Cò bệnh viện: Kiếm tiền trên xác chết

Những người bán hàng rong, xe ôm, y bác sĩ và hàng ngàn bệnh nhân nghèo tại các tỉnh phía Nam đã thở phào nhẹ nhõm khi những ngày giữa tháng 8/2012 vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá một băng nhóm xã hội đen chuyên hành nghề bảo kê tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (đường Hùng Vương, Phường 12, Quận 5). Trong suốt 3 năm ròng rã, hàng ngày nhóm đối tượng này đã bày ra nhiều chiêu trò cướp bóc, lộng hành khu vực.

Những người bán hàng rong, xe ôm, y bác sĩ và hàng ngàn bệnh nhân nghèo tại các tỉnh phía Nam đã thở phào nhẹ nhõm khi những ngày giữa tháng 8/2012 vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá một băng nhóm xã hội đen chuyên hành nghề bảo kê tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (đường Hùng Vương, Phường 12, Quận 5). Trong suốt 3 năm ròng rã, hàng ngày nhóm đối tượng này đã bày ra nhiều chiêu trò cướp bóc, lộng hành khu vực.

"Luật" của giang hồ

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 về bệnh lao và bệnh phổi, là bệnh viện chuyên khoa sâu - đầu ngành, tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân của các tỉnh phía Nam. Với số lượng bệnh nhân thường xuyên vài ngàn người, cùng với gấp đôi gấp ba lần con số ấy là người nhà bệnh nhân thường xuyên ra vào thăm bệnh nên các loại hình dịch vụ ở cổng bệnh viện rất phát triển.

Lực lượng hàng rong bán đủ mọi loại: Từ nước giải khát, bánh kẹo trái cây cho người vào thăm bệnh, hay cung cấp tất cả những vật dụng để chăm sóc bệnh nhân như mùng mền, chiếu, bình thủy... Rồi đội ngũ xe ôm luôn luôn túc trực, thêm "đội quân" bán vé số với lực lượng đông đảo, tổng số không dưới 50 người hàng ngày hàng giờ kiếm sống trong khu vực.

Sau khi ra tù năm 2009, đối tượng Nguyễn Kim Của (SN 1967, ngụ quận Bình Tân) kẻ có 3 tiền án tiền sự nhận thấy đây là mảnh đất "màu mỡ", chọn ngay địa bàn này để xây dựng "đế chế" cho riêng mình. Với hơn 10 đàn em, đều thuộc thành phần bất hảo, Của đã tổ chức đội ngũ "nhân viên" của mình một cách quy củ. Hắn và vợ là Huỳnh Thị Loan (SN 1970) nắm vị trí đầu sỏ, ban ngày cả hai "tránh nắng" trong "đại bản doanh" của chúng là một nhà nghỉ gần bệnh viện. Đêm đêm từ khoảng 2-3h, vợ chồng này mới "vi hành" để thị sát hoạt động của đàn em.

Quyền trực tiếp điều hành hoạt động của băng nhóm, Của giao cho con gái nuôi tên Huỳnh Như (tức "Bé đen", SN 1991, ngụ quận Bình Tân). Tuy là nữ, lại mới hơn 20 tuổi nhưng "uy lực" của Bé "đen" không hề nhỏ. Với những hình xăm vằn vện trên người, điếu thuốc luôn gắn trên môi cùng đôi mắt lạnh buốt như băng, thêm bản tính "nói là làm, đã làm là làm tới", "tiểu cô nương" khiến bất cứ người đàn ông nào đối diện cũng phải e ngại. Nhiệm vụ của Như là hàng ngày dẫn khoảng 4 - 5 đàn em "trấn giữ" ngay cổng bệnh viện. Thị có trách nhiệm "nhắc nhở" những người bán hàng rong, xe ôm ở đây làm "nhiệm vụ".

Vấn đề "sưu thuế" cũng được quy định rất rõ ràng: Những nạn nhân của chúng được lựa chọn hoặc nộp "tiền tươi" 25 - 30 ngàn/ngày, hay nộp "hụt chết" 500 800 ngàn/tháng. Những người nào không nộp "thuế" đầy đủ sẽ lãnh ngay những trận đòn hội đồng để trước là dằn mặt, sau là thị uy với những đối tượng khác. Người "cứng đầu" sẽ bị "trục xuất" ra khỏi cổng bệnh viện nếu không muốn thành tàn phế.

Nhóm đối tượng thứ hai do Vương Sĩ Hùng (SN 1970, ngụ Quận 8) là trưởng nhóm. Nhiệm vụ của y tương đối đơn giản: Sau khi nhóm của Bé đen "tiên phong mở đường" thì nhóm của Hùng chỉ việc đi sau thu tiền. Mà nơi đâu Bé đen đã đi qua thì đảm bảo người nào người nấy răm rắp đóng "thuế". Hơn mười đối tượng của băng nhóm này "sống khỏe" chỉ nhờ số tiền trấn lột của những người bán hàng rong, xe ôm ở đây.

Những "dịch vụ" quái thai

Tuy nhiên đó chỉ mới là lĩnh vực nhỏ trong hoạt động làm ăn của "tập đoàn" "đa ngành" này. Do là bệnh viện chuyên khoa về lao phổi, lại có nhiều bệnh nhân HIV ở giai đoạn cuối nên việc cách ly bệnh nhân ở bệnh viện này được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trong khi đó những người nhà của bệnh nhân ai cũng nóng lòng muốn biết tình trạng bệnh, được gặp mặt, chăm sóc người thân.

Nắm bắt được nhu cầu này, Của đưa ra một gói "dịch vụ tiện ích" là "bảo kê thăm bệnh". Tức là khi người nhà của bệnh nhân muốn vào thăm, chăm sóc người bệnh thì đóng cho chúng 100 ngàn/ngày. Khi nhận được tiền, chúng sẽ gây áp lực tới bảo vệ, điều dưỡng, thậm chí cả bác sĩ để đưa được những thân nhân này vào tới tận giường bệnh.

Nhiều điều dưỡng, y tá của bệnh viện đã bị chúng hăm dọa, thậm chí hành hung ngay tại bệnh viện vì "dám" làm đúng nội quy về thăm nuôi. Đầu năm 2012 một bảo vệ của bệnh viện đã bị đàn em của Của dùng mã tấu chém vào đầu gây thương tích nặng do dám ngăn cản những người của chúng không được vào bệnh viện khi chưa được phép của bác sĩ.

Ngoài dịch vụ "thăm bệnh" kiểu giang hồ, nhóm đối tượng này có có dịch vụ mai táng cũng không kém phần "bá đạo". Khi một bệnh nhân nào đó bệnh nặng qua đời, những đối tượng này sẽ nhảy vào đẩy xe chở xác của bệnh nhân xấu số xuống nhà xác và thu của những người nhà họ giá dịch vụ 400 - 500 ngàn đồng cho một lần "chạm tay".

Sau đó bọn chúng sẽ "chu đáo" sắp xếp cho xe dịch vụ để chuyển xác về quê mai táng với giá cắt cổ. Nếu gia đình nào không đồng ý, chúng sẽ thu tiền dịch vụ "vận chuyển" ra tới cửa với giá 1 triệu đồng. Gia đình nào "cứng đầu" không chịu trả tiền "dịch vụ" vô lý đó thì sẽ khó lòng mang được xác của người thân ra khỏi bệnh viện. Cả chục đối tượng bặm trợn sẵn trong băng nhóm này luôn sẵn sàng ra tay với những người "không biết điều".

Với thủ đoạn trên, từ năm 2009 đến nay, băng nhóm nêu trên là nỗi khiếp sợ hoang mang cho những người bán hàng rong nghèo khổ, những bệnh nhân đang trong cơn trọng bệnh và thân nhân của họ từ những tỉnh xa xôi phải về đây. Ngoài ra chúng còn là nỗi nhức nhối đối với mỗi cán bộ nhân viên của bệnh viện. Tuy vụ việc này đã được báo cáo với cơ quan chức năng địa phương nhưng suốt 3 năm nay tình hình không được cải thiện. Băng nhóm này càng ngày càng lộng hành, khiến nhiều người là nạn nhân của chúng không dám tiếp tục tố cáo.

Ngay khi nhận đơn trình báo và nhận định đây là một băng nhóm tội phạm nghiêm trọng có tổ chức và đặc biệt hung tợn, gây ảnh hưởng sâu sắc tới niềm tin của người dân vào pháp luật, đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những bệnh nhân và người nhà của họ; Đội 2 thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC45, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đã quyết định lập chuyên án triệt phá băng nhóm giang hồ trên.

Sau thời gian theo dõi, thu thập đầy đủ chứng cứ, ngày 15/8 Ban chuyên án quyết định "cất lưới" và tóm gọn 11 đối tượng. Sau khi có thông tin băng nhóm này bị bắt, khoảng hơn 30 nạn nhân của chúng đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan điều tra.
 

Theo PLVN


Bình luận