Tã, khăn, giấy vệ sinh: Ổ bệnh tràn ngập thị trường

Sự kiện một lượng lớn băng vệ sinh Kotex bị thu hồi đã dấy lên những lo ngại về sự mất vệ sinh của khăn lạnh, giấy vệ sinh... ở Việt Nam.

Sự kiện một lượng lớn băng vệ sinh Kotex bị thu hồi đã dấy lên những lo ngại về sự mất vệ sinh của khăn lạnh, giấy vệ sinh... ở Việt Nam.

Băng vệ sinh Kotex nhiễm khuẩn


Mới đây, Tập đoàn Kimberly-Clark, chủ sở hữu của thương hiệu Kotex, đã phát đi thông báo khẩn tới người tiêu dùng do một lô hàng lớn không đạt tiêu chuẩn, chất lượng của họ đang được tiêu thụ trên thị trường. Theo Kimberly-Clark,16.000 hộp băng vệ sinh dạng ống hiệu Kotex Natural Balance Security Tampons - Bảo vệ cân bằng tự nhiên đã không đủ chất lượng để qua khâu kiểm tra cuối nên được gửi đến một công ty khác ở Oklahoma, Mỹ để thiêu hủy. Song lô hàng này đã bị đánh cắp và bán cho người tiêu dùng.

Kimberly-Clark khuyến cáo số băng vệ sinh dạng ống này không được tiệt trùng hoàn toàn, sản xuất chưa hoàn chỉnh, chứa cả các hạt kim loại. Do đó, các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của loại băng vệ sinh này là rất cao.

Trước đó, vào tháng 10/2011, hãng Kimberly Clark đã thu hồi khoảng 1.400 băng vệ sinh dạng ống Kotex bán tại Mỹ vì lo ngại chúng có thể bị nhiễm khuẩn. Các loại băng vệ sinh này bị thu hồi sau khi hãng thực hiện xét nghiệm khuẩn Enterobacter sakazakii, loại vi khuẩn có thể gây ra vấn đề sức khỏe bao gồm nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm vùng chậu hay các nhiễm trùng nghiêm trọng khác.


Tại Việt Nam, băng vệ sinh dạng ống Kotex nhập khẩu được bày bán rộng rãi từ năm 2007. Dù giá thành cao hơn các loại khác nhưng loại hàng băng vệ sinh dạng ống Kotex bán khá chạy do tiện lợi với người tiêu dùng.
Vụ việc trên làm nhiều người giật mình lo lắng về sự mất vệ sinh của khăn giấy, tã bỉm ở Việt Nam

Công nghệ "siêu bẩn" làm khăn lạnh


Vào quán bia, nhà hàng, lau mặt bằng những chiếc khăn mát lạnh thoảng mùi thơm sẽ khiến mọi người thực sự dễ chịu. Nhưng thực khách sẽ phát hoảng khi biết rằng để làm ra những chiếc khăn thơm phức ấy là cả một quy trình siêu bẩn.

Những chiếc khăn sau khi được thực khách sử dụng, được dùng để lau đủ thứ dơ bẩn như bàn ghế, xoong nồi, sau đó sẽ được thu gom lại. Một số quán ăn, nhà hàng sẽ tái sinh khăn bẩn này bằng cách tập kết rồi vận chuyển đến các đại lý làm khăn để khử trùng. Sau khi khử trùng bằng cách nấu chín, khăn sẽ được ngâm lại bằng nước pha chất formol, để tránh khăn bị thối và hôi khi để lâu. Để tạo mùi thơm, các loại khăn lạnh sẽ được tẩm hương liệu rồi đóng gói mà không qua công đoạn xử lý triệt khuẩn.

Hoặc có nhà hàng sau khi luộc khăn đã qua sử dụng, họ pha nước lạnh với nước javel tẩy trắng sau đó lần lượt ngâm vào nước tẩy. Sau đó, khăn được lấy ra giặt lại bằng nước rửa chén để tẩy những vết bám mà nước javel không đánh bật được, rồi giặt lại khăn và ngâm với hương liệu được mua ở chợ trước khi đóng vào bao bì.
Công nghệ “siêu bẩn” làm khăn lạnh (Ảnh: Khoa học và Đời sống)

Theo các chuyên gia, việc dùng formol tẩy khăn là khó chấp nhận. Bởi formol là chất rất độc, dạng hơi hòa tan trong nước, thường sử dụng chất này để bảo quản xác chết để nhằm chống lại các vi khuẩn xâm nhập. Bản thân người sản xuất khăn sẽ bị độc hại và người sử dụng cũng có thể bị ngộ độc nếu hít phải chiếc khăn bị tẩm nhiều phoóc môn. Vì vậy, không nên sử dụng chất này trong sản xuất khăn lạnh khi những chiếc khăn lại trực tiếp được lau lên miệng, mặt khách hàng.

Các loại hóa chất tạo hương liệu hiện nay được các cơ sở sản xuất khăn tìm mua rất khó kiểm soát. Đa số trong đó là những sản phẩm này là hóa chất công nghiệp, không rõ nguồn gốc. Về nguyên tắc, những loại hóa chất này không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và các sản phẩm phục vụ nhu cầu này. Các hóa chất sử dụng quá nồng độ cho phép đều gây kích ứng cho da Với bất kể hóa chất nào, quá nồng độ đều có ảnh hưởng xấu đối với da. Nhiều trường hợp trẻ em bị viêm da do sử dụng tã lót có ngâm hóa chất tẩy.

Mất vệ sinh với... giấy vệ sinh

Hiện nay, một số quán ăn vẫn dùng các giấy cuộn vệ sinh làm giấy ăn cho thực khách. Nhiều quán tiết kiệm còn mua loại giấy vệ sinh kém chất lượng màu xám, nâu hoặc màu trắng nhưng mặt giấy nhám, loang lổ tạp chất để cho thực khách sử dụng. Nhiều gia đình cũng có thói quen sử dụng giấy vệ sinh để lau chùi cơ thể, xì mũi cho con. Theo các chuyên gia, thói quen này rất nguy hiểm cho sức khoẻ.

Giấy vệ sinh chủ yếu làm từ nguồn giấy phế phẩm, khác với giấy ăn sử dụng nguyên liệu lấy từ các nguồn gỗ, trúc, các loại cỏ... Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ do không đủ máy móc, lại tiết kiệm chi phí nên bỏ bớt các bước tẩy mực làm sạch, hoặc dùng các hoá chất độc hại để tẩy trắng. Họ sẽ thu gom giấy phế liệu đem ngâm, quấy thành bột. Sau đó, pha các hoá chất và phụ gia như phèn, nhựa thông, phẩm màu, xút... để tẩy trắng. Sau đó, thứ hỗn hợp kia được cho vào đun nấu, đổ ra khuôn ép và sấy khô thành giấy ăn nơi các quán phở, quán nhậu hay dùng...

Theo TS. Vũ Quốc Bảo, tổng thư ký hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, cách làm trên khiến giấy thành phẩm còn lẫn nhiều tạp chất, vi khuẩn, trong đó có các hoá chất gây hại. Khi sản xuất, các chất thơm và phenol có trong quá trình sản xuất giấy bị clo hoá, tạo ra chất Policlobiphenyl, rất độc hại với sức khoẻ con người.

Các bác sĩ da liễu cho hay, khăn lạnh mất vệ sinh và các loại giấy ăn kể trên là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh ngoài da sinh sôi phát triển. Dùng khăn ướp lạnh tái sử dụng tại các hàng quán ăn để lau mặt là một trong những nguyên nhân gây lở rộp môi do virus herpes. Thậm chí nếu các cơ sở sản xuất cho vào giấy các loại hoá chất chống ẩm mốc thì rất có thể người dùng sẽ bị ung thư...

Theo VEF


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.