Ảnh 2.

Trương Đình Luật và các cầu thủ TPHCM chơi rất rắn khi đối đầu SLNA

Đáng nói hơn, khi Ban kỷ luật phạt Sầm Ngọc Đức 4 trận vì lỗi hành vi, thay vì ăn năn và rút kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân, hậu vệ này còn lên tiếng không đồng tình và cho rằng, nếu cố ý thì Phan Văn Đức đã không còn có thể thi đấu.

Đỉnh điểm của bạo lực xuất hiện trong trận đấu giải hạng Nhất giữa Viettel và Long An, Huỳnh Tấn Tài của đội khách vào bóng thô bạo khiến Dương Văn Hào gãy chân, phải nhập viện khẩn cấp. Từ niềm hy vọng về tài năng trẻ sáng giá của bóng đá Việt Nam, Văn Hào đứng trước nguy cơ giã từ sự nghiệp khi mới 21 tuổi.

 
Dương Văn Hào gãy chân và vấn nạn bạo lực sân cỏ Việt Nam - Ảnh 3.

Huỳnh Tấn Tài chưa phải nhận án phạt từ VFF nhưng chắc chắn bản án lương tâm sẽ còn đeo bám cầu thủ này trong thời gian dài. Vẫn biết bóng đá là môn thi đấu cơ bắp, đối kháng, nhưng những pha bóng thừa sự quyết tâm, thiếu đi tỉnh táo đã gây ra chấn thương kinh hoàng, ảnh hưởng đến cả sự nghiệp của đồng nghiệp.

Bạo lực sân cỏ đang khiến bóng đá nước nhà tụt hậu so với khu vực và châu lục. Nhiều cầu thủ trở thành nạn nhân, đánh mất phong độ, giã từ sự nghiệp khi còn đang rất sung sức nhất. Hy vọng, ngoài những án phạt từ ban tổ chức thì chính các cầu thủ phải chấn chỉnh tư tưởng, thi đấu cống hiến, đó vừa là tôn trọng đồng nghiệp mà cũng chính là tôn trọng sự nghiệp của bản thân mình.

Theo Trí Thức Trẻ


chấn thương

V.League 2018


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.