Chủ shop bán đồ xách tay kinh hãi kể những kiểu khách hàng “củ chuối” order gấp rồi lặn, lầy lội nợ tiền

Những kiểu khách hàng “củ chuối” mà shop online gặp kể ra phải dài hàng mét.

Buôn bán hàng xách tay đem lại lợi nhuận rất tốt nhưng đi kèm với đó, chủ shop cũng phải chịu khá nhiều rủi ro. Những kiểu khách hàng “củ chuối” mà shop online gặp kể ra phải dài hàng mét.

“Run như cầy sấy” vì sợ rượu, nước hoa bị vỡ

Những món hàng như rượu, nước hoa, vitamin luôn được dân buôn bán hàng online xách tay liệt vào “hàng dễ vỡ” nhất trong khâu vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam.

“Chỉ cần vỡ một vài lọ vitamin, chảy nước sang làm lấm lem các lọ khác, phải bán giảm giá là co như chuyến hàng đó…đi làm từ thiện”, chị Thanh Bình (chủ một shop chuyên bán đồ xách tay tại Hà Nội) than thở.

Đợt này chị Bình đang nhận đặt rượu xách tay cho các cơ quan biếu Tết nguyên đán. “Buôn rượu lãi khủng nhưng mức độ rủi ro cũng khủng không kém. Nếu hàng hạ cánh an toàn, không vỡ chai nào thì ấm cả cái Tết. Ngược lại, nếu chẳng may vỡ chai rượu thì thiệt hại không tính được”, chị Bình cho biết.

Những kiểu khách hàng “củ chuối” nhất quả đất, bất cứ shop hàng xách tay nào cũng kinh hãi

Bán hàng xách tay cho lợi nhuận tốt nhưng không phải là một công việc dễ dàng. Ảnh: NVCC

Chẳng thế, khi hàng được chuyển lên máy bay là chị cảm thấy “run như cầy sấy” trong suốt quãng thời gian chờ nhận hàng. Khó khăn, rủi ro là vậy nhưng không ít lần, chị phải đối mặt với việc khách hàng kỳ kèo, “chê đắt”.

Linh Linh, chủ một shop online chuyên đồ xách tay Malaysia cũng phải thừa nhận bán nước hoa, mỹ phẩm khá rủi ro vì đây là những món hàng cần được “nâng như nâng trứng” trong suốt thời gian vận chuyển.

Trong khi đó, để tiết kiệm chi phí vận chuyển cũng như diện tích thùng hàng, việc nâng niu những món đồ đựng bằng thủy tinh, hộp nhựa này rất khó. Chính vì thế, Linh Linh chỉ nhận xách tay quần áo, giày dép để tránh thiệt hại, bán hàng không công chỉ vì lý do đổ vỡ.

Đặt hàng gấp rồi lặn mất tăm

Theo cảm nhận của Linh Linh, lợi nhuận của việc bán đồ xách tay tốt hơn nhiều so với việc ngồi làm văn phòng 8 tiếng. Kỹ năng marketing, nguồn hàng, người phụ trách tại store ở Malaysia đã có sẵn, đây chính là ưu thế khiến cho Linh nhanh chóng bắt tay vào công việc này.

Thế nhưng, rất nhiều lần, cô gái này muốn lên cơn “tăng xông” vì những kiểu khách hàng “củ chuối nhất quả đất”.

“Làm hàng order tùy khách, nếu sản phẩm có giá trị cao, không trong khả năng chi trả hộ và không thể bán lại cho khách khác nếu chẳng may bị khách “bùng” thì phải đặt cọc 100%. Chỉ có bạn bè thân thiết, khách hàng thường xuyên mới được ưu ái…trả sau”, Linh nói.

Những kiểu khách hàng “củ chuối” nhất quả đất, bất cứ shop hàng xách tay nào cũng kinh hãi

Linh Linh rất thích công việc bán hàng xách tay nhưng nhiều lần căng thẳng vì khách quá "củ chuối". Ảnh: NVCC

Cẩn thận vậy mà Linh vẫn không thể tránh được việc khách hàng thân thiết “chạy làng”. Mặc dù đóng đợt gom hàng sales 70% nhưng khách năn nỉ Linh gom giúp thêm một đôi giày nên cô lại tiếp tục mở đợt gom mới. Linh còn bảo khách lấy thước đo chân mình để chọn size vậy mà khi giày về đến tay, khách vẫn than phiền giày rộng.

“Lại lóc cóc thanh lý giày giúp khách. Khách năn nỉ đặt giúp đôi khác, nghĩ khách quá thích mà đôi giày trước bị rộng nên tôi bỏ hết việc để mua giúp mặc dù lúc đó là 23h đêm.

Vì đúng ngày đầu tiên của đợt sales mới nên mất đúng một tiếng rưỡi chỉ để thanh toán một đôi giày giá 290.000 đồng trong khi một núi đơn hàng khác đuổi đằng sau. Vậy mà đùng một cái, sáng hôm sau khách bất ngờ báo hủy đơn hàng. Nhắn tin cho khách, khách vẫn vô tư “tớ ứ biết đâu!!”, Linh kể lại.

Theo Linh, bảng size của hãng rất cặn kẽ, rõ ràng vì họ khuyến khích mua hàng online. Cả lô hàng đó 50 đôi giày về khách hàng ai cũng đi vừa chân như in, không ai kêu ca phàn nàn.

Chỉ duy nhất khách hàng này hết lần này đến lần khác đặt mua hàng rồi lại kêu không ưng, báo hủy. Linh khẳng định với kiểu khách hàng này thì người bán hàng dù chiều khách đến mấy cũng không thể phục vụ thêm một lần nào nữa!

Lầy lội nợ tiền, thử quần trắng dù “đến tháng”

Linh đã từng gặp kiểu khách hàng nợ rồi lờ tịt cả tháng không trả, phải chạy theo đòi nợ “gãy lưỡi” mới chịu trả lắt nhắt vài trăm ngàn mỗi lần. Có khách thì “lầy lội” đến mức đặt hàng gấp rồi báo “hôm nay mùng 1 âm lịch kiêng xuất tiền, không nhận hàng”.

Những kiểu khách hàng “củ chuối” nhất quả đất, bất cứ shop hàng xách tay nào cũng kinh hãi

“Khách đó kiêng đến tận…mùng 5, bưu tá đến nhà năm lần bảy lượt vẫn không chịu nhận hàng. Khách còn chặn Facebook, tin nhắn. Người bưu tá tìm lại lịch sử giao hàng thì phát hiện vị khách này có “truyền thống” đặt hàng rồi lặn mất tăm”, Linh cho biết.

Trong nhóm bạn bán hàng xách tay Linh chơi cùng, có người bị khách đặt hàng nhưng không nhận chỉ vì “đặt cho vui”. Shop hỏi tại sao không hủy đơn thì khách thản nhiên bảo: “Hủy thì sẽ làm ảnh hưởng đến shop, thà ship hàng đến rồi hủy cho…đỡ thiệt hại” (?!).

“Đồng nghiệp” bán hàng online của Linh từng phải khóc thét, bỏ luôn chiếc quần màu trắng mấy trăm ngàn đồng chỉ vì có khách nữ “đến tháng” vẫn cố thử đồ làm chiếc quần biến thành màu…đỏ lòm.

“Rất may vụ việc được chị chủ shop phát hiện đầu tiên. Nếu bị khách kế tiếp vào shop phát hiện, chụp ảnh lại rồi tung lên mạng xã hội thì hậu quả không thể lường được”, Linh bức xúc.

Theo Em đẹp

bán hàng online

khách hàng

hàng xách tay


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.