Đất Thổ Tang, đầu bảng buôn nông sản Tàu

Không kém cạnh so với các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, từ lâu, chợ Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) còn được biết đến như là “trung tâm phân phối nông sản Tàu”, với phần lớn các loại nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc.

 Không kém cạnh so với các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, từ lâu, chợ Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) còn được biết đến như là “trung tâm phân phối nông sản Tàu”, với phần lớn các loại nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nông sản Tàu ngập chợ

Nằm cạnh quốc lộ 2, cách ngã ba Vĩnh Tường chưa đầy 1km, khu vực chợ Thổ Tang có thể được xem là “trung tâm phân phối nông sản Tàu” lớn nhất vùng. Từ đây, các loại nông sản nhập từ Trung Quốc sẽ được chuyển đi khắp các tỉnh miền núi Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu... và các chợ lớn nhỏ trong vùng.

Ở chộ Thổ Tang, người mua kẻ bán không phải tìm cách đối phó “đổi quốc tịch” cho các mặt hàng nông sản Trung Quốc. Họ bày bán công khai. Những thùng carton khoét lỗ tròn xung quanh chứa toàn hoa quả, nông sản; những bao tải bên ngoài toàn chữ Trung Quốc xếp đầy các kho hàng, tràn ra khắp vỉa hè trên phố ngoài khu vực cổng chợ. Nhiều chỗ, dân buôn còn dựng tạm lều bạt ngay trên vỉa hè làm kho chứa hàng tránh trời mưa, nắng.

4h chiều có mặt tại chợ Thổ Tang, chưa phải lúc cao điểm của hàng về nhưng khu vực ngoài cổng chợ lúc nào cũng nhộp nhịp. Những chuyến xe tải thi nhau bốc dỡ hàng. Các loại nông sản như hành, tỏi, khoai tây, cà rốt, bắp cải... được đóng sẵn vào những bao tải lưới chất đống đầy kho để sẵn sàng chuyển lên xe khi có người tới lấy hàng.

nông sản, Trung Quốc, Thổ Tang, dân buôn, buôn bán, vận chuyển 

Ngay khu ngoài chợ, bất cứ ai đi qua cũng có thể thấy những kho hàng nông sản Trung Quốc mọc lên san sát nhau kéo dài đến nửa km. Kho nào cũng tràn ngập các loại nông sản Trung Quốc.

Bác Nguyễn Văn Trung, xe ôm tại khu vực chợ Thổ Tang, cho biết, đây không phải giờ cao điểm. Phải chờ đến 2h sáng, khu vực quanh chợ gần như không ngủ được bởi tiếng ồn ào của đoàn xe tải nối nhau chở rau, củ, quả từ cửa khẩu về hau đỗ kín đường. Trong khi đó, dân buôn từ khắp các nơi đổ về đây lấy hàng, người đông như phiên chợ ngày Tết.

Theo lời bác Trung, người dân ở đây từ lâu không làm ruộng. Mỗi hộ chỉ kinh doanh duy nhất một mặt hàng, chẳng hạn như chỉ bán khoai tây, bán hành khô hoặc hoa quả... Tuy nhiên, ở khu chợ này loại nào cũng có cả, không thiếu thứ gì: từ củ hành cho tới cọng rau.

Đúng như lời bác xe ôm già, 2h sáng chúng tôi có mặt tại chợ Thổ Tang. Đèn điện, đèn xe máy, ôtô sáng bừng cả khu chợ. Hàng trăm xe tải lớn nhỏ có biển kiểm soát tại Vĩnh Phúc, Lào Cai, Lạng Sơn... chở đủ các loại nông sản Tàu từ cửa khẩu. Xe máy của lái buôn ùn ùn đổ về phía chợ, người mua kẻ bán chen chân nhau để lấy hàng, gây náo nhiệt ồn ào cả một vùng.

nông sản, Trung Quốc, Thổ Tang, dân buôn, buôn bán, vận chuyển 

3-4h sáng - thời điểm được cho là đông nhất, ngoài dân buôn lớn đánh ôtô vài chục tấn về chợ lấy hàng để chuyển lên ngược (các tỉnh miền núi phía Bắc) thì có tới hàng nghìn dân buôn nhỏ lẻ từ khắp các chợ lớn, chợ nhỏ trong tỉnh hay vùng lân cận như thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Phúc Thọ (Hà Nội)... về đây “ăn” hàng. Ít thì một hai tạ, nhiều cả tấn.

Xuất hàng trăm tấn mỗi đêm

Mặc dù khu vực buôn bán nông sản Tàu quanh chợ không lớn nhưng số lượng hàng xuất đi các nơi khác lại không hề nhỏ. Mỗi đêm, tại chợ có đến hàng vài trăm tấn hàng được chuyển về từ cửa khẩu. Ngay sau đó, hàng lại được chuyển ngay sang xe khác để chở đi các tỉnh khác ngay trong đêm.

Một chủ hàng tên Thảo ở khu vực chợ này tiết lộ, tuy không phải là mối lớn nhưng mỗi ngày lượng hàng chị xuất đi khoảng 50 tấn hoa quả, mà mùa này thường chỉ có lê hay đào. Chị Thảo kể rằng, xe ôtô nhập hàng từ cửa khẩu Lạng Sơn, thậm chí chạy sang cả phía bên kia Trung Quốc mua tận gốc cho rẻ rồi chạy thẳng về chợ. Ngay trong đêm, hàng sẽ được xẻ cho dân buôn các vùng.

nông sản, Trung Quốc, Thổ Tang, dân buôn, buôn bán, vận chuyển 

Chị Thảo nói, buôn bán các mặt hàng như khoai tây, tỏi, hành khô, bí... thì phải mất thời gian phân loại nên cần có kho chứa hàng, chứ mấy loại hoa quả chỉ cần dựng bạt ngay trên vỉa hè cũng có thể buôn bán được quanh năm.

Tương tự, theo anh Nguyễn Văn Công, dân trong nghề chuyên đánh hàng từ cửa khẩu Lào Cai về chợ này, thị trấn Thổ Tang có khoảng hơn 500 hộ gia đình làm nghề kinh doanh, buôn bán nông sản. Người dân ở đây thi nhau xây nhà lầu, sắm xe hơi nhờ khu vực này là nơi tập kết đủ các chủng loại hàng hóa tiêu dùng. Các dân buôn ở đây thường lên các tỉnh giáp biên Trung Quốc gom hàng, hoặc nhập lượng lớn qua cửa khẩu rồi gửi theo xe khách, chạy xe tải đánh hàng về chợ. Đặc biệt, có một số các dân buôn có tới 3-5 xe tải chuyên đi đánh hàng, chạy không ngừng nghỉ.

“Hàng về chợ thì nhiều vô kể. Các mặt hàng nông sản như khoai tây, hành, tỏi, cà rốt, cải thảo, bắp cải, táo, lê, đào... đều được nhập từ Trung Quốc. Mỗi đêm, hàng ở chợ xuất đi các tỉnh miền núi, các chợ lân cận quanh vùng phải lên đến vài trăm tấn. Thậm chí, vào những vào đợt Tết Nguyên đán, số lượng hàng đổ về chợ và từ chợ xuất đi còn nhiều gấp đôi, gấp ba lần bây giờ”, anh Công bật mí.

Ghi nhận của PV, hàng nông sản Trung Quốc nhập vào giá rẻ hơn so với hàng nội rất nhiều. Các loại hành, khoai tây, tỏi giá bán buôn chỉ từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Riêng với mặt hàng hoa quả nhiều loại giá còn rẻ hơn, chỉ bằng chưa đầy 1/3 so với thị trường.

Theo chị Thảo, vì là hàng giá rẻ, người dân miền núi ưa chuộng cộng với dân buôn thu được lợi nhuận cao nên khu chợ này từ nhiều năm đã trở thành trung tâm phân phối hàng nông sản Tàu, hoạt động quanh năm suốt tháng không ngừng nghỉ với số lượng hàng đổ về chợ càng ngày càng lớn.

Theo VEF



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.