Lỗ hổng chết người trong quản lý mỹ phẩm

Ai cũng có thể sản xuất mỹ phẩm và tự công bố sản phẩm do mình sản xuất, là những lỗ hổng chết người trong quản lý mỹ phẩm, TS Nguyễn Văn Lợi - Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm, nói.

Ai cũng có thể sản xuất mỹ phẩm và tự công bố sản phẩm do mình sản xuất, là những lỗ hổng chết người trong quản lý mỹ phẩm, TS Nguyễn Văn Lợi - Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm, nói.

Ai cũng có thể sản xuất mỹ phẩm

Theo ông Lợi, từ lâu nay đã phân cấp quản lý mỹ phẩm theo từng lĩnh vực. Mỹ phẩm nước ngoài sản xuất, nhập khẩu phải được Cục Quản lý Dược cấp phép, còn sản xuất trong nước đăng ký công bố ở Sở Y tế địa phương. Tuy nhiên, bất cập trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay là cá nhân tự công bố sản phẩm, rồi tự sản xuất mỹ phẩm trong khi theo luật, cơ quan quản lý không khảo sát, thẩm định về cơ sở sản xuất, thành phần cũng như trang thiết bị và năng lực đó được.

Lợi dụng sơ hở này, nhiều cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối đã công bố thành phần sản phẩm mỹ phẩm một đằng nhưng rồi sản xuất một nẻo, không đúng với nội dung đăng ký. “Khi mỹ phẩm này có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng tôi hậu kiểm thì một lượng lớn hàng hóa đã đến tay người tiêu dùng rồi”, ông Lợi cho hay. 

Theo TS Lợi, hiện nay các cơ sở sản xuất mỹ phẩm chỉ đăng ký kinh doanh qua Sở Kế hoạch đầu tư hoặc các quận huyện một cách đơn giản. Sau đó tự công bố sản phẩm rồi đăng ký ở ngành y tế để đưa ra thị trường, ngành y tế chỉ lo hậu kiểm mà thôi.

Theo tìm hiểu của PV, về phân cấp quản lý mặt hàng mỹ phẩm thì Bộ Y tế và Bộ Công thương đều quản lý, trong đó Bộ Y tế quản lý về chất lượng còn Bộ Công Thương quản lý về hàng lậu, hàng rởm...

Ông Lợi cho biết, hằng năm Bộ Y tế vẫn quyết liệt trong quản lý chất lượng mỹ phẩm. Đó là các loại mỹ phẩm trong phạm vi quản lý, có công bố và được cơ quan chức năng cấp phép, còn mỹ phẩm trôi nổi, mỹ phẩm giả thì rất khó kiểm soát về chất lượng mà phải thuộc Quản lý thị trường.

“Mình đang nắm kẻ 'có tóc', nghĩa là kiểm soát những nhà máy sản xuất quy mô, có dây chuyền đạt chuẩn và nhân lực đảm bảo, còn hàng trôi nổi bán ở chợ thì không thể kiểm soát mà cần sự chung tay của Quản lý thị trường”, TS Lợi nói.

Theo ông, mặc dù có cơ sở khi kiểm tra phát hiện mỹ phẩm rởm, yêu cầu rút giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng sau đó họ lại đăng ký kinh doanh với cái tên khác để tiếp tục hoạt động nên rất khó kiểm soát. Vì vậy ông này cho biết rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, quản lý thị trường và lực lượng công an, chứ một mình ngành y tế thì rất khó kiểm soát. 

“Hy vọng trong Luật Đầu tư sửa đổi tới đây, việc kiểm soát mỹ phẩm sẽ tốt hơn khi yêu cầu đưa mỹ phẩm vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện”, TS Lợi nói. Ông cũng cho biết, lúc đó sản xuất mỹ phẩm sẽ bị kiểm tra chặt hơn cả về việc công bố sản phẩm, cơ sở sản xuất, trang thiết bị và trong thành phần sản phẩm có đảm bảo để cấp phép không.

Mỹ phẩm trôi nổi bán đầy chợ Tân Bình, TP HCM.

Mỹ phẩm trôi nổi bán đầy chợ Tân Bình, TP HCM.

Một cán bộ công tác ở Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng TP HCM cho rằng, có hàng loạt người tiêu dùng phản ánh đến Hiệp hội về sử dụng mỹ phẩm giả, nhái gây hậu quả nhưng không thể “làm gì được”. Lý do là hầu hết các mỹ phẩm loại này đều không ghi nhà sản xuất, nhãn mác thì thiếu thông tin hoặc xác định được thì là nhãn mác nhái...nên đành bó tay.

50% mỹ phẩm trên thị trường bị làm giả

Theo thống kê của tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2014, các đơn vị quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 164.804 sản phẩm hóa mỹ phẩm nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc đang được tuồn vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ. Với hình thức, mua nguyên liệu, vỏ hộp từ Lạng Sơn, Trung Quốc về tự sang chiết, đóng gói và tuồn ra thị trường tiêu thụ. 

Cụ thể, tháng 1/2015, đội quản lý thị trường số 11 phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội kiểm tra công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Thiên Kiều ở Hoàng Mai – Hà Nội, phát hiện đơn vị này đang sản xuất mỹ phẩm giả.

Các sản phẩm sữa tắm mang nhãn hiệu Snow White, Laurel không hề có công bố chất lượng, không có giấy phép sản xuất kinh doanh. Khi bị phát hiện, chủ cơ sở khai nhận đơn vị tự mua nguyên liệu về tự pha chế không theo một công thức, quy chuẩn nào cả.

Hay như trước đó, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Bách Phương có địa chỉ ở Đê La Thành, Hà Nội cũng bị phát hiện mua nguyên liệu về sang chiết ra từng hộp nhỏ, và đặt tên là mỹ phẩm Ecolly tuồn bán cho các cơ sở mát xa với giá khá cao. Trên thị trường, sản phẩm cũng được quảng cáo rầm rộ, như sản phẩm được chiết xuất tự nhiên, được chế theo công nghệ Pháp để đánh lừa người tiêu dùng. 

Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, năm 2014 hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. 

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, sẽ rà soát lại thị trường và trả lời báo PV sớm nhất về tình hình sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm hiện nay.

Theo Tiền Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.