Không để “kinh doanh vàng dễ như mua rau”

Tâm lý của người dân Việt Nam vẫn ưa chuộng cất giữ tài sản bằng vàng nên chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại thị trường này.

  Tâm lý của người dân Việt Nam vẫn ưa chuộng cất giữ tài sản bằng vàng nên chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại thị trường này. Nhưng đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia cho rằng, không thể kinh doanh vàng dễ như mua rau, phải quản lý vàng như ngoại hối.

Vàng có sức hấp dẫn đặc biệt với người dân Việt Nam.

Vàng có "sức hấp dẫn đặc biệt" với người dân Việt Nam.


Thị trường vàng vẫn còn hai thách thức

Trao đổi bên hành lang nghị trường mấy ngày qua, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ nghi ngại về việc giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với với giá vàng thế giới.

Báo cáo kiến nghị cử tri do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội cũng cho hay: Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng.

Theo đó, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đặt câu hỏi: “Rào cản gì khiến giá vàng trong - ngoài nước không kéo lại với nhau? Sao sau hơn 20 phiên đấu thầu, khoảng cách chênh lệch giá vàng lại kéo giãn ra?”.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Quản lý thị trường vàng đã đạt được thành công bước đầu, đáp ứng được nhu cầu tất toán hàng chục tấn vàng của các ngân hàng mà không gây sốt giá, rối loạn thị trường, không nảy sinh tình trạng đầu cơ. Song thị trường vàng vẫn còn hai thách thức với cơ quan quản lý là chênh lệch giá vẫn cao và chưa huy động được vàng trong dân.

Còn đại biểu Trần Du Lịch, ông ủng hộ mục tiêu quản lý thị trường vàng thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước là đã “thiết lập trật tự kinh doanh vàng miếng”. Tuy nhiên, đại biểu Lịch quan điểm, vàng miếng là vàng tiền tệ và không thể kinh doanh vàng miếng như kinh doanh rau”. Đại biểu Lịch lưu ý rằng, tâm lý của người dân Việt Nam vẫn ưa chuộng cất giữ tài sản bằng vàng nên chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại thị trường này.

Do đó, theo đại biểu Lịch, “chúng ta cần tính toán lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng và việc đề ra tiêu chuẩn người kinh doanh vàng miếng có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng là không khả thi. Chúng ta cũng không thể dùng biện pháp hành chính chủ quan mà có thể hạn chế được. Khai thông thị trường về cách phân phối và cách quản lý thì giá vàng trong nước sẽ rút ngắn và rút bớt khoảng cách với giá vàng thế giới”.

IMF: Quản lý thị trường vàng nhiều tích cực

Đoàn tham vấn kinh tế vĩ mô thường niên của Qũy Tiền tệ thế giới (IMF) vừa kết thúc chuyến công tác tại Việt Nam. Theo đánh giá của tổ chức này, điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian vừa qua đã đạt những kết quả nhất định.

Cụ thể với thị trường vàng, theo đánh giá từ IMF, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp trên nhiều khía cạnh khác nhau để quản lý thị trường vàng, bao gồm việc loại bỏ vai trò trung gian tiền tệ của vàng để qua đó có thể điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn qua tiền VND, giảm bớt biến động trong khu vực tài chính do tình trạng đầu cơ vàng.

IMF cho rằng, các biện pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước là bước đi quan trọng đầu tiên để tăng cường quản lý thị trường vàng (ví dụ như cấm ngân hàng thương mại cho vay dựa trên tài sản thế chấp bằng vàng) nhằm mục tiêu giảm bớt áp lực trên thị trường ngoại hối và rủi ro cho hệ thống ngân hàng như rủi ro về tín dụng, kỳ hạn, đồng tiền, thanh khoản.

IMF cũng cho rằng, nỗ lực của Chính phủ trong việc dừng việc các ngân hàng huy động vàng để cho vay và các hoạt động đầu cơ khác đã có hiệu quả. Đoàn IMF ủng hộ các biện pháp cấm ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng là vì lợi ích của ổn định tài chính và không thấy trường hợp nào cần rút lại các biện pháp quản lý hành chính đã được thực hiện.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, giá vàng trong thời gian dài đã có những biến tướng gây lộn xộn trên thị trường. Nếu cứ tiếp tục để cho giới đầu cơ sử dụng “sóng vàng” lớn như vậy để đầu cơ thì quỹ dự trữ ngoại tệ của nước ta sẽ “biến mất”. Do đó, Chính phủ bắt buộc phải đưa ra giải pháp chặn đứng chảy máu ngoại tệ. Trong đó, khôi phục dữ trữ ngoại tệ bắt buộc phải có biện pháp ứng xử với vàng và Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc khôi phục dự trữ ngoại tệ gấp 3 lần, khôi phục được uy tín và thanh khoản quốc tế của Việt Nam hiện nay.

“Việc thực hiện chính sách Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã làm giảm mạnh nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng”, TS. Nghĩa nói.

Còn chuyên gia kinh tế - TS.Vũ Đình Ánh thì cho rằng, mục tiêu đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước là cung ứng vàng ra thị trường và để bình ổn thị trường. Trong các phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò là người cung duy nhất vàng miếng ra thị trường.

Và theo đánh giá của chuyên gia này, mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới là trong trung, dài hạn, chứ không phải là trước mắt. Hiện tại, mục tiêu bình ổn thị trường vàng không đặt ra vấn đề giá vàng trong nước khoảng cách bao nhiêu với giá thế giới, mà quan trọng là khi giá vàng tăng hay giảm đều không ảnh hưởng tới tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.