Nhà đầu tư ngoại ngày càng "cảm" chứng khoán VN

Thống kê của các sở giao dịch chứng khoán quý I vừa qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang "rủ nhau" quay về thị trường Việt Nam khi tổng giá trị mua ròng luôn ở mức cao, nhiều tổ chức quỹ đang tăng tốc huy động vốn. Điều này khiến thị trường sôi động hơn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.

Thống kê của các sở giao dịch chứng khoán quý I vừa qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang "rủ nhau" quay về thị trường Việt Nam khi tổng giá trị mua ròng luôn ở mức cao, nhiều tổ chức quỹ đang tăng tốc huy động vốn. Điều này khiến thị trường sôi động hơn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.

Vừa qua, một công ty chứng khoán có tiếng tại Nhật Bản (Công ty Daiwa) đã tổ chức một số cuộc hội thảo tại Mỹ nhằm giới thiệu về thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có mời đại diện 5 đơn vị trong nước sang quảng bá về thị trường này.

Thuận lợi nhiều, thách thức cũng lớn

Một trong những đơn vị đi dự hội thảo trên là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Theo ông Lê Hải Trà, người phát ngôn của HOSE, đồng thời là đại diện của cơ quan đi dự hội thảo lần này, nhìn chung các quỹ đầu tư ở Mỹ rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về thị trường của các quỹ vẫn còn hạn chế. Vì thế, ông Trà cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần phải mạnh tay hơn nữa để quảng bá tiềm năng của thị trường.

Ông Trà cho biết, tổng kết lại năm tài chính 2009, nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức hầu như thắng lớn, còn là cá nhân thì nhìn chung cũng không thua. "Điều này cho thấy họ có một chiến lược kinh doanh bài bản, kết quả hiệu năng cao. Các nhà đầu tư nội có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ lối chơi của họ", ông Trà nói.

Nhà đầu tư ngoại ngày càng "cảm" chứng khoán VN

NĐT ngoại đang "rủ nhau" quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM, chuyện các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước là điều tất yếu, không sớm thì muộn cũng diễn ra. Điều này mang đến nhiều thuận lợi cho chứng khoán Việt Nam, như giúp thị trường sôi động hơn và đặc biệt nguồn vốn chảy vào dồi dào hơn, giúp thanh khoản luôn ở mức cao, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường... “Những hiện tượng tiêu cực trên thị trường chứng khoán hầu như ở nước nào cũng có, nhất là tại những thị trường mới nổi như Việt Nam. Tuy nhiên, theo dõi chiến lược chơi của khối ngoại thời gian dài qua cho thấy họ chủ yếu chọn những cổ phiếu “ngon” để chơi và lối “đánh” rất chuyên nghiệp. Thế nên khi nhà đầu tư ngoại tham gia đông thì những nhà đầu tư nội có lối chơi không đàng hoàng, "làm giá" sẽ không còn "cửa chơi". Đây cũng là một tác động tích cực tới thị trường trong nước”, ông Dương nói.

Tuy nhiên, ông Dương khẳng định, cái gì cũng có hai mặt. "Bên cạnh thuận lợi thì khó khăn ở đây được bộc lộ ngay từ lúc Việt Nam đặt bút ký hiệp định WTO”, ông phân tích: "Thị trường Việt Nam còn non trẻ và "béo bở" nên không ai đành lòng để người ngoài nhảy vào “ăn”. Tuy nhiên, nếu cứ sợ thua thiệt thì các nhà đầu tư nội sẽ không khá lên được, vì vậy “chúng ta phải chấp nhận thua thiệt giai đoạn đầu để học hỏi kinh nghiệm và thu hút vốn”.

Một thách thức khác khi khối ngoại tham gia đông vào thị trường trong nước mà tiến sĩ Dương lo ngại là những biến tướng và sự lách luật của khối ngoại nếu có xảy ra thì sẽ rất tinh vi, khó phát hiện, vì vậy các cơ quan chức năng cũng như nhà đầu tư nội cần phải cảnh giác cao độ.

Khối ngoại ngày càng đông

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, tiến sĩ Dương cho rằng, theo phân tích cơ bản, thị trường Việt Nam hiện rất tốt và hấp dẫn khối ngoại, các chỉ số P/S, P/E đều thấp hơn các nước khác, chỉ số kinh tế vĩ mô tốt, GDP cao… Hơn nữa, đây là thị trường mới nổi, các ngành đều mới phát triển được một thời gian ngắn nên mức độ tăng trưởng mạnh, nhà đầu tư có thể kỳ vọng lợi nhuận cao. Thêm vào đó, Việt Nam có nền chính trị ổn định, đây là nền tảng cơ bản để thị trường thu hút vốn và nhà đầu tư.

Đại diện Công ty CP chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam, sau gần hai năm hạn chế đầu tư do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều tổ chức quỹ đang tăng tốc huy động vốn để rót vào thị trường này. 

Mới đây, ngày 23/3, Công ty quản lý quỹ Vietnam Asset Management (VAM) phối hợp với Công ty quản lý quỹ Hong Leong của Malaysia thành lập một quỹ mở để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ này dự kiến trong tháng đầu tiên sẽ huy động được 31 triệu USD nhưng ngay tuần đầu tiên huy động được 40% số vốn dự kiến.

Tiếp đó, Công ty quản lý quỹ Mekong Capital cũng thông báo đang huy động vốn từ các thị trường như Mỹ, châu Âu, châu Á để thành lập quỹ mới đầu tư vào các công ty tư nhân tại Việt Nam với số vốn dự kiến là 150 triệu USD. “Dường như đang có rất nhiều nguồn vốn mới đổ vào Việt Nam thời điểm này. Qua những lần tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, tôi thấy ngay cả nhà đầu tư cá nhân, những người công tác hay du lịch ngắn hạn tại Việt Nam với số vốn nhỏ cũng rất quan tâm tới thị trường nước ta”, vị đại diện HSC nói.

Trong khi đó, ông Trà cho biết, theo thống kê, quý I năm nay tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE đạt khoảng 2.056 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng giá trị mua ròng của khối này trong cả năm 2009.

Còn bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối phân tích và tư vấn đầu tư Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI), đơn vị cũng tham gia hội thảo quảng bá thị trường chứng khoán Việt Nam tại Mỹ vừa qua, nhận định: “Năm 2009, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ bằng 39% GDP, năm 2010 dự kiến tăng lên 50% và tới 2020, quy mô thị trường này sẽ bằng 100% GDP. Đây là cơ hội cho nhiều quỹ đầu tư vì sẽ có nhiều công ty niêm yết, thanh khoản tốt hơn và quy mô thị trường cũng lớn mạnh hơn”.

 Theo Đông Nhiên
Nhà đầu tư ngoại ngày càng "cảm" chứng khoán VN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.