Quản lý thị trường muốn "xuống đường" phạt mũ bảo hiểm giả

Phía công an và Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, không nên đổ gánh nặng, trách nhiệm lên người dân.

  Phía công an và Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, không nên đổ gánh nặng, trách nhiệm lên người dân. Còn Cục Quản lý thị trường đề xuất cùng "đứng chốt" với công an để phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả để đối phó.

Quản lý thị trường muốn xuống đường phạt mũ bảo hiểm giả


Thượng tá Lê Xuân Đức: Không nên đẩy việc xử phạt mũ bảo hiểm này sang người tham gia giao thông hứng chịu (ảnh: BD)
.

Không làm đủ trách nhiệm, đừng lôi dân ra phạt!

Đáp lại những lập luận của phía Cảnh sát giao thông và Ủy ban An toàn Giao thông, ngay lập tức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng chất vấn: Như vậy là thời gian vừa qua, cảnh sát giao thông mới chỉ xử phạt những người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách. Vậy thì có phải những người đội mũ giả bảo hiểm, không phải mũ bảo hiểm được bày bán 20.000-30.000 đồng thì vẫn chưa phạt?

Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Hiệp lập luận, câu chuyện để mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng trôi nổi trên thị trường là của cơ quan chức năng nhà nước, không thể đổ lỗi cho người dân. Người dân khi mua, họ không thể phân biệt được nên không thể xử phạt họ.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, cần phân biệt như thế nào là mũ bảo hiểm, thế nào là không đội mũ bảo hiểm. Các loại mũ dành cho người đi bộ, dành cho đua ngựa, xe đạp… tất nhiên không được tính là mũ bảo hiểm cho người đi xe máy.

Ông cho biết, sau ngày 15/5 (khi Thông tư liên tịch 06/2013 về mũ bảo hiểm có hiệu lực) sẽ kiểm tra chặt chẽ trên diện rộng. 

“Nếu chúng ta không để mũ rởm, mũ nhái không còn tồn tại được trên thị trường thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ không mua đến được, thậm chí đến giữa 2014 sẽ không loại mũ đó nữa thì không cần thiết phải lo lắng quá nhiều việc xử phạt. Cần phải có chính quyền địa phương phường xã. Từ 15/5 mục tiêu số 1 sẽ đánh mạnh vào các địa điểm sản xuất mũ bảo hiểu, đánh tổng thể trên diện rộng, đánh đúng và đánh trúng, chứ không để tình trạng xử lý chỗ này lại sang chỗ khác”.

Thượng tá Lê Xuân Đức, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ, Đường sắt - Bộ Công an cũng cho rằng, không nên đẩy việc xử phạt mũ bảo hiểm này sang người tham gia giao thông hứng chịu. 

Theo ông, luật đã quy định, mỗi người mỗi ngành đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt của mình. Công tác này phải làm từ gốc, nếu làm không tốt từ nơi sản xuất, từ nơi nhập khẩu về thì việc người dân đội mũ kém chất lượng, mũ giả là không có. 

“Nếu cơ quan công quyền làm tốt việc của mình thì không phải đổ đến người dân. Tại sao cứ dồn vào phạt người tham gia giao thông? Cảnh sát giao thông chỉ xử phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng cách, luật đã quy định như vậy rồi. Phải phân định rõ trách nhiệm của từng lực lượng, từng cơ quan nhà nước”, ông Đức chốt lời.

Quản lý thị trường tính chuyện “đứng đường” cùng cảnh sát giao thông

Tại buổi tọa đàm, trước đông đảo thành phần đại biểu tham gia, Phó Cục trưởng Trần Hùng thừa nhận, ngay cả nội bộ cơ quan chức năng cũng còn chưa thống nhất trong xử phạt hay không người đội mũ giả bảo hiểm.

Tỏ rõ bức xúc, ông Hùng nói, sản xuất mũ nhựa giả mũ bảo hiểm là siêu lợi nhuận. Trước đây, từng có rất nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm sản xuất cả mũ giả, mũ thật, mũ thời trang… nhưng sau đó đã từ bỏ phần siêu lợi nhuận kia. Song, nếu vẫn còn cầu tiêu dùng, thì thể nào cung vẫn còn và những nhà sản xuất chân chính sẽ không thể nào chạy đua được.

Một nhà sản xuất tham dự tọa đàm cho biết, những đơn vị sản xuất mũ “dởm” mỗi ngày có thể sản xuất hàng ngàn mũ để tung ra thị trường trong khi những doanh nghiệp như ông, đầu tư máy móc, nhà xưởng, thiết bị, mỗi ngày cũng chỉ sản xuất được vài trăm mũ. Ban đầu khi chiến dịch quét mũ “dỡm” mới được tiến hành thì tình hình trên thị trường có vẻ lắng lại, tình trạng hàng “dởm” đã đỡ hơn. Song được 1-2 tháng, các đơn vị này chuyển qua xin cấp phép. 

“Tôi không biết họ đăng ký bằng cách nào mà giỏi quá. Ngày xưa tôi đi xin một chứng nhận kinh doanh thôi cũng gian nan lắm, thậm chí thử năm lần bảy lượt mà cũng không đạt. Thế mà các doanh nghiệp này chỉ trong hơn 1 tháng thôi mà đã có được giấy chứng nhận. Họ lại bắt đầu sản xuất ào ạt” – vị này bộc bạch. 

Đại diện Quản lý thị trường nói: “Bây giờ cảnh sát giao thông nói không phạt người đội mũ giả thì người tham gia giao thông vẫn cứ đội. Như vậy tôi xin thưa, với tư cách cá nhân, tôi tin rằng, các lực lượng chức năng chúng tôi thực thi kỳ này xác định là không thành công được”.

Ông cũng cho hay, mặc dù không phải là nhiệm vụ của Quản lý thị trường nhưng cơ quan này đã bàn đến việc, tới đây sẽ xin thí điểm  cùng với Cục Đo lường chất lượng, đứng tại các chốt giao thông bên cạnh lực lượng công an giao thông, xác định người đội mũ rởm, mũ giả để phạt. 

Theo ông, không thể nói người dân không phân biệt được đâu là mũ thật, đâu là mũ giả, đâu là mũ bảo hiểm, đâu không phải là mũ bảo hiểm. “Thực ra người ta biết hết mà vẫn đối phó mà thôi!”. 

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.