Khốn khổ đời nhập cư

Hơn 60% số người rời quê hương lên thành phố do không hài lòng với công việc và mức thu nhập ở quê. Họ hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố.

Hơn 60% số người rời quê hương lên thành phố do không hài lòng với công việc và mức thu nhập ở quê. Họ hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố.Việc di cư của người dân gắn với ước mơ “đổi đời” nơi phố thị, nhưng thực tế lại không như mong đợi..

Ly hương vì mưu sinh...

Đôi mắt to đen, với hàng lông mày kẻ đậm hơn mức bình thường cũng không che giấu được đôi mắt thâm quầng của Lê Thị Tuyết, cô công nhân ở xưởng keo của một công ty da giày ở quận 7, TPHCM. Nhìn Tuyết, ít ai nghĩ cô là công nhân.

“Em vừa mới bỏ nghề, đi làm công nhân trở lại để về thăm mẹ. Em nhớ nhà quá...”, cô gái 26 tuổi, quê ở Tiền Giang, thổ lộ. Cái nghề mà Tuyết vừa nghỉ là nhân viên phục vụ ở một quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, TPHCM. Trở về với mức lương 3 triệu đồng/tháng như trước đây là vì Tuyết mong muốn được về quê.

Hai năm lên Sài Gòn xin việc, Tuyết được nhận làm công nhân dán mũ giày cho một công ty giày xuất khẩu. Lương cơ bản chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp độc hại ở xưởng hóa chất khoảng 500.000 đồng nữa. Mỗi ngày, ngoài tám tiếng làm việc, cô tăng ca thêm bốn tiếng và làm việc trong xưởng keo, và số tiền Tuyết nhận thêm là 500.000 đồng. Đổi lại, mỗi ngày đến gần 10 giờ đêm, cô mới được phép ra khỏi công ty.

Do lương thấp, không đủ sống, Tuyết rời nhà máy, sang làm nhân viên phục vụ ở quán nhậu. Công việc mới của Tuyết có thu nhập khá hơn, lại đỡ vất vả. Nhưng, theo lời Tuyết “công việc có nhẹ nhàng hơn, nhưng cô cảm thấy không ổn...”. Sau hơn một tháng làm ở quán, cô đã quay về với xưởng giày cũ.

May mắn hơn Tuyết, 1,19 triệu đồng là số tiền mà Nguyễn Văn Hùng nhận được sau một tuần ròng rã làm phụ hồ ở một công trình ở quận 7, TPHCM. Số tiền này không phải là quá lớn đối với một số người, nhưng đối với Hùng đây là một khoản thu nhập “trong mơ” trước khi vào TPHCM để tìm việc làm.


Hơn ba tháng trước, khi còn ở một làng quê tại Hà Tĩnh, mỗi ngày dù làm việc cật lực Hùng vẫn không thể kiếm hơn 50.000 đồng. Rời bỏ quê nhà vào TPHCM, sau gần một tháng tìm việc, cuối cùng Hùng cũng nhận được việc phụ hồ cho những công trình xây dựng với mức lương khởi điểm 150.000 đồng/ngày. Sau khi thử việc hai tháng, mức lương của Hùng được tăng thêm 20.000 đồng, trung bình mỗi ngày làm việc anh nhận được 170.000 đồng.

Tuyết và Hùng chỉ là hai trong số những người di cư lên thành phố do họ không hài lòng với công việc và mức thu nhập ở quê và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố. Cứ bốn người di cư thì có một người đi do gia đình thiếu đất canh tác hoặc thiếu việc làm hay thất nghiệp lâu năm. Đây là kết quả điều tra mà Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa công bố trong báo cáo “Từ nông thôn ra thành phố, tác động kinh tế xã hội của di cư ở Việt Nam”.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, 37% số người di cư ra thành phố đã tìm được việc làm tốt hơn so với lúc còn ở quê nhà. Và có đến 23,3% người dân phải di cư ra thành phố vì không có việc làm và phương tiện sản xuất (đất đai) ở nơi ở cũ. Số người di cư ra thành phố với mong muốn tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn chiếm đến hơn 60% tổng số mẫu điều tra.

Dữ liệu nghiên cứu được viện thu thập thông qua cuộc điều tra chọn mẫu tại Thái Bình, Tiền Giang (là hai tỉnh có nhiều người di cư ra thành phố), Hà Nội và TPHCM (là hai thành phố đông người nhập cư nhất trong cả nước). Mẫu phân tích của nhóm nghiên cứu bao gồm 1.702 người di cư từ 1.199 hộ gia đình di cư và 671 hộ gia đình không di cư.
Hòa nhập vào đời sống kinh tế đô thị không hề dễ dàng khi hầu hết người nhập cư đều bị “mắc kẹt” trong bẫy đói nghèo do họ chỉ có thể kiếm được công việc làm bấp bênh với thu nhập thấp.

Những giấc mơ khó thành hiện thực

Ước mơ của không ít người trẻ như Tuyết và Hùng là “bám trụ” được ở thành phố sẽ khó thành hiện thực vì cuộc mưu sinh ở phố thị quá gian nan.

Với mức lương tháng 3 triệu đồng, Tuyết phải tính toán kỹ cho chuyến về quê của mình. Tìm bạn ở chung để chia sẻ tiền thuê nhà, Tuyết chỉ phải trả 500.000 đồng/tháng tiền nhà, 100.000 đồng tiền điện nước, 1 triệu đồng tiền nấu ăn chung và tiền ăn sáng (buổi trưa ăn ở công ty). “Dẫu có thiếu thốn, nhưng phải cố gắng để mỗi tháng dành dụm được 400.000 đồng. Đến cuối năm, khi về có ít tiền cho mẹ...”, Tuyết nói.

Cô muốn trở về quê, nhưng về đó rồi làm gì để sống, đến giờ Tuyết chưa trả lời được. Nhưng nếu ở lại, như lời cô tâm sự, “ở Sài Gòn hai năm rồi, cũng đâu có dư được đồng nào”. Trong chiếc bọc nylon đi chợ về của Tuyết chỉ có vỏn vẹn hai miếng đậu hũ chiên, mấy quả cà chua, dăm ba cọng hành ngò, bữa ăn cho ngày Chủ nhật - ngày nghỉ duy nhất của Tuyết trong tuần. Lầm lũi đạp xe ra về, cô chỉ có một mong ước duy nhất là để dành được 1 triệu đồng để mang về quê làm quà Tết cho mẹ.

Tình trạng phát triển không đồng đều, chênh lệch về thu nhập và mức sống là những nhân tố chủ yếu thúc đẩy việc di cư từ nông thôn ra thành thị. Thành phố mang lại các cơ hội việc làm phong phú hơn, cũng như mức thu nhập cao hơn nhiều những gì người di cư có thể kiếm được ở quê nhà. Tuy nhiên để họ hòa nhập vào đời sống kinh tế đô thị không hề dễ dàng khi hầu hết đều bị “mắc kẹt” trong bẫy đói nghèo do họ chỉ có thể kiếm được công việc làm bấp bênh với thu nhập thấp.

Cũng theo Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, công việc có số người di cư tham gia nhiều nhất là làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp (44,6%), lao động chân tay thuê mướn hàng ngày (30,7%), dịch vụ tư nhân (12,6%). Cụ thể đối với nhóm làm việc tại các nhà máy, trên 50% làm việc trong các ngành công nghiệp may mặc và giày dép, máy móc và điện tử chiếm 20%, chế biến thực phẩm và hàng hóa đông lạnh chiếm 10%; số còn lại tham gia sản xuất hàng hóa như đồ nhựa, đồ gỗ, hay sản xuất sơn... Hầu hết công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất là nữ giới.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy trung bình người di cư bắt đầu gửi tiền/hàng hóa về nhà 10 tháng sau khi họ lên thành phố. Vì hầu hết người di cư chỉ có thể tìm được những công việc được trả lương thấp và phải trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố, nên khả năng họ có thể dành dụm và gửi tiền về nhà khá hạn chế. Số tiền trung bình mà họ gửi về nhà lần đầu tiên chỉ là 1,37 triệu đồng.

Câu chuyện của Tuyết và Hùng đã trở nên “nóng hơn” khi dự thảo Luật Thủ đô đang được thảo luận tại Quốc hội muốn kiểm soát và hạn chế việc nhập cư, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Dự thảo Luật Thủ đô quy định chỉ cho phép đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội những người có việc làm ổn định, có ba năm tạm trú tại một nơi, có nhà ở hoặc nhà thuê của tổ chức kinh doanh và có diện tích mặt sàn bình quân tối thiểu 5 mét vuông/người.

Một đại biểu Quốc hội của Hà Nội cho rằng, quy định này giúp giảm bớt khó khăn cho chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng đang quá tải, cũng để đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên ý kiến của vị đại biểu này hoàn toàn trái ngược với kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Theo kết quả điều tra này, người dân ở TPHCM và Hà Nội cho rằng di cư có nhiều tác động tích cực hơn tiêu cực lên nhiều mặt quan trọng của đời sống thành phố như kinh tế, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Theo TBKTSG


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.