Người phụ nữ mở 'con đường tơ lụa' ngàn tỷ ở Ninh Hiệp - Hà Nội

Thật hiếm ở làng quê Việt Nam nào mà phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, ở Ninh Hiệp lâu nay, phụ nữ đóng vai trò kiếm tiền

Thật hiếm ở làng quê Việt Nam nào mà phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, ở Ninh Hiệp lâu nay, phụ nữ đóng vai trò kiếm tiền, còn đàn ông lại là người chăm lo nhà cửa, con cái. Với tài năng, truyền thống lâu đời, phụ nữ ở Ninh Hiệp luôn tự hào vì họ đã tìm ra “con đường tơ lụa” về Việt Nam, làm thay da đổi thịt đời sống của cả xã.

Làng của những nữ thương nhân

Xã Ninh Hiệp có lịch sử hàng nghìn năm, được người ta ví von như một kinh đô mua sắm sầm uất nhất cả nước với chợ vải, chợ thuốc bắc lớn nhất cả nước. Khỏi phải nói, người dân ở đây kiếm tiền rất dễ, số hộ là tỷ phú đếm không xuể. Đến Ninh Hiệp bất cứ lúc nào cũng thấy không khí bận rộn, tấp nập.

Nào là tiếng ôtô, tiếng người gọi nhau xuống hàng, chuyển hàng, tiếng máy may chạy êm ru trong các cửa hàng, ki-ốt. Đâu đâu cũng có vải, vải được người ta bán, chất đống khắp từ ngoài cổng tới chợ. Nhưng điều lạ là các sạp bán vải chỉ thấy phụ nữ, bóng dáng đàn ông gần như không có.

chợ Ninh Hiệp
Vải là mặt hàng nhiều nhất tại đây.

Chị Lê Thị Thanh (thôn 4) cười nói vui vẻ: “Các ông chồng ở nhà trông con, nấu cơm rồi. Thời gian rảnh họ đi chơi gặp bạn bè uống nước, hút thuốc, uống rượu chơi bài. Muốn gặp các ông thì chỉ có hai thời điểm là sáng sớm đưa hàng ra chợ giúp vợ và buổi chiều tối giúp vợ dọn hàng về”.

Trước đây, vào những năm 80 của thế kỷ trước, cả xã chỉ có nghề làm thuốc bắc và hái sen bán. Khi ấy cả phụ nữ và đàn ông đều ra đồng, cùng hái sen để kiếm tiền xây dựng gia đình. Lúc đó, cuộc sống ở đây không nhỉnh hơn những làng quê khác là bao.

Một vị cao niên trong làng cho hay: “Lúc đó làng tôi bình yên như bao làng quê khác. Ngày ngày vợ chồng vui vẻ ra đồng làm việc, trồng dâu nuôi tằm thêm, đến mùa sen thì đi hái sen bán. Đâu như bây giờ, cuộc sống bận rộn chóng hết mặt, có khi cả ngày, vài ngày vợ chồng mới nhìn thấy mặt nhau”.

Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi Nhà nước mở cửa tự do buôn bán, những phụ nữ ở Ninh Hiệp bắt đầu thể hiện được sự nhanh nhạy của mình. Họ sang Trung Quốc tìm nguồn hàng rồi chuyển vải về chợ để bán. Cứ như thế, chợ Ninh Hiệp trở thành chợ đầu mối cung cấp vải Trung Quốc cho cả nước.

Người nọ mách người kia, phụ nữ Ninh Hiệp chuyển dần sang kinh doanh, buôn bán, đàn ông tự rút lui về “hậu trường”, chỉ phục vụ kinh doanh, lo toan việc gia đình. Người đàn ông ở đây chẳng nề hà chuyện để vợ kiếm tiền, công việc đồng áng. Họ chú trọng đảm nhiệm vai trò xã hội trong gia đình, gia tộc, làng xóm hơn là vai trò phát triển kinh tế.

chợ Ninh Hiệp
Xưa kia Ninh Hiệp thuộc tổng Nành đã có nhiều phụ nữ giỏi giang.

Các vị cao niên trong làng cho hay, phụ nữ ở Ninh Hiệp giỏi là do được hưởng gen “di truyền” từ các cụ để lại. Xưa kia Ninh Hiệp thuộc tổng Nành nằm bên dòng sông Thiên Đức có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt lụa. Đây là quê hương của Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Hiển Tôn và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Vợ vua Quang Trung vốn nổi tiếng trong lịch sử tài sắc vẹn toàn.

Việc buôn bán giỏi giang vốn được coi là “thiên bẩm” của phụ nữ Ninh Hiệp. Các bé gái 13 tuổi đã được mẹ cho ra chợ phụ bán hàng, được học kinh doanh. Lớn lên chỉ mười tám đôi mươi đã đủ tài làm chủ một sạp vải lớn ở chợ trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sang (thôn 7) gật gù điếu thuốc nói: “Phụ nữ ở xã tôi thực sự rất đảm đang. Chợ búa, buôn bán, thậm chí quản lý tiền nong cũng rất chuẩn chỉ. Nhà nào cũng xây dựng biệt thự, xe hơi cả. Nhưng tiền thì đều do phụ nữ buôn bán mà ra.

Đàn ông ở xã tôi chỉ ở nhà, uống rượu, hút thuốc, chăm con… nói thật là cũng không có nhiều việc để làm. Thế thôi nhưng truyền thống từ trước tới nay, vẫn không có chuyện các bà vợ lên mặt gì đâu, rất tôn ti trật tự đấy. Nói gì thì nói người phụ nữ ở Ninh Hiệp không chỉ giỏi, đảm đang mà họ còn rất hiền mà mộc mạc”.

"Kiếm tiền cho chồng con, ít quan tâm đến bản thân"

Công việc trong một ngày của người phụ nữ ở chợ vải Ninh Hiệp thường bắt đầu từ sớm tinh mơ. Họ ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng, kết thúc lúc 7 giờ, nếu đông khách có thể đến 9 -10 giờ đêm mới nghỉ. Khi trở về nhà việc của họ chỉ là đưa tiền cho chồng rồi lăn ra ngủ, chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo. Thế người ta mới nói, phụ nữ ở Ninh Hiệp chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền cho chồng cho con, hầu như không quan tâm đến bản thân mình.


chợ Ninh Hiệp
Chỉ cần vài chục nghìn là có thể sắm được một món đồ ở Ninh Hiệp.

Những ngày thường, gần như phụ nữ ở Ninh Hiệp không bao giờ nghỉ chợ. Đơn giản vì tiếc, mỗi ngày họ kiếm vài ba triệu đồng dễ như trở bàn tay. Rất hiếm khi thấy phụ nữ ở đây bỏ một vài ngày đi du lịch, nghỉ mát thậm chí thời gian đi làm đẹp cũng không có. Chị Thắm (chủ một ki - ốt) nhỏ to với chúng tôi: “Nếu ki - ốt lớn mỗi ngày họ lãi cả chục triệu.

Còn nhỏ nhỏ thì 2 - 5 triệu là chuyện thường ngày. Chính vì thế chúng tôi ai cũng cố gắng kiếm tiền khi còn trẻ khỏe, về già bù đắp sau vậy. Nói vậy chứ càng làm càng ham, từ đời bà, đời mẹ rồi sang đời cháu kế tiếp nhau”.

Chuyện phụ nữ ở Ninh Hiệp ra ngoài đi học đại học rồi lại trở về làng bán vải là không hiếm. Chị Thanh là con út, gia đình lại có điều kiện kinh tế đã đầu tư cho chị đi học Đại học Thương mại. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, chị dễ dàng xin được việc ở một công ty khá lớn ở trung tâm Thủ đô. Tuy nhiên, lương tháng chị nhận được cũng chỉ ngót nghét 10 triệu.

So với những phụ nữ khác ở Ninh Hiệp, không học hành, chị Thanh còn thua rất xa. Không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ, chị Thanh lại trở về quê “tiếp nối truyền thống”. Sau ít năm buôn bán, hiện nay vốn liếng của chị Thanh đã có đến vài tỷ đồng.

Chị tâm sự: “Quả thực, nếu để kiếm tiền ở đất này thì không cần phải đi học nhiều làm gì. Nhưng với bản thân mình, đi học vẫn có cái hơn. Về sự nhạy bén thị trường, về khả năng giao tiếp, đặc biệt là tiếng Trung. Mình sang bên Trung Quốc nhập hàng rất chủ động vì có thể giao tiếp được với họ. Việc mua bán thuận lợi, công việc giải quyết nhanh chóng lắm”.

Nhận thấy tiếng Trung có lợi thế đặc biệt với công việc buôn bán, phong trào học tiếng Trung chưa khi nào nở rộ như hiện nay. Thậm chí các em học sinh chuẩn bị lựa chọn chuyên ngành học cho mình đều lựa chọn ngành tiếng Trung, để phòng khi trở về nhà buôn bán.

Cháu Tâm (học sinh lớp 12 trên địa bàn xã) chia sẻ: “Cháu đang học khối C nhưng từ đầu năm đã chuyển sang thi khối D để có cơ hội học ngoại ngữ. Sau này cháu sẽ thi Trường Đại học Hà Nội khoa tiếng Trung hoặc tiếng Hàn. Mục tiêu của cháu đi học không phải là để kiếm việc làm ở Hà Nội mà là lấy kiến thức về địa phương làm ăn buôn bán. Ở xã cháu, có ngoại ngữ là một lợi thế không hề nhỏ”.

Các mặt hàng ở đây được cho là rẻ nhất cả nước, bởi họ mua tận gốc và bán tận ngọn. Người đi chợ Ninh Hiệp chỉ cần mang vài chục nghìn cũng có thể sắm cho mình một món đồ. Mặc cả mua bán cũng hết sức thoáng, trả giá trên trời dưới đất mà không sợ bị phản ứng dữ dội như một số chợ khác.

Phụ nữ Ninh Hiệp được cho là đã tìm ra “con đường tơ lụa” nối từ Trung Quốc về Việt Nam. Để có nguồn hàng tốt, những phụ nữ ở đây phải bay sang tận Chiết Giang, Hàng Châu, Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm nguồn và đánh hàng về. Họ gặp nhau ở chợ Ninh Hiệp hôm nay, mai lại giáp mặt nhau như cơm bữa bên Chiết Giang, Hàng Châu.

Những người buôn bán ở đây cho rằng, họ chọn điểm đầu của “con đường tơ lụa” là Chiết Giang bởi mẫu mã mới nhất trên thế giới đều bắt đầu xuất hiện ở đây. Phụ nữ Ninh Hiệp không chỉ “khám phá” ra “con đường tơ lụa” từ Chiết Giang mà còn mở ra một đường mới từ Hàn Quốc.

chợ Ninh Hiệp
Đàn ông chỉ có nhiệm vụ vận chuyển, dọn dẹp giúp vợ.

Chị Thắm nói: “Khi chúng tôi sang Chiết Giang, Seoul đều được họ hỏi, tại sao toàn thấy đàn bà con gái Việt Nam? Đàn ông đâu mà để phụ nữ phải lặn lội xa xôi thế này. Chúng tôi cười đùa nói, họ còn bận ở nhà cơm nước, chăm sóc con cái”.

Dứt lời chị Thắm nói tiếp: “Nhiều khi đối tác làm ăn có mời chị em ở Ninh Hiệp đi ăn uống, tiệc tùng, thậm chí đi tham quan du lịch dài ngày nhưng ngại không muốn đi. Không phải vì sợ ảnh hưởng đến công việc mà đi ăn chơi thế đôi lúc nghĩ đến chồng con ở nhà lại thấy thương thương”.

Rời khỏi Ninh Hiệp, chúng tôi luôn tự hỏi không biết đến lúc nào những người phụ nữ ở đây mới tự nghỉ một buổi chợ, tự thưởng cho mình và chồng một ngày trọn vẹn?


cửa hàng

chợ Ninh Hiệp

ki ốt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.