Khốn khổ với những gara sửa ô tô “giam xe”, "chặt chém" khách sửa

Không ít trường hợp chủ gara sửa chữa ô tô đã dùng mọi thủ đoạn để móc túi người có xe ô tô

Thay vì xem trọng uy tín, chất lượng để mở rộng hoạt động, không ít trường hợp chủ gara sửa chữa ô tô đã dùng mọi thủ đoạn để móc túi người có xe ô tô không may bị hỏng xe. Câu chuyện của anh Lê Cường, anh Hồng Sơn tại một gara sửa chữa ô tô tại ngay Hà Nội là một ví dụ điển hình về thực trạng nói trên.

Theo chia sẻ của anh Lê Cường, chủ chiếc xe hiệu Kia Caren, chiều tối ngày 29/4/2017, anh đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho chuyến hành trình lễ hội của mình thì thấy cảnh báo áp suất dầu trên bảng đồng hồ và một số cảnh báo lỗi khác khiến xe dừng hoạt động. Ngay sau đó anh này được cứu hộ giao thông giới thiệu đến một gara sửa ô tô có tên M.S, trên đường Giải Phóng, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chiêu giam xe để “đọc lỗi, luộc đồ”

Tại đây thợ xem xe cho biết lỗi thủng lốc máy, sau đó chủ xe yêu cầu thợ kiểm tra kỹ hơn thì được khuyên đêm muộn rồi để xe đến mai, do đi lại nhiều nên anh Lê Cường chấp nhận để xe qua đêm, sáng sớm ra đã thấy thợ tháo máy ra và thông báo là xe bị rách bạc biên và lột dên.

 

Biết rơi vào gara chặt chém, anh Cường yêu cầu thợ sửa lắp lại máy như nguyên trạng. Cãi vã nổ ra, chủ gara yêu cầu trả 8 triệu đồng mới được lắp máy và rút xe ra. Cuối cùng, anh Cường phải trả số tiền hơn 6 triệu đồng.

Cũng cùng hoàn cảnh với anh Lê Cường, anh Huyền Thanh, chủ xe Kia Morning cho biết cuối năm 2016, xe anh này đang chạy trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) thấy ga xe rồ lên nhưng xe không chạy. Ngay sau đó gọi cứu hộ thì được khuyên đến gara M.S tại Giải Phóng, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Sau khi xem xét, thợ báo hỏng và thay thế nhiều thiết bị như lá côn, bàn ép, vòng bi cắt côn T, dầu số, công tháo lắp. phớt láp... với tổng chi phí hơn 4,9 triệu đồng.

Do quá đắt nên anh Thanh yêu cầu lắp trả máy lại về xe. Tuy nhiên, chủ gara yêu cầu anh này trả 2,5 triệu đồng tiền phí cứu hộ và tháo máy, sửa chữa... Anh Thanh cho biết, may sau khi được báo hư hỏng thiết bị, anh đã gọi điện cho 1 số người am hiểu về xe và tự rút xe về, nếu không sẽ dính vào chiêu “chặt chém” những lần tiếp theo nếu thay mới.

Cũng tương tự như hai trường hợp trên, chủ xe tên Hồng Sơn cho biết cũng bị sự cố ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mới đây, sau khi gọi cứu hộ chuyển về gara sáng hôm sau cũng bị chủ gara kêu thợ tháo bung và đọc lỗi xước xi lanh, cong xupap…. đồ thay khó nên phải mất hơn 100 triệu đồng. Không đồng ý, anh này yêu cầu lắp trả lại máy nhưng phía gara bắt trả 10 triệu đồng mọi phí tổn. Thương thảo bất thành, anh Sơn phải trả 5 triệu đồng.

Mất tiền, bực mình là cảm giác chung của rất nhiều người có ô tô khi xe không may hỏng hóc rơi vào những gara chặt chém. Không chỉ mất thời gian, những gara sửa xe không uy tín còn thay mất đồ tốt hoặc lắp những thiết bị không đúng chủng loại, lắp không đúng kỹ thuật để xe vận hành tạm thời, hỏng nhanh, có cơ hội chặt chém lần 2, lần 3.

Thực tế, khi lượng xe hơi phổ biến ở các đô thị và các địa phương thì vấn đề sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng ô tô luôn được người có xe quan tâm hàng đầu, đặc biệt là những người sử dụng xe cũ, xe hết thời kỳ bảo hành, thiết bị nhanh xuống cấp, đòi hỏi liên tục sửa chữa, thay mới.

Lái xe kiêm người sử dụng xe... thông thái!

Theo một chuyên gia về ô tô từng làm việc cho liên doanh Toyota Việt Nam, trục lợi khi sửa xe hiện nay khá dễ dàng như kiểu bốc thuốc đoán bệnh mà không thể mặc cả được. Cách tốt nhất khi xe hỏng là người sử dụng hãy liên lạc với đường dây nóng của hãng, gọi điện cho người có chuyên môn, bạn bè hoặc những cửa hàng quen biết. Không nên giao hoàn toàn chiếc xe cho thợ mà không có bất kỳ cam kết hay khỏa ước nào giữa hai bên.

Cũng theo vị kỹ sư này, đọc vị, ăn tiền là nghề của thợ sửa xe. Nếu chẳng may vào những cửa hàng sửa chữa, gara ô tô chặt chém, mức giá thiết bị có thể thị nâng gấp 2 - 3 lần, phí sửa chữa cũng đắt hơn nhiều lần. Người đi xe nên học thuộc lòng các kỹ thuật xử lý khẩn cấp, có một vài điểm sửa chữa uy tín do bạn bè, người thân hay các hội, nhóm giới thiệu để có bất trắc có thể hỏi địa chỉ hoặc tư vấn sửa xe. Trường hợp xe hư hỏng khi đi du lịch, phượt cũng nên tìm hiểu trước các thông tin trạm sửa xe uy tín hoặc bật 3G liên tục để hỏi thông tin ngay.

 

Như đã phản ánh trước thông tin thị trường ô tô đang nở rộ, trong đó nhiều loại xe cũ đang được chuyển từ các đô thị về địa phương và khu vực nông thôn thì việc sửa chữa xe đang là mánh kiếm bộn tiền của một số đối tượng làm ăn không uy tín. Trong khi đó, các hãng vẫn chủ yếu nhấn mạnh vào khâu bán hàng, điểm bảo dưỡng, bảo hành ở địa phương được mở khá ít, những địa điểm bảo hành, bảo dưỡng tư nhân uy tín hiện nay không phải là nhiều và không phải ai cũng biết.

Một độc giả phản ánh: Tình trạng xe cũ đi qua 3 – 4 đời chủ, có tuổi đời từ những năm 2000, thậm chí 1990 vẫn còn khá nhiều. Những loại xe này, ở nước ngoài thường nằm trong những bãi xe phế liệu, nếu không thì phải vào hãng đại tu, sửa chữa lớn ít nhất 2 lần mới đủ điều kiện chạy tiếp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xe bền là ta cứ đi, đôi khi sửa chữa chắp vá, thay thiết bị đầu cuối không đúng chủng loại cũng khiến chiếc xe hay hỏng vặt.

Sau bài phản ánh về tình trạng nhiều cửa hàng sửa xe chặt chém khách đi ô tô, độc giả Nguyễn Đức Minh đã khuyến cáo: Là đàn ông khi đi sửa xe còn bị bịp nữa là phụ nữ, xe mình Kia Morning lốc điều hòa mới thay mấy tháng nhưng sau đó đi không thấy mát, ra gara thợ kiểm tra xong báo lại hỏng lốc phải thay 9 triệu đồng.

"Hai tuần sau, kế toán ở gara đó là cháu bạn mình gặp lại ở 1 bữa tiệc cưới bảo xe chú hôm đó chỉ thay lọc, bơm ga hết có 2,5 triệu đồng. Luật bất thành văn, cứ việc nhỏ nhưng phóng đại lên để kiếm tiền bẩn gấp mấy chục lần", độc giả này cho biết.

Theo Dân Trí

chặt chém

gara sửa ô tô


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.