Những sắc màu cổ tức năm 2012

Tháng cuối năm 2012, hàng loạt hội đồng quản trị các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch công bố trả cổ tức năm 2012

Tháng cuối năm 2012, hàng loạt hội đồng quản trị các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch công bố trả cổ tức năm 2012, trong đó, rất đông các doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu và cũng không ít doanh nghiệp trả bằng tiền mặt với tỷ lệ cao.

Những năm trước, việc chi trả cổ tức thường được thống nhất trong kỳ đại hội cổ đông năm sau. Tuy nhiên, năm 2012, thu nhập của nhà đầu tư và cổ đông sụt giảm, nên rất nhiều doanh nghiệp đã trả và lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và một số doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, nhằm “động viên” cổ đông trước khi Tết đến.
 
Nhà đầu tư luôn muốn nhận cổ tức bằng tiền

 

Nhà đầu tư luôn muốn nhận cổ tức bằng tiền 

 

Những doanh nghiệp trả tỷ lệ cao bằng tiền mặt cho cổ đông năm 2012 gồm: CNG (35%), SBC (đợt 1, 20%), NHS (tạm ứng 30%), SDG (30%), DVP (đợt 1, 20%), BHS (tạm ứng 15%), SBT (đợt 1,15%), SEC (tạm ứng 25%), ABT (tạm ứng 15%), HHC (tạm ứng 15%).

 

Đa số các doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao trong năm 2012 là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít đầu tư vào lĩnh vực “tay trái”, ít sử dụng vốn vay ngân hàng, nên chi phí tài chính thấp.

 

Đặc biệt, có một số công ty vẫn trả cổ tức “khủng hơn” năm 2011, điển hình như: Công ty Cổ phần Tổng hợp Gỗ Tân Mai (TMW-UPCoM) chia cổ tức tỷ lệ 20%. Như vậy, với mức giá cổ phiếu TMW ngày 11/12 chỉ là 3.800 đồng, tỷ suất cổ tức tính theo thị giá hiện tại (tỷ lệ cổ tức/thị giá) đạt hơn 52%.

 

Theo chuyên gia của các công ty chứng khoán, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm 1%/năm trong vòng 1-2 tháng tới và giảm thêm nữa trong quý 1/2013, thì những cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức trên thị giá ở mức cao sẽ tăng giá đáng kể.

 

Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã TCT-HOSE) dự kiến trong năm 2012 và 2013, kế hoạch cổ tức 70%, tỷ lệ này được tăng lên thành 80% cho hai năm tiếp theo 2014 và 2015.

 

Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Hà Nội (mã HCI-UPCoM) trả cổ tức năm 2012 là 60%, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công viên Đầm sen (mã DSN-HOSE) cũng đã thông qua việc chi trả cổ tức tạm ứng đợt 2/2012 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% (đợt 1 là 6%).

 

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã ABT-HOSE) đã chi trả cổ tức tiền mặt 3 lần từ đầu năm đến nay, tổng cộng là 60%. Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) dự kiến chia tỷ lệ cổ tức 30% cho năm 2012, khi mà lợi nhuận đạt khoảng 80 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra là 65 tỷ đồng.

 

Trong 3 tháng cuối năm 2012, hàng loạt doanh nghiệp công bố trả cổ tức năm 2011 và 2012 bằng cổ phiếu như Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 4 (mã TV4-HNX) trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, Công ty Cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera (mã TCR-HOSE) trả cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện là 100:6 (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 6 cổ phiếu mới), số lượng cổ phiếu phát hành thêm để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 2.447.587 cổ phiếu.

 

Công ty Cổ phần Sông Đà 9.09 (mã S99-HNX) trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã SCR-HNX) sẽ phát hành 30 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2010 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%. Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC-HOSE) cũng thống nhất phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2011 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%.

 

Trả cổ tức bằng cổ phiếu: đã hết thời?

 

Trả cổ tức bằng cổ phiếu hay trả cổ phiếu thưởng là những hình thức huy động vốn trong ngắn hạn nhằm giảm tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt với mục đích tiết kiệm vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc huy động vốn rất khó khăn và tiền mặt đang khan hiếm.

 

Nhiều doanh nghiệp chỉ chi trả một tỷ lệ cổ tức vừa phải và giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư cho các năm sau hoặc để dự phòng trong trường hợp công ty bị lỗ trong các năm tới và họ sẽ trích lợi nhuận này để chia cho cổ đông.

 

Những doanh nghiệp trả hết lợi nhuận cho cổ đông sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định sẽ không mang lại lợi ích cho cổ đông trong dài hạn bởi vì công ty sẽ thiếu nguồn lực đồng vốn để nắm bắt cơ hội kinh doanh trong năm 2013, khi nền kinh tế đi lên.

 

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem xét thận trọng, doanh nghiệp lấy nguồn lợi nhuận từ đâu để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả mới có nguồn lợi nhuận để chia cổ phiếu, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ không thể có lợi nhuận để chia cổ phiếu nhưng vẫn cứ tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu. 

 

Năm 2012, thị trường lao dốc khá mạnh trong khi tiền mặt khan hiếm nên đa số nhà đầu tư muốn doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2013, nhiều dự đoán cho thấy, thị trường chứng khoán sẽ trong xu thế đi lên, do đó, nhà đầu tư sẽ rất thích được trả bằng cổ phiếu, bởi sẽ bán được với giá cao hơn so với lượng tiền mặt.

 

Khi đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng vào 2 nguồn lợi nhuận là cổ tức và lợi nhuận chênh lệch từ việc bán cổ phiếu. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán suy giảm suốt 2 năm qua, khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá hoàn toàn không có và tài khoản của nhà đầu tư đều suy giảm theo giá cổ phiếu.

 

Do đó, trông đợi vào cổ tức là tâm lý của hầu hết các nhà đầu tư trong mùa đại hội cổ đông năm 2013. Tuy nhiên, rất nhiều công ty niêm yết không có lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông, dự kiến hết năm 2012, sẽ có khoảng 150 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn có lợi nhuận âm và hàng vạn cổ đông sẽ không có cơ hội nhận cổ tức.

 

Theo Hải Bằng

Thời báo Kinh tế Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.