Bún ế ẩm sau tin tẩy trắng bằng hóa chất

Tình hình kinh doanh của các sạp bún TP HCM sa sút cả tuần nay, có nơi lượng tiêu thụ giảm một nửa hoặc hai phần ba.

Tình hình kinh doanh của các sạp bún TP HCM sa sút cả tuần nay, có nơi lượng tiêu thụ giảm một nửa hoặc hai phần ba.

Chị Hạnh, tiểu thương chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho biết, sau khi thông tin hàng loạt bún, phở tẩy trắng bằng hóa chất được công bố và lan truyền rộng rãi, rất nhiều người tiêu dùng đã nói không với bún trong bữa ăn gia đình. Bình thường chị bán hết 100 kg trong ngày nhưng cả tuần nay giảm một nửa và ngày càng vắng khách. 

"Những khách quen, mối ruột của tôi cũng không còn đến mua, kể cả khi trưng bằng chứng cho thấy hàng không có hóa chất độc hại", chị than.

Chị Vân, tiểu thương ở chợ này kể nhiều bà nội trợ kiểm tra, truy hỏi nguồn gốc sản phẩm cặn kẽ mới dám mua. Phần đông không còn chuộng món ăn này nhiều như trước, người cân khoảng vài lạng, hiện rất ít người mua cả kg một lần. Ngay cả những gia đình tổ chức đám tiệc giờ cũng loại bún ra khỏi thực đơn mà thay bằng món khác.

bun-1375250083_500x0.jpg

Sạp bán bún tại các chợ TP HCM ế ẩm hơn so với cách đây một tháng. Ảnh: Thi Hà

Chị Vân chia sẻ, một tuần trở lại đây, dù lấy bún ở cơ sở đảm bảo chất lượng, được Sở Y tế và Ban quản lý chợ kiểm tra khắt khe nhưng chị vẫn không dám lấy với số lượng nhiều vì bán rất chậm. "Thay vì trước đây tôi lấy 50kg một ngày, giờ tôi chỉ lấy có 30kg mà còn không bán hết", chị nói.

Để người tiêu dùng tin tưởng chất lượng sản phẩm, các cơ sở làm bún đều dán nhãn mác rõ ràng để người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc xuất xứ và có cả giấy chứng nhận hàng đảm bảo chất lượng. Theo chị Vân, các sạp chịu sự quản lý khắt khe của Ban quản lý và luôn được lấy mẫu đi thử nghiệm nên nếu bún không đạt chất lượng đã không còn được đứng bán ở đây. 

Nhiều tiểu thương ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Bình Triệu (quận Thủ Đức)... cũng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng thấy.

Chị Phượng, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu kể, từ sáng đến trưa chẳng có mấy người ghé đến sạp. Mọi người sợ bún nhiễm hóa chất này kia nên chẳng ai dám ăn. Những nơi trước đây đến lấy bún về bán bún riêu buổi sáng nay cũng ngừng lại và chuyển sang bán món khác. Thường chị Phượng bán ít nhất cũng 30kg bún trong buổi sáng, nay đắt hàng lắm cũng chỉ khoảng 10kg.

Ở sạp kế bên, chị Hương dẫn chứng mức tiêu thụ giảm mạnh, hiện chỉ còn bán vài chục kg, thay vì cả tạ như một tháng qua. Để tạo lòng tin với khách hàng, chị Hương sắm cho riêng mình đèn pin tia cực tím để người tiêu dùng soi thử xem bún có nhiễm hóa chất hay không nhưng cũng chẳng làm xoay chuyển tình hình.

Các quán bún thịt nướng, bún riêu cua, bún chả…, doanh thu cũng giảm sút nghiêm trọng.

Chị Lệ, bán bún thịt nướng lâu năm tại chợ Thị Nghè cho biết, trước đây khách đến ăn rất đông nhưng giờ ai cũng e ngại bún nhiễm hóa chất nên số lượng giảm dần. Tháng trước, cứ một ngày bán được hết 20kg bún, nay chỉ bán được 10kg.

Cô Hằng, bán bún riêu cua tại chợ này cũng cho biết, người tiêu dùng không còn mặn mà nhiều với món này. Doanh thu bán bún riêu của cô giảm 30%.

bun1-1375250083_500x0.jpg

Tiểu thương tại chợ Thị Nghè luôn phải để nhãn mác nguồn gốc sản phẩm rõ ràng để trấn an người tiêu dùng. Ảnh: Thi Hà

Nhiều tiểu thương tại chợ Bà Chiểu chia sẻ kinh nghiệm nhận biết bún ngon cho người tiêu dùng. Bún sạch thường có màu đục, ngửi có mùi bột ủ, cầm sợi bún cảm nhận được độ dẻo và dính. Vì bún làm từ gạo nên dễ bị chua, phải bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc thoáng mát. Bún để ngoài chợ với nhiệt độ cao, chỉ đến cuối ngày là ngửi thấy mùi chua ngay. Còn bún có hóa chất, sợi bún bóng, trắng, dai, mùi nồng nồng, khó chịu, để vài hôm bún vẫn khô, tươi mới như thường. 

Người tiêu dùng nên hỏi người bán xuất xứ nguồn hàng hoặc mượn đèn pin soi tia cực tím (nếu có) của người bán để kiểm nghiệm. Mặt khác, chỉ nên mua bún ở những nơi có sự trông coi của Ban quản lý chợ chứ không nên mua hàng giá rẻ, trôi nổi ở lề đường để đảm bảo chất lượng.

Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) khảo sát thị trường TP HCM từ ngày 15 đến 25/6, lấy ngẫu nhiên 30 mẫu gồm 6 loại bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt, bán tại 9 cơ sở kinh doanh thực phẩm (4 siêu thị, 4 chợ ở trung tâm thành phố và một cửa hàng).

Kết quả cho thấy, 24 trong tổng số 30 mẫu đều có sự hiện diện của chất làm trắng quang học, chiếm tỷ lệ 80%. Trong đó 5 trong 9 mẫu bún, 100% mẫu bánh hỏi, bánh ướt và bánh canh, 3 trên 4 mẫu bánh phở, có chứa chất làm trắng huỳnh quang.  

Theo ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về chất này làm hỏng đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày...


Theo Vnexpress


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.