Võ sư Tôn Thất Tiến: Một trái tim nặng nợ với quê hương

Gần ba mươi năm trước, chuyến tàu chở dầu định mệnh đã đưa một người đàn ông Việt Nam qua Băng Cốc và đến với xứ Na Uy xinh đẹp.

Có lẽ, viên hạm đội trưởng người Na Uy ngày ấy cũng không thể ngờ rằng, chàng thanh niên có vóc người rắn rỏi, nhỏ nhắn ấy là cha đẻ của môn võ thuật Taekwondo Na Uy và làm rạng danh đất nước ông trên võ trường quốc tế sau này.

Và với vị võ sư ấy, dù đi đâu và làm gì, thì quê hương Việt Nam vẫn luôn là "chùm khế" ngọt lành, là tiếng gọi thiêng liêng nhất trong trái tim anh...

Đất dụng võ

Đó là thủ đô Oslo, Na Uy. Tôn Thất Tiến khi ấy cũng vừa tròn 25 tuổi. Câu chuyện cuộc đời anh có thể được đánh dấu bằng chuyến tàu chở dầu của Na Uy qua lãnh thổ Việt Nam, rồi tới Băng Cốc trước khi về tới đất nước của họ. Đây cũng không phải lần đầu tiên, người thanh niên ấy bước chân ra khỏi lãnh thổ quê hương, đất nước mình. Vì trước đó, anh đã từng tham gia học lái máy bay tại Hoa Kỳ trong gần một năm. Và nếu không phải là duyên trời định thì có lẽ anh cũng lại tới nước Mỹ trong cuộc xuất ngoại lần này.

Viên hạm đội trưởng và các thuyền viên người Na Uy làm quen với người thanh niên Việt Nam duy nhất trên tàu với nụ cười thân thiện. Họ tiếp đãi anh như một người khách quý. Có thể đó là lòng hiếu khách của họ, cũng có thể một phần là sự chia sẻ và thấu hiểu sâu sắc với hoàn cảnh người dân của một đất nước đang bị chiến tranh giày xéo.

Theo chuyến tàu ấy, người thanh niên họ Tôn Thất lần đầu tiên đặt chân đến Na Uy - một vương quốc hòa bình và xinh đẹp ở phía tây bán đảo Scandinave. Tính cách hòa hiếu của đất nước và con người xứ sở Bắc Âu này đã phần nào xóa đi sự bỡ ngỡ trong lòng chàng trai Việt. Anh chẳng mất nhiều thời gian để hòa nhập mà cũng không mấy khó khăn trở ngại khi tiếp xúc với một nền văn hóa hoàn toàn khác xa với đất nước anh. Thủ đô Oslo là nơi anh bắt đầu cuộc sống mới, bắt đầu những tháng ngày vinh quang của chàng thanh niên Việt Nam trên xứ lạ.

"Đứng nhầm chỗ..."

Đó là khi Tôn Thất Tiến còn là một học sinh 15 tuổi, tại trường Junior Military Acadamy (trường Thiếu sinh quân tại thành phố Vũng Tàu). Võ thuật là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh của trường. Sau mấy tháng tập luyện, kỳ thi đầu tiên cũng đến.

Cậu bé Tôn Thất hồi hộp và ngơ ngác trước kết quả được vượt lên hai cấp do các thầy là võ sư người Đại Hàn - nơi xuất xứ của môn võ Teakwondo - và cũng là những người nổi tiếng nghiêm khắc chấm thi. Tiến luống cuống nghĩ mình đứng nhầm chỗ, lòng đầy hoài nghi. Chỉ mấy tháng sau đó, trong kỳ thi lần thứ hai, cậu bé cũng lại ngoạn mục vượt qua hàng trăm học sinh trong lớp để tiếp tục được "nhảy" lên hai cấp. Đến lúc này thì cậu bé đã hoàn toàn tin vào khả năng của mình.

Trong suốt một thời gian dài, cậu đã không phát hiện ra khả năng của mình cho đến khi các võ sư trong trường đã nhìn thấy và gọi dậy năng khiếu đặc biệt ấy.

Thời gian là một trong những yếu tố thử thách đối với người học võ Teakwondo. Để đạt đến các đẳng cấp của môn võ thuật này, võ sinh phải trải qua những khoảng thời gian học tập, rèn luyện miệt mài và khắt khe. Trong thời gian học tại trường thiếu sinh quân, suốt sáu năm tập luyện, Tôn Thất Tiến đã đạt tới Huyền đai đệ tam đẳng.

Thời đó, việc đạt được thành quả như vậy là một kỳ công rất lớn mà không phải ai cũng có thể vươn tới. Các võ sư giỏi nhất Việt Nam khi đó cũng chỉ là Huyền đai đệ tứ đẳng. Và đó cũng là "vốn liếng" để anh đi tiếp con đường võ thuật tại một đất nước hoàn toàn xa lạ.

Những bước nhảy ngoạn mục

Vừa đến thủ đô Oslo khoảng một tháng, biết được khả năng võ thuật của chàng thanh niên người Việt, một trường trung học gần nơi anh sống đã mời Tôn Thất Tiến về dạy võ cho học sinh trong trường. Khi đó, Teakwondo là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực võ thuật tại đất nước Na Uy. Mặc dù môn võ này đã khá phổ biến ở quê hương Đại Hàn của nó từ những năm sáu mươi.

Khó khăn lớn nhất của Tôn Thất Tiến tại xứ người chính là những bất đồng về ngôn ngữ. Tuy nhiên, nó không là rào cản lớn vì may mắn cho anh, Na Uy là đất nước sử dụng song ngữ - Na Uy và tiếng Anh. Anh vừa dạy, vừa tự học thêm ngôn ngữ người bản xứ để có thể hiểu thêm về con người và văn hóa của họ.

Người dân xứ Na Uy lúc đó chỉ biết đến môn võ quen thuộc là Karate và Teakwondo đương nhiên trở thành một "mảnh đất" hoàn toàn hoang sơ, chưa có người "khai phá". Tôn Thất Tiến bắt đầu từng bước gây dựng môn võ này bằng những nền tảng cơ bản nhất.

Anh vừa kiên trì giải thích cho học trò về Teakwondo, về tinh thần võ sĩ đạo, về sự khác nhau giữa Teakwondo và Karate. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng người đăng kí tham gia lớp học của vị võ sư người Việt ngày càng đông. Phóng viên của những tờ báo có uy tín tại thủ đô Oslo bắt đầu viết về anh như là người đầu tiên mang đến cho đất nước họ một môn võ thuật độc đáo và mới lạ. Vì thế, tên tuổi Tôn Thất Tiến càng được nhiều người biết đến. Số lượng học trò của anh từ chỗ vài trăm lên đến cả ngàn người.

"Tiếng lành đồn xa", các báo địa phương cũng liên tục tìm đến anh để phỏng vấn "khi các bài báo được đăng tải, điện thoại gọi tới liên tục, dù lúc đó tôi chưa chính thức mở lớp đào tạo" - Võ sư Tiến vui vẻ kể lại.

Na Uy là xứ sở của dầu hỏa, vốn từng được đào tạo về không quân nên Tôn Thất Tiến tham gia vào đội bay của đất liền với các giàn khoan ngoài khơi. Công việc này cũng khá thuận lợi và cần người có kinh nghiệm như anh. Tôn Thất Tiến đã không khỏi băn khoăn giữa hai sự lựa chọn: hoặc bay hoặc tiếp tục dạy võ thuật. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng anh chọn con đường thứ hai: võ thuật. Bởi theo anh, tuy mới đến xứ sở mới, nhưng anh đã được nhiều người yêu mến và quý trọng.

Dạy võ thuật không chỉ thỏa mãn niềm đam mê võ mà còn mang lại cho anh niềm vui trong cuộc sống. Chàng võ sư trẻ vừa dạy vừa nghiên cứu tài liệu để tự nâng cấp trình độ của bản thân. Cứ mỗi dịp nghỉ hè, anh lại đi về giữa Na Uy và Đại Hàn, vừa làm thầy vừa làm học trò. Anh phải mất hơn hai mươi năm miệt mài, và mất cả gần nửa đời người để đạt tới 8 đẳng (huyền đai đệ bát đẳng), trong khi đó, đẳng cao nhất của Teakwondo là Huyền đai đệ cửu.

Những năm bảy mươi, tên tuổi của võ sư Tôn Thất càng được nhiều người biết đến khi Teakwondo trở thành một môn thể thao phổ biến trên thế giới. Thấy Na Uy là "mảnh đất" khá màu mỡ, các võ sư Đại Hàn cũng tới kiếm "đất dụng võ". Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, tên tuổi của võ sư Tiến đã trở thành một hiện tượng suất sắc của làng võ thuật nơi đây. Anh đã là người đầu tiên truyền bá võ Teakwondo, là thầy của các thầy tại Na Uy, tên tuổi và uy tín của anh đã trở thành "thương hiệu" Teakwondo của đất nước xinh đẹp này.

Học trò của anh nhiều người đạt 5 đẳng, 6 đẳng đều có thể tự đứng lớp và truyền dạy lại cho những lớp võ sinh sau này. Nhu cầu học Teakwondo của người dân Na Uy từ thành thị đến các địa phương đều rất lớn. Võ sư Tiến nhanh chóng nhân rộng mô hình đào tạo bằng cách đưa nhiều võ sinh về địa phương mở lớp đào tạo. Cứ mỗi tuần, anh lại "vi hành" xuống địa phương kiểm tra và đánh giá kết quả.

Học trò của thầy Tiến càng ngày càng đông. Chỉ hai năm sau khi đặt chân đến Na Uy, anh đã gây dựng được 7 trường đào tạo Teakwondo tại 7 thành phố, thu hút hàng ngàn võ sinh tham gia và sáng lập ra võ thuật Teakwondo Na Uy (1977), trong đó võ sư Tôn Thất Tiến đóng vai trò là chủ tịch. Để rồi không lâu sau đó, anh lại đưa liên đoàn Teakwondo Na Uy cũng chính thức được gia nhập vào Tổng cục Liên đoàn Teakwondo thế giới và Tôn Thất cũng chính thức trở thành thành viên của Tổng cục này - một cái gạch nối đầy táo bạo. M

ười năm sau, người dân Na Uy vui mừng và tự hào khi đoàn vận động viên Teakwondo của đất nước họ tham dự giải thế vận hội thế giới tại Đại Hàn. Lần đầu tiên, Teakwondo Na Uy hội nhập võ trường quốc tế. Sau đó, anh liên tục là đại diện cho Na Uy đưa học trò tham dự các giải đấu thế giới và châu Âu.

Một ngày cuối năm 1977, vị võ sư người Việt bất ngờ nhận được lời đề nghị của Lãnh sứ quán Hoa kỳ mời sang làm việc, vì họ cho rằng, nước Mỹ cũng cần một người như võ sư Tiến. Tuy nhiên, mảnh đất Na Uy như một chất keo đặc biệt níu giữ bước chân anh, Tôn Thất quyết định tiếp tục gắn bó với mảnh đất và cong người nơi ấy.

Những năm chín mươi, Hội đồng Văn hóa Á Châu tại Paris quyết định trao tặng huy chương vàng cho người Việt Nam trong cộng đồng Châu Âu làm rạng danh đất nước Na Uy. Học trò của anh nhiều người đã thành danh và có những võ đường riêng. Trong đó, không ít học trò để hình của võ sư Tiến như một vị sư tổ của họ.

Một điều bất ngờ, thú vị là các nhà làm phim cũng bắt đầu "dòm ngó" tới anh. Tôn Thất Tiến được mời tham gia bộ phim Cái chết ở phía nam Oslo - một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Na Uy thời đó. Anh vào trong vai một người lái taxi dùng võ nghệ cao cường để chống lại những thế lực xấu. Nhiều hãng phim cũng ngỏ ý mời võ sư Tiến tham gia đóng phim quảng cáo cho khách hàng của họ. Hình ảnh và danh tiếng vị võ sư Việt Nam càng trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Na Uy.

Nặng tình cố hương

Hơn mười năm sống trên đất khách quê người, trái tim Tôn Thất vẫn đau đáu hướng về cố hương. Không biết khi nào có thể quay về, nhưng không ngày nào người thanh niên ấy không theo dõi tình hình của đất nước. Khi đã thành danh, anh càng nóng lòng muốn trở về để làm điều gì đó cho quê hương trong khả năng có thể. Năm 1986, được biết nhà nước mở cửa, anh lập tức chuẩn bị hành lí để hồi hương, lòng hồi hộp và tràn đầy cảm xúc.

"Tôi muốn làm được điều gì đó trong lĩnh vực của mình cho nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi muốn có một lý do thật thuyết phục để trở về..." - võ sư Tiến chia sẻ.

Teakwondo Việt Nam thời điểm đó chưa có điều kiện để phát triển và đón nhận những thay đổi từ bên ngoài. Được mời làm cố vấn cho Teakwondo nước nhà, ngay lập tức anh bắt tay vào huấn luyện lại những kĩ thuật mới, chứng nhận lại tất cả các bằng cấp của Teakwondo Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế với tư cách là thành viên của Tổng cục Liên đoàn Teakwondo thế giới. Đồng thời xúc tiến thành lập Liên đoàn Teakwondo Việt Nam. Bước kế tiếp là đưa môn võ này gia nhập vào sân chơi quốc tế, tạo ra "tấm giấy thông hành" để Teakwondo Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của toàn thế giới.

Các võ sư Việt Nam cần phải được cọ xát và làm quen với phong cách, kỹ thuật thi đấu của nước ngoài, vì thế, anh thường xuyên đưa các võ sư Na Uy và Việt Nam, âm thầm làm tất cả những gì tốt cho võ thuật nước nhà mà không có bất kì đòi hỏi nào. Anh bộc bạch: "Điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là những khó khăn mà lớp võ sĩ trẻ đang gặp phải. Phải đến với họ, phải trở về thì mới có thể giúp được, về càng sớm càng giúp được sớm.Làm được gì cho thế hệ trẻ, giúp được gì cho đất nước, tôi cũng luôn sẵn sàng."

Nhận thấy võ Việt Nam cũng đã có tiếng trên thế giới, các võ sư Việt Nam cũng có thể trạng giống như những võ si Đại Hàn, kỹ thuật thi đấu cũng chẳng thua kém ai, Tôn Thất Tiến xin phép Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh mở trường đào tạo huấn luyện viên Teakwondo có tính cách quốc tế. Trong dự án này, anh tập trung đào tạo huấn luyện viên, những giảng sư đạt tiêu chuẩn quốc tế, sau đó gửi họ ra nước ngoài dạy mà không cần phải dùng người Đại Hàn. Đó cũng là cách để truyền bá thêm về võ thuật và con người Việt Nam với thế giới.

Hiện nay, ông đang tích cực xây dựng cơ sở vật chất để chuẩn bị chiêu sinh. Anh đang kết hợp với các võ sư nổi tiếng đến từ quê hương của Teakwondo và nước ngoài cùng anh thực hiện dự án này. Võ sinh sẽ là các huấn luyện viên trong nước và quốc tế. Ông muốn phát triển Teakwondo Việt Nam theo chiều sâu. Vì theo ông, cần phải có những người thầy để đào tạo ra những thế hệ học trò, chứ không nhắm đến mục đích giành huy chương.

Võ sư Tiến cho rằng, trong hàng triệu người, may ra mới chỉ có một vài người dành được huy chương. Trong khi đó, một huấn luyện viên, một giảng sư giỏi, có thể đào tạo ra nhiều lớp vận động viên giỏi. Đó chính là nền tảng cơ bản, là nguồn lực cốt lõi giúp Teakwondo nước nhà phát triển bền vững.

Sắp bước sang tuổi sáu mươi, vị võ sư vẫn còn rắn rỏi, phong độ và tràn đầy sức sống. Những trải nghiệm, những thành quả và vinh quang của chặng đường đã qua cũng đủ để ông có thể tận hưởng cho đến cuối đời. Tuy nhiên, ông vẫn say mê và trăn trở nhiều với từng bước đi của Teakwondo nước nhà. Theo ông, các võ sĩ thế hệ trẻ đủ năng lực để tham gia thi đấu và các giải trên võ đài quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay họ đang được đào tạo chủ yếu về kỹ năng thi đấu như đánh nhanh, đánh đúng và trúng mà chưa chưa chú trọng đến những điều kiện mà một võ sĩ đạo cần có. Đó chính là tinh thần võ sĩ đạo, là kỉ luật, đạo đức, hiểu biết và lòng kiên nhẫn.

Gần nửa đời người gắn bó với nghề, ông hiểu hơn ai hết, một người võ sư không chỉ đơn giản là người biết võ mà còn phải biết văn, hiểu lễ nghĩa và quy tắc ứng xử. Đó là những điều khi đi thi sẽ không được căn cứ vào để chấm thêm điểm, tuy nhiên, lại là những chuẩn mực mà một võ sĩ phải thuộc nằm lòng.

Quay về Việt Nam lần này, vị võ sư suốt mấy chục năm bôn ba hải ngoại đã chuẩn bị sẵn sàng để về hẳn với quê hương. Bạn có thể tìm thấy một vị đại võ sư - grandmaster lừng danh của xứ Na Uy nhưng có thể dễ dàng nhận thấy một Tôn Thất Tiến giản dị, thân thiện, rất đời thường khi trở về quê hương xứ sở của mình. Trở về khi tuổi đã ngã về chiều, nhưng ông cho biết, con đường ông đi phía trước vẫn còn rất dài, ông vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đơn giản vì trái tim ông vẫn nặng nợ với Teakwondo, với quê hương xứ sở của mình.

Theo Việt Hoa



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.