Bí đầu ra: Hàng xây dựng bán bún đậu mắm tôm

Thị trường bất động sản đóng băng, kinh doanh nội thất, thiết bị vệ sinh ế ẩm theo, bà chủ nghĩ cách tồn tại với nghề "tay trái": Bán bún đậu mắm tôm.

Thị trường bất động sản đóng băng, kinh doanh nội thất, thiết bị vệ sinh ế ẩm theo, bà chủ nghĩ cách tồn tại với nghề "tay trái": Bán bún đậu mắm tôm.

Khi nghề tay phải uể oải theo thời thế

Mở công ty đã được 7 năm, nhưng chưa khi nào việc kinh doanh của chị Phương Anh – Giám đốc Công ty CP Lộc An Phát (Số 6 – Tam Trinh – Hà Nội) lại lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện tại.

Khởi nghiệp kinh doanh khi thị trường sôi động, bất động sản nóng sốt, công ty của chị Phương Anh đã có lúc cung ứng thiết bị vệ sinh cho nhiều công trình, dự án và gây dựng được mối quan hệ với nhiều chủ đầu tư, kiến trúc sư trong giới kinh doanh nhà đất.

Bà chủ nhanh nhẹn kết hợp các mối quan hệ trong làm ăn để đầu cơ đất, xây căn hộ và lắp đặt các mặt hàng thiết bị nội thất mà công ty kinh doanh. Những căn hộ được hoàn thiện được bán ra với giá tốt hơn nhiều nhờ 'buôn tận gốc, bán tận ngọn'.

Phất lên nhờ đất cát, hai chị em bà chủ công ty cỡ nhỏ này nhanh chóng kiếm tiền tỷ, đi ô tô và shopping hàng hiệu.

Tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài khiến các mặt hàng thiết bị vệ sinh – nội thất của công ty tiêu thụ chậm hơn hẳn so với những năm trước.


“Năm 2011, hàng hóa bán ra vẫn túc tắc vì các dự án và công trình những năm trước đi vào hoàn thiện. Nhưng sang năm 2012, lượng tiêu thụ chậm hẳn, không có dự án mới, khách bán lẻ cũng giảm sút nhiều. So ra chỉ bằng một phần mười năm ngoái, chưa nói gì so với những năm thịnh vượng”, chị Phương Anh cho biết.


Hiện tại, nhân sự của công ty chỉ còn một nửa so với trước, showroom trưng bày trước đây có 2 địa điểm, nay chỉ giữ lại showroom ở trụ sở công ty (đóng cửa showroom còn lại ở Long Biên). Chị Phương Anh cho hay, công ty vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động kinh doanh nhờ mối quan hệ tốt với các kiến trúc sư xây dựng và các khách hàng nhỏ quen biết từ trước.

Ngách kinh doanh dịch vụ ăn uống: "Tay trái" đỡ "tay phải"

Không chỉ riêng công ty của chị Phương Anh, không ít doanh nghiệp khác cũng đang phải đối mặt trước tình hình kinh tế khó khăn hiện tại bằng cách tiết giảm chi phí và tìm hướng đi mới để tồn tại.

“Hai năm trở lại đây, dân công sở xuất hiện ở khu vực này nhiều hơn do các công ty chuyển văn phòng về vùng ven có giá thuê rẻ hơn khu trung tâm.

Khi nghe lời phàn nàn của một người bạn về sự thiếu thốn dịch vụ ăn uống ở khu vực này, tôi nghĩ ngay đến chuyện kinh doanh cửa hàng ăn uống cho dân công sở. Không chỉ tận dụng được mặt bằng kinh doanh, giải quyết nhân lực tại chỗ mà còn thu hồi vốn rất nhanh”, chị Phương Anh chia sẻ.

Quả đúng như nhận định của bà chủ này, chỉ cần chuẩn bị hơn chục bộ bàn ghế nhựa, một mái hiên di động và vài chục bộ bát đĩa là đã có thể khởi động việc kinh doanh.

Chị Phương anh làm chung với cửa hàng kế bên (một đại lý kinh doanh thiết bị vệ sinh của Viglacera), tận dụng được khoảng sân sau khá rộng để bán bún đậu mắm tôm nên không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của showroom phía mặt đường.

Quán ăn của chị Phương Anh chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ 11h30 đến 13h30 từ thứ 2 đến thứ 7 (thứ 7 lượng khách giảm hơn so với ngày trong tuần). Các nguyên vật liệu được đặt hàng (bao gồm bún, đậu, chả cốm, nem, thịt, mắm tôm, ngan…) và được mang đến tận nơi từ 10h30 sáng để chế biến. Đồ bán không hết có thể hoàn trả cho người bán.

Chỉ mới mở ra được 1 tháng, cửa hàng ăn uống mini này đã rất đông khách, lượng tiêu thụ mỗi buổi trưa vào khoảng 30 kg bún, 300 bìa đậu, tương đương khoảng 150 suất/buổi trưa, chưa kể bún ngan và trà đá (2000 đồng/cốc). Mỗi suất bún đậu là 20.000 đồng, thêm tiền đồ ăn kèm (như chả cốm, giả cầy, nem rán, thịt luộc) và trà đá, chi phí ăn trưa của mỗi thực khách khoảng 30.000 đồng.

Như vậy, doanh thu mang về cho 2 tiếng buổi trưa của công ty này là 4-5 triệu đồng. Không kể ngày nghỉ, tháng đầu tiên làm "tay trái" mang về cho bà chủ khoảng 90 - 100 triệu đồng (!). Lợi nhuận thu được ít nhất cũng tầm 1/3 – 1/2 con số đó.

Từng tiêu bạc triệu, nay thu bạc cắc

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu nên lượng khách khá ổn định và đang có xu hướng tăng lên. Cách làm này không tốn thêm một đồng tiền thuê mặt bằng, nhân viên có thêm việc để làm vào buổi trưa rảnh rỗi. Thay vì chịu cảnh đọng vốn, khách ăn lại thanh toán ngay nên nhanh chóng hoàn vốn và thu được lãi ngay trong ngày.

“Trước đây, giờ nghỉ trưa, chị em tôi rủ nhau đi shopping tốn kém đến vài triệu, thì nay chịu khó vận động một chút, vừa tiết kiệm, tạo việc làm lúc rỗi rãi mà lại có thêm tiền ‘rau cháo’ qua thời kỳ khó khăn này”, chị Phương Anh hóm hỉnh nói.

Chưa hết, buổi chiều tối khi cửa hàng tạm dừng công việc, tận dụng mặt phố, chị Phương Anh cho mượn mặt bằng để người khác mở sạp nhỏ kinh doanh băng đĩa nhạc. Cộng các khoản tiền “rau cháo” của công ty này lại cũng không hề khiêm tốn chút nào.

Sự tấp nập ở sân sau còn được cộng hưởng từ những hàng quán mới mọc thêm bên cạnh với bún cá, sữa chua, chè, sinh tố (phía trước là cửa hàng hoặc trường mẫu giáo tư). Chị Phương Anh đã tính đến việc mở rộng kinh doanh đồ ăn sáng và ăn vặt buổi chiều trong thời gian tới.

Theo TTVN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.