‘Luật bán hàng cho Tây’ - câu chuyện buồn về văn hóa bán hàng ‘đội giá’ vẫn chưa có hồi kết

Chiêc bánh rán nếu bán cho người Việt là 2.500 đồng/chiếc, còn nếu khách Tây thì 5.000 đồng

Chiêc bánh rán nếu bán cho người Việt là 2.500 đồng/chiếc, còn nếu khách Tây thì 5.000 đồng. Đó là câu trả lời của bà chủ bán bánh rán trên khu phố cổ Hà Nội. Không khó để nhận ra, câu chuyện "nâng giá" khi bán cho khách nước ngoài vẫn chưa có hồi kết.
‘Luật bán hàng cho Tây’ - câu chuyện buồn về văn hóa bán hàng ‘đội giá’ vẫn chưa có hồi kết

Túi bánh rán với giá 700.000, bát phở trên trời, đánh giày với mức giá bằng mua một đôi giày mới … là những vụ việc từng bị dư luận lên án mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng, đối với du khách nước ngoài thì nên áp dụng một mức giá khác so với người bản địa. 

Tuy nhiên, đó là một khái niệm sai lầm và ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ làm ảnh hưởng tới bộ mặt du lịch thân thiện của Việt Nam.

‘Luật bán hàng cho Tây’ - câu chuyện buồn về văn hóa bán hàng ‘đội giá’ vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 1.

Hai du khách đi 7km phải trả hết 870.000 đồng. Sự việc từng khiến dư luận phẫn nộ vì tính thiếu trung thực của lái xe. Ảnh: Facebook

Mới đây, trên một diễn đàn dành cho những người yêu thích ẩm thực Việt xuất hiện bài chia sẻ của nickname Phương Thảo về sự việc mình trải qua khi mua túi bánh rán cho một người bạn nước ngoài.

Câu chuyện mang tựa đề ‘luật bán hàng cho Tây’ đã thu hút được sự chú ý của số đông cư dân mạng. Có vẻ như, chuyện “chặt chém” du khách nước ngoài luôn là chủ đề nhức nhối.

Trong bài chia sẻ, Phương Thảo viết: “Chiều nay, mình vừa dắt 1 bạn Tây qua hàng bánh rán L.N.Q mua vài cái ăn thử. Lúc mình hỏi giá bác trai bảo bánh mặn 3.000 đồng/cái , bánh ngọt 2.500 đồng/cái. 

Bác gái đang mải rán bánh lúc này mới ngước lên nhìn mình rồi bảo: Người Tây này đi với cháu hả? Mình bảo vâng cháu mua hộ bạn ấy đây ạ. Bác ấy nguýt 1 cái rõ dài rồi buông giọng lạnh lùng:

- Ở đây bán cho Tây là 5.000 đồng/cái, không mua thì đi chỗ khác nhé! 

- Ơ sao lại thế hở bác? 

- Tây tiêu tiền Đô, nhiều tiền thì phải bán giá đó. Cháu không mua thì thôi đừng có vặn vẹo!

- Vậy bây giờ cháu  nói giá với bạn ấy rồi thì sao được ạ? Với cả bạn ấy cũng còn có mỗi 30.000 đồng thôi.

- Thì cháu dịch lại đi.

‘Luật bán hàng cho Tây’ - câu chuyện buồn về văn hóa bán hàng ‘đội giá’ vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 2.

Túi bánh rán có giá "riêng biệt" dành cho khách nước ngoài.

Hành động “nghĩ lợi nhỏ” này đang làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương chân chính khác, cũng như đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Không muốn để lại ấn tượng xấu trong mắt người bạn nước ngoài, bạn Phương Thảo đã “cố gắng” mua túi bánh rán:

“- Vậy thôi giờ bác bán cho cháu nhé. Không mua cho bạn ý nữa. 

Lúc này bác trai đã gói xong bánh và đưa cho mình. Mình vẫn quay sang hỏi lại bác trai là bao nhiêu tiền ạ?

Bác trai lấm lét quay sang nhìn bác gái như kiểu sợ bị ăn chửi. Còn nhìn mình với ánh mắt rất ái ngại.

Nhưng vì lúc đầu trót nói giá với mình rồi nên bác bảo: Của cháu 30.000 đồng/10 cái nhé. Hôm nay bác nể cháu lắm mới bán giá này đấy nhé. Lần sau cháu mà mua cho Tây là phải nói 5.000 đồng đó.

Mặc dù mình mua 6 cái bánh ngọt và 4 cái mặn. Mình cũng không muốn bạn mình biết chuyện này và có ấn tượng không tốt về Việt Nam trước giờ bạn ấy ra sân bay rời khỏi Việt Nam, nên bảo bạn ấy trả tiền và đi thẳng luôn”, bạn Phương Thảo kể lại.

Ngay sau khi bài chia sẻ của Phương Thảo được đăng tải, đã có nhiều bình luận lên án từ phía cư dân mạng về trường hợp nâng giá bán cho khách nước ngoài vẫn còn xảy ra hàng ngày.

‘Luật bán hàng cho Tây’ - câu chuyện buồn về văn hóa bán hàng ‘đội giá’ vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 3.

Nhiều du khách nước ngoài phải "run sợ" trước lời mời chào của nhiều gánh hàng rong. Ảnh: Internet

“Có lần ăn bún riêu trên phố cổ. Chưa bàn về độ chán mà có bạn Tây vào chỉ bát đầy đủ giống mình. Bà chủ quán kêu nhân viên làm cho bát bún riêu đậu không. Bê ra bạn Tây ngớ người nhưng vẫn lặng thinh ngồi ăn. 

Mình hỏi bà chủ quán: Cô ơi bát này bao nhiêu tiền. Bạn ấy muốn ăn bát đẩy đủ giống cháu. Cô ấy kêu bằng tiền bát mình, không quên bồi thêm câu: Tây không biết ăn thịt bò giò chả gì đâu. Cho ăn đậu không thôi. Nghe chán. Ăn xong trước trả tiền cho cả bạn Tây, bạn ấy cảm ơn. Mình đi về và không bao giờ có ý định quay lại quán này”, bạn Hà Hải bình luận.

Trước những trường hợp nhiều nơi bán hàng vẫn còn đội giá khi khách Tây hỏi mua, bạn Minh Hằng đã viết: “Bánh rán Đ.L. bán cho ta 4.000 đồng/cái. Bán cho tây 10.000 đồng/cái. Không hiểu cái tâm lý gian thương của những người bán hàng này, họ nghĩ bịp được Tây hay sao ấy. 

Uh thì cứ cho bịp được 1-2 lần đi. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Hình ảnh dân Việt Nam mến khách chẳng mấy chốc bị bóp vụn bởi những gian thương này”.

Không chỉ riêng gì các du khách nước ngoài dính đòn chặt chém của một số tiểu thương, ngay cả những người dân bản địa cũng nhiều lần “mếu máo” khi rơi vào hoàn cảnh tương tự: 

Chả nói đâu xa ạ. Vợ chồng nhà em dân Hà Nội, nhà ngay H.T.Q. Có lần 2 vợ chồng đi Hạ Long chơi, sáng sớm kéo 2 cái vali ra đợi xe của tàu đón ở N.H.H, gọi 2 bát phở gà và 2 cốc trà đá. Ăn xong chủ quán hét 140.000 đồng, trà nữa là 150.000 đồng.

Choáng váng luôn, nhưng vì lúc đó sáng sớm, lại chuẩn bị khởi hành, không muốn bắt đầu chuyến du lịch bằng 1 vụ cãi nhau về tiền, 2 vợ chồng vẫn trả tiền bình thường. 

Trả xong thì thấy mấy khách khác ra trả toàn 30.000 đồng lúc đó mới chắc chắn rằng mình bị “chém”, có lẽ họ nghĩ mình đẩy vali, không phải người sống ở đây nên chém không thương tiếc! Buồn thay!”, bạn Minh Phương kể về bát phở gà trị giá 70.000 đồng.

Theo SaoStar


chặt chém

phố cổ Hà Nội

chặt chém du khách


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.