Người Việt mua sắm, người Tàu bội thu

“Người Việt Nam có một niềm đam mê mua sắm kỳ lạ”. Với người Việt Nam, dường như niềm đam mê này chẳng hề loại trừ nam, phụ, lão, ấu.

“Người Việt Nam có một niềm đam mê mua sắm kỳ lạ”. Với người Việt Nam, dường như niềm đam mê này chẳng hề loại trừ nam, phụ, lão, ấu.

Có một lần ngồi trò chuyện với Khachonsak, guide người Thái Lan dẫn đoàn Việt Nam, ở một quán cà phê trong trung tâm thương mại Big C Bangkok. Trong lúc chờ đợi đoàn Việt Nam túa đi mua đồ, tôi phàn nàn rằng anh dẫn đoàn nước ngoài đi mà chẳng thuyết trình được câu nào về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, cứ để khách hỏi gì nói nấy, coi như chỉ dẫn khách đi cho khỏi lạc. Khachonsak khẳng định rằng, đối với đoàn khách Việt Nam thì chả cần phải nói gì cả và anh ta cũng áp dụng điều đó nhiều lần rồi mà có thấy khách kêu gì đâu.

Khachonsak giải thích, hồi còn học ở trường đào tạo nghiệp vụ du lịch, trong phần tài liệu hướng dẫn về tâm lý khách hàng, thầy có giảng rằng:

“Thái Lan có 3 nhóm đối tượng khách du lịch chủ yếu. Thứ nhất là khách Trung Quốc, họ không thích mua sắm hay giải trí bằng ăn ngon. Vì vậy, các guide dẫn đoàn khách Trung Quốc chỉ cần chú trọng chăm lo bữa ăn cho họ hoặc dẫn họ đi ăn riêng theo yêu cầu là được.

Đối tượng thứ hai là khách Nga và khách Đức, chỉ thích chơi là chính, họ thích các quán bar, vũ trường hoặc nhảy dù, lướt ván…, tóm lại là các trò giải trí rất Thái Lan.

Còn khách Việt Nam ư? Nhu cầu ăn uống không quan trọng. Giải trí không quan trọng. Mà điều tối cần thiết là shopping.

 

Nên Khachonsak kết luận, cần gì phải nói nhiều, cứ làm thế nào để mỗi khách Việt Nam tiêu hết túi tiền và ra sân bay với một núi hàng hóa là hoàn thành nhiệm vụ.

Niềm đam mê mua sắm của người Việt đã được đưa hẳn vào giáo trình giảng dạy của nước ngoài và là kinh nghiệm gối đầu giường cho mọi hướng dẫn viên tiếng Việt thì ta thật không thể “chối cãi” vào đâu được.

Đã nhiều lần đi cùng các đoàn từ doanh nghiệp, quan chức cao cấp, chủ buôn bán nhỏ lẻ cho đến giáo viên, công nhân, nông dân sang nước ngoài thì đều thấy rằng, sức tiêu thụ hàng hóa của chúng ta thực đáng kinh hoàng. Không chỉ phụ nữ mà ngay cả cánh đàn ông Việt Nam cũng lao vào mua sắm. Họ mua những gì? Thập cẩm.

Từ những vật đắt tiền như vàng ngọc, kim cương, đồng hồ, laptop cho đến những vật rẻ tiền như cái nồi, cái chậu. Từ những vật nhỏ xíu như thỏi son, thẻ nhớ cho đến những thứ khổng lồ như TV, đệm giường, quạt cây. Từ những đồ hữu ích như máy ảnh, điện thoại, dầu gội đầu đến những loại không biết dùng vào đâu như bộ hoa quả giả bằng nhựa hay xe đẩy thức ăn.

Trong số các hoạt động có thể thực hiện được ở một chuyến du lịch thì điều mà hầu hết khách Việt Nam thấy hấp dẫn nhất là shopping. Thậm chí có lần trong chuyến đi Hong Kong, tôi còn gặp ông khách cùng đoàn, là giám đốc một công ty lớn trong Sài Gòn, đang đứng ngơ ngẩn trên một con phố gần khách sạn với bộ mặt hớt hải như mất cắp.

Hỏi lí do làm sao ra đứng đây, ông không thèm nhìn tôi mà dán mắt vào dòng xe xuôi ngược trên đường: “Chết tôi rồi… chưa mua được cái gì đây này”. Thì ra đó là ngày cuối cùng còn ở lại trên đất khách, ông bỏ hết mọi chuyện thăm thú danh lam thắng cảnh để… bắt taxi đi shopping. Tối đó, ông tha về khách sạn một xe đồ, hầu như có thể sắm đủ cho một gia đình mới.

Cái tâm lý “chưa mua được cái gì đây này” ám vào hầu hết người Việt khi đi xa. Chúng ta có nhiều mua nhiều, có ít mua ít, mua cho đến sạch túi thì thôi, cho dù những thứ mua về nhiều khi không biết dùng để làm gì hoặc là những đồ đều có sẵn trong các siêu thị ở nhà. Có người tự lý giải điều này như sau. Người Việt trải qua hàng nửa thế kỷ khan hàng, nay dù đã sống trong cơ chế thị trường, hàng hóa dư thừa vẫn bị ảnh hưởng bởi nếp sống cũ, cứ nhìn thấy hàng hóa là thành phản xạ có điều kiện, thấy cần phải tích trữ.

Tôi cho rằng không phải như vậy. Vì chẳng cứ những người sống vào thời kỳ mua hàng bằng tem phiếu mà ngay cả người trẻ cũng rất thích mua sắm. Có anh phóng viên bên một tờ báo có tiếng của thủ đô vừa đi Pháp về hồ hởi khoe với tôi chuyện shopping. Tôi hỏi anh đã mua được những gì. Anh nói rằng anh mua hàng chục lọ nước hoa, mỗi lọ một loại cho vợ tha hồ dùng đến… hết đời, rồi vô thiên lủng là quần áo, sữa tắm và xà phòng. Tôi nói những thứ đó ở Hà Nội này thiếu gì. Anh bĩu môi “Hàng bên đó khác”.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường kinh tế thế giới thì người Việt Nam là một trong những dân tộc thích mua sắm nhất thế giới và là một trong top 10 quốc gia thích mua hàng theo quảng cáo (chỉ đứng sau Philippines và Brazil). Quả thực, người Việt Nam chúng ta có một niềm đam mê kỳ lạ là thích mua sắm.

Chẳng cần phải lang thang giữa những trung tâm thương mại khổng lồ ở Paris, Tokyo hay Bangkok mà ngay cả khi về quê, thế nào ta cũng phải xách lên theo vài nải chuối, chục trứng gà hay rổ bánh với lý do đồ nhà quê chính gốc ngon hơn. Đi chùa Hương thì ta mua ít măng rừng, đi Hải Phòng ta tạt qua Hưng Yên mua mấy gói bánh đậu xanh, đi miền Trung thế nào về cũng lúc lỉu túi bánh cu đơ và mè xửng. Đi Lạng Sơn hay Móng Cái thì khỏi nói, chỉ thiếu điều mang theo xe chở hàng nữa thôi.

Những thứ mua về thường nằm lưu cữu hàng nằm trời trong thời gian chờ đợi chủ nhân của chúng ngẫm nghĩ xem sẽ nên sử dụng vào việc gì. Đặc điểm này không thấy có ở những đối tượng khách nước ngoài khác. Vì vậy, người Thái Lan và Trung Quốc rất thích khách Việt Nam. Các guide cũng thích nữa vì ngoài tăng nguồn thu chung cho đất nước họ, khách Việt Nam còn tăng thu nhập cho guide.

Khachonsak tiết lộ rằng, guide hướng dẫn đoàn Việt không có lương mà thu nhập của họ dựa trên khoản phần trăm của số tiền khách mua hàng. Trong tổng số 20% - 30% mua hàng mà guide nhận được, sẽ phải trích 1/4 về cho công ty du lịch, 1/4 cho guide Việt đi theo đoàn, còn lại sẽ là phần của guide bản địa.

Có lần tôi đến một công ty du lịch trong nước và thấy họ đang làm việc với một khách hàng muốn đi Thái Lan. Sau khi anh này đi khỏi, cô nhân viên trao đổi với đồng nghiệp đại ý: Anh này là khách quen của công ty và đã đi Thái Lan rồi, mua nhiều lắm, nên phải báo cho phía bên kia biết để họ san sẻ với người khác. Ý rằng người khách này là một con gà béo và guide bên kia phải biết điều, không nên ăn cả một mình.

Số tiền hoa hồng của các guide dẫn đoàn Việt Nam luôn khiến guide của đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc đỏ mặt vì ghen tị. Vì thế, các guide thường có xu hướng dẫn khách vào các cửa hàng nữ trang chứ chẳng bao giờ chỉ cho khách các khu đại hạ giá hay chợ trời. Sau những “cuộc vui đá quý”, khách dè xẻn nhất cũng chi hết 100 USD, khách nào nhiều thì vài ngàn đô là chuyện bình thường. Cộng cả đoàn hai chục người lại thì khoản hoa hồng đủ nuôi sống các guide.

Hầu hết các khách hàng Việt Nam đều được tôn làm “gà béo” nên trong các cửa hàng sang trọng ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và cả một số nước châu Âu, các ông chủ thường tuyển riêng nhân viên người Việt để “tiếp” đoàn. Đặc biệt là khi người Trung Quốc được coi là các thương gia mưu mẹo nhất thế giới, gặp khách Việt Nam được mệnh danh là một trong những dân tộc thích mua sắm nhất trên thế giới.

Thật chẳng khác gì cá hồng gặp biển lớn. Có rất nhiều cửa hàng bán thuốc Đông y hay xưởng sản xuất ngọc trai ở Trung Quốc sinh ra chỉ là để phục vụ khách Việt Nam. Sau khi rời khỏi những tiệm thuốc đông dược với các vị bác sĩ nói tiếng Việt cũng sõi ngang với tiếng Quan Thoại, khách Việt bao giờ cũng hồ hởi ních đầy túi các loại kem và bột trị bách bệnh từ nám da, bỏng nước, đau lưng, mẩn ngứa cho đến trĩ nội, trĩ ngoại. Mỗi hộp kem thần kỳ này đều có giá ít nhất là 5.000 nhân dân tệ.

Chuyến công du gần đây nhất, lúc rời khỏi shop sô cô la với hàng trăm chủng loại để ra sân bay về nước, một chị cùng đoàn tôi tần ngần rút gần chục bó sô cô la ra khỏi túi và nói to:

“Không biết tôi mua đống sô cô la này về để làm gì? Nhà tôi toàn người bị tiểu đường, mỡ máu, cần phải kiêng đồ ngọt. Mấy đứa cháu bình thường cứ đụng đến bánh kẹo là bị cấm. Mà có làm quà cho bạn bè thì thứ phổ thông này siêu thị nào chẳng có. Vậy mà tốn mất hơn trăm đô tiền sô cô la”.

Tất cả đoàn ngồi trên ô tô đều công nhận điều hiển nhiên ấy và thở dài nhìn đống sô cô la chị ấy đang nâng niu trên lòng vì không dám gói chung vào túi xách sợ bẹp mất. Tôi cũng len lén nhìn xuống. Trên lòng tôi cũng có một bọc sô cô la.
 
Theo Thế Giới Điện Ảnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.