Cước vận tải nhấp nhổm tăng

Các doanh nghiệp vận tải, taxi, xe đò, xe buýt và các trường dạy lái xe, trung tâm sát hạch đang tính toán đến việc tăng giá cước vận tải, tăng phí học lái xe sau khi cơ quan chức năng thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB).

Các doanh nghiệp vận tải, taxi, xe đò, xe buýt và các trường dạy lái xe, trung tâm sát hạch đang tính toán đến việc tăng giá cước vận tải, tăng phí học lái xe sau khi cơ quan chức năng thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB).

Cước vận tải nhấp nhổm tăng
Một số hợp tác xã xe buýt tại TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT nên xem xét không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe buýt

 

Theo các doanh nghiệp, nếu không tăng giá thì không còn lợi nhuận.

 

Sau tết sẽ tăng cước vận tải

 

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải và dịch vụ du lịch Sài Gòn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), mức thu phí BTĐB đã trở thành gánh nặng cho các xã viên hợp tác xã với 140 xe đò của đơn vị đang hoạt động ở bến xe miền Đông phải đóng 672 triệu đồng/năm phí BTĐB.

 

Trong khi Bộ Giao thông vận tải đã cho giải thể 17 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, nhưng thực tế tại TP.HCM (hiện có sáu trạm thu phí) không có trạm thu phí nào giải thể. Như vậy, ôtô hoạt động ở TP.HCM vẫn phải chịu phí chồng phí: vừa nộp phí cho trạm thu phí vừa nộp phí BTĐB. “Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2013 hợp tác xã sẽ tăng giá vé xe đò” - ông Dũng nhấn mạnh.

Đề nghị không thu phí đối với xe buýt

 

Theo ông Phùng Đăng Hải - tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải nên xem xét không thu phí BTĐB đối với xe buýt. Trước hết là góp phần cùng TP giảm ngân sách TP trợ giá cho xe buýt và để không tăng giá vé xe buýt. Hơn nữa, hiện nay toàn bộ xe buýt đã chịu chi phí khi đi qua các trạm thu phí ở TP.HCM. Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - khẳng định tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền không thu phí đối với rơmooc và nên cho thu phí BTĐB từng tháng vì tháng nào doanh nghiệp duy tu, sửa chữa xe sẽ không nộp phí.

 

Tương tự, ông Lê Đức Thành, giám đốc Công ty Thành Bưởi, cho biết doanh nghiệp hiện phải chịu rất nhiều loại phí khác nhau, nay thêm phí BTĐB nên càng khó khăn hơn. Nhà nước ra quy định thì tất nhiên doanh nghiệp phải đóng, nhưng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì không có cách nào khác là phải điều chỉnh nguồn thu, tức là phải tăng giá cước vận tải.

 

“Từ nay đến Tết Nguyên đán 2013, do giá vé được phụ thu thêm 60% nên chưa cần tăng giá cước. Qua Tết Nguyên đán, doanh nghiệp sẽ có lộ trình tăng giá cước cụ thể để thông báo với hành khách và các đơn vị liên quan” - ông Thành cho biết.

 

Không chỉ xe đò, các hãng taxi cũng đang cân nhắc việc tăng giá cước taxi. Ông Tạ Long Hỷ - giám đốc Hãng taxi Vinasun - ước tính với 4.500 taxi hoạt động mỗi năm phải đóng gần 10 tỉ đồng phí BTĐB khiến doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận.

 

Ông Nguyễn Đỗ Phương, trợ lý chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh, nói Hãng taxi Mai Linh có khoảng 12.000 xe đang hoạt động, tính theo mức phí BTĐB thì mỗi năm Mai Linh sẽ chi thêm 20 tỉ đồng. Hãng Vinasun và Mai Linh khẳng định qua Tết Nguyên đán 2013 sẽ cùng các doanh nghiệp taxi khác bàn về lộ trình tăng cước.

 

Về mức thu phí BTĐB với xe buýt trên 40 chỗ ngồi là 7,1 triệu đồng/xe/năm, ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM, cho rằng như vậy là quá nặng. Theo ông Hải, nếu ngân sách không trợ giá cho xe buýt về phí BTĐB thì nên xem xét cho các doanh nghiệp vận tải xe buýt được tăng giá vé.

 

Bởi vì nộp thêm phí BTĐB trong khi giá vé không tăng hoặc không được trợ giá thì xã viên xe buýt sẽ bị lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Triệu, chủ nhiệm Hợp tác xã xe buýt 19-5, xác định hợp tác xã sẽ có buổi làm việc với các xã viên đang quản 420 xe buýt về quyết định có nên kiến nghị tăng giá vé hay không.

 

Mặc dù chưa tính toán cụ thể sẽ tăng giá cước vận tải hàng hóa nhưng ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng các doanh nghiệp vận tải sẽ thương lượng với chủ hàng để điều chỉnh giá cước vận tải ở mức hợp lý.

 

Trong khi đó theo một số trường đào tạo lái ôtô ở TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải quy định bắt đầu từ năm 2013 các trường phải tăng thời lượng đào tạo lái ôtô số tự động và nay lại có thêm việc nộp phí BTĐB khiến học phí đào tạo lái xe không đủ bù đắp chi phí. Ông Nguyễn Trọng Điệp - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM - thông tin sắp tới nhà trường sẽ bàn bạc điều chỉnh mức học phí lái xe vào thời điểm phù hợp.

 

Kiến nghị... sửa đường

 

Theo ông Vũ Đức Thiệu - hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3 (Q.Tân Phú), nếu lấy lý do nộp phí BTĐB để tăng học phí đào tạo lái xe là điều bất cập vì học phí tăng sẽ gây khó khăn cho người học lái.

 

Do đó, trường kiến nghị Bộ Giao thông vận tải không nên thu phí BTĐB đối với xe tập lái vì xe này chỉ là phương tiện để giảng dạy.

 

Ông Nguyễn Hoàng Long - giám đốc Trung tâm sát hạch Hoàng Gia (huyện Bình Chánh) - cho rằng để giảm gánh nặng cho người học lái ôtô, Bộ Giao thông vận tải nên miễn, giảm phí BTĐB đối với xe tập lái và miễn nộp phí BTĐB đối với xe thi sát hạch (có gắn thiết bị điện tử) do các xe này chỉ hoạt động trong trung tâm sát hạch, không lăn bánh trên đường.

 

Các trường cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét miễn giảm phí đối với các loại xe tập lái, xe thi sát hạch.

 

Ông Lê Đức Thành cũng kiến nghị sau khi thu phí BTĐB, cơ quan nhà nước cần phải đầu tư tốt chất lượng đường sá để các doanh nghiệp đỡ bớt khoản phí... sửa xe. Ông Thành giải thích do quốc lộ 14 và quốc lộ 20 rất xấu nên mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra một số tiền lớn để sửa chữa xe do mặt đường xấu gây ra, trong khi phí BTĐB vẫn phải đóng.

 

Theo Tuổi trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.