Ra trường thời khó, sinh viên thất thểu

Nhiều sinh viên ra trường hiện nay đang thất nghiệp 1 tháng, 2 tháng, thậm chí cả năm trời. "Bão" thất nghiệp ập tới khiến không ít cử nhân đành ngậm ngùi cất chiếc bằng đại học vào ngăn tủ để bước sang ngã rẽ khác.

Nhiều sinh viên ra trường hiện nay đang thất nghiệp 1 tháng, 2 tháng, thậm chí cả năm trời. "Bão" thất nghiệp ập tới khiến không ít cử nhân đành ngậm ngùi cất chiếc bằng đại học vào ngăn tủ để bước sang ngã rẽ khác.

Trong căn phòng trọ nhỏ xíu tại Cầu Giấy, Hà Nội, Nguyễn Thanh Phong, cựu sinh viên ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đang ngối gói ghém đồ đạc. Chăm chú nhìn tấm bằng cử nhân đại học hồi lâu, Phong lặng lẽ cất ngay ngắn xuống đáy va li. Chỉ vài ngày nữa, cậu sẽ về quê và tìm cho mình một công việc mà không cần đến tấm bằng này.

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, song, ra trường đã lâu Phong vẫn không xin được việc làm. Hồ sơ gửi đến nhiều công ty cũng không thấy hồi âm. Chán cảnh chờ đợi mòn mỏi, Phong quyết định hùn vốn cùng bạn bè mở công ty riêng chuyên thiết kế phần mềm cho website. Cả nhóm có 10 người, mỗi người góp 10 triệu. Nhưng việc thì ít, trong khi chi phí điện, internet, thuê nhà, thuê tên miền, nhân viên... ngày càng tăng. Số vốn ban đầu bỏ ra cũng dần hao hụt hết. Một năm trôi qua, 3 người trong nhóm đã quyết định về quê kiếm việc khác. Phong cũng là một trong số đó.

"Tốt nghiệp lâu rồi mà vẫn phải xin tiền gia đình hàng tháng, tiền vay bố mẹ để hùn vốn vẫn không thể hoàn trả. Kể cả về quê bây giờ cũng chưa biết xin việc ở đâu, nhưng ít ra còn tiết kiệm được chi phí", Phong chia sẻ.

Không ít doanh nghiệp đăng tuyển nhưng không thể chọn sinh viên vì lý do thiếu kinh nghiệm.

Giống như Phong, hoàn cảnh của Nguyễn Hữu Thanh, tốt nghiệp Học viên Ngân hàng cũng chẳng khá khẩm hơn. Mới ra trường, Thanh được nhận vào làm tại một công ty bất động sản, nhưng chưa đầy hai tháng thì thị trường này đóng băng, công ty gần như ngừng hoạt động. Thanh buộc phải nghỉ việc.

"Ra trường đúng vào thời điểm nền kinh tế khủng hoảng nên tìm việc khó quá, đặc biệt chuyên ngành của mình lại càng khó hơn. Mấy tháng chạy khắp nơi tìm việc mà không được gì, thậm chí còn không có lấy một công ty gọi đến phỏng vấn", Thanh ngậm ngùi.

Để có chi phí trang trải cuộc sống, Thanh đành tạm cất tấm bằng đại học sang một bên và làm lao động phổ thông. Hiện cậu nhận trông quán cà phê của một người quen, một công việc chẳng cần tới bằng cấp, và tất nhiên không liên quan gì đến những kiến thức được học. Vừa trông quán cà phê, cậu vừa tham gia ôn thi cao học, học tiếng Anh với hy vọng bằng cao hơn thì sẽ dễ xin việc hơn.

Doanh nghiệp khó khăn, cơ hội việc làm của những sinh viên mới ra trường cũng bị thu hẹp lại. Không chỉ sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước, cả những sinh viên gắn "mác" du học nước ngoài về cũng không hề dễ dàng khi đi xin việc.

Sinh viên xếp hàng dài để đăng ký ứng tuyển tại các trung tâm giới thiệu việc làm.

Ngọc Lân (Lò Đúc, Hà Nội), từng thi đỗ vào ĐH Kinh tế Quốc dân, sau đó tiếp tục thi được học bổng toàn phần sang Singapore theo học chuyên ngành kinh tế. Nhưng, dù đã tốt nghiệp 3 tháng, Lân vẫn không tìm được một công việc đúng với chuyên ngành tại Hà Nội.

"Giờ mà muốn tìm được một công việc trong ngành tài chính, ngân hàng phải nói là quá khó. Kể cả tốt nghiệp đại học nước ngoài mà thiếu kinh nghiệm, không có quan hệ thì cũng đừng hy vọng. Mình đi phỏng vấn nhiều nơi mà họ cũng chỉ đánh giá mình là tiềm năng và hứa sẽ liên lạc lại khi cần thiết, nhưng sau đó là bặt vô âm tín", Lân chia sẻ.
Vì vậy, sau một thời gian tìm việc không thành, Lân lại quyết định quay trở lại Singapore để xin việc. Theo cậu, xin việc tại Singapore còn có phần dễ hơn. Lân đang tập trung nâng cao trình độ tiếng Trung của mình để có thể xin việc nơi đất khách.

Theo anh Vũ Đức Thắng, chuyên gia tư vấn của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, thời điểm hiện tại có rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, đến đây tìm cơ hội. Tuy nhiên, hầu hết họ đều phải đi làm trái nghề, thậm chí trung tâm có thể tư vấn cho các bạn tìm một công việc lao động phổ thông phù hợp.

"Hầu hết các ứng cử viên đến đây chỉ đáp ứng được ở mức trung bình so với yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Nhiều em chưa xác định được khả năng của bản thân, không ít còn có những mong muốn xa rời thực tế. Do đó, dù các công ty đến tuyển chọn nhân viên khá nhiều nhưng số lượng lao động trúng tuyển vẫn chưa cao", anh Thắng nhận xét.

Theo VEF



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.