Taxi, vận tải lên phương án tăng giá

Các doanh nghiệp vận tải khẳng định sẽ nâng cước phí, chứ không thể đổ xăng theo mức mới mà vẫn bán vé cũ.

Các doanh nghiệp vận tải khẳng định sẽ nâng cước phí, chứ không thể đổ xăng theo mức mới mà vẫn bán vé cũ. Taxi cũng đang cân nhắc điều chỉnh, sau khi xăng tăng kỷ lục lên 24.580 đồng một lít kể từ tối 28/3.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình cho biết rất "sốc" trước thông tin tăng giá xăng ngày hôm qua. "Hiệp hội nhận nhiều cuộc gọi từ doanh nghiệp. Họ cũng rất bất ngờ vì đang trong tình cảnh khó khăn, nay giá xăng lại điều chỉnh càng đẩy mọi người vào thế bí. 3 tháng đầu năm, lượng khách giảm 40% so với năm ngoái", ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, một năm qua, giá xăng tăng tổng cộng 3.280 đồng một lít. Trong khi đó, giá taxi mới tăng 800-1.000 đồng một km. Kể từ hôm nay, cứ 200 km, mỗi chiếc taxi phải bù thêm 2,5 triệu đồng chi phí xăng xe.

Giới kinh doanh vận tải điêu đứng theo giá xăng. Ảnh: Kiên Cường
Giới kinh doanh vận tải điêu đứng theo giá xăng. Ảnh: Kiên Cường

Đại diện cho hơn 100 hãng taxi, ông Bình dự kiến giá cước mới phải lên 600-1.000 đồng mới bù đắp được phần nào mức tăng của giá xăng. Doanh nghiệp sẽ yết giá mới trong thời gian nhanh nhất, vì giá xăng đợt này đột ngột tăng tới gần 1.500 đồng mỗi lít.

Lo lắng những phản ứng tiêu cực từ phía lái xe, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất 3 giải pháp. Các doanh nghiệp được trợ giá 30.000 đồng - 50.000 đồng một ngày; hoặc tăng mức chiết khấu phần trăm doanh thu thêm từ 3% đến 5% cho mỗi lái xe bắt đầu từ hôm nay. Tiếp đến, doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí một cách triệt để, như giảm vật tư, tăng số km chạy, giảm số km rỗng...

Tương tự, ông Đinh Văn Sáu - Chủ tịch HĐQT hãng taxi Hương Lúa cho biết doanh nghiệp chưa có dự kiến tăng giá, nhưng sẽ cân nhắc tăng mỗi km lên 600 - 1.000 đồng.

Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Tạ Long Hỷ khẳng định từ hôm qua đến nay cũng nhận được một số phản hồi của doanh nghiệp trong hiệp hội, có hãng muốn tăng chút ít, có hãng không. 'Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị nào quyết định tăng giá, chúng tôi cũng vận động họ ráng chịu đựng trong thời điểm khó khăn này", ông Hỷ nói.

Còn đại diện Vinasun khẳng định xăng đang ở mức cao ngất ngưỡng và theo tính toán đây là lúc phải tăng cước taxi vì lần trước giá nhiên liệu lên, taxi đã "cắn răng" không lên theo. "Ban lãnh đạo đã phải đau đầu tính toán từ tối hôm qua đến nay, cuối cùng để chia sẻ với khách hàng, Vinasun không tăng cước", đại diện hãng cam kết.

Để hỗ trợ anh em tài xế, Vinasun cũng đưa ra chế độ hỗ trợ, tài xế nào chạy hơn 140 km một ngày sẽ được thêm tiền từ 8.000 đến 12.000 đồng một ca. Ông Võ Thanh Tùng, chủ Happy Taxi cho rằng giá xăng đang chiếm 35% chi phí giá cước nên khi biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

"Ngoài các chi phí bảo hiểm cầu đường, tai nạn, phí báo trì đường bộ... nay chúng tôi phải gánh thêm xăng, không tăng giá cũng khó khăn nhưng các doanh nghiệp lớn án binh bất động thì mình cũng theo", ông Tùng chia sẻ.

Không chỉ taxi, các doanh nghiệp vận tải cũng đứng ngồi không yên. "Chắc chắn là phải tăng giá vận tải lên. Giá dầu tăng 100-200 đồng còn chịu đựng được, nhưng mà giá tăng lên tới 1.400 đồng, kỷ lục đấy, thì vượt quá sức rồi. Đây là tình trạng chung, mập mờ về cơ chế điều hành giá xăng dầu, giảm thì nhỏ giọt mà tăng thì đột biến. Cái đấy rõ ràng là ai cũng nhìn thấy", Phó tổng giám đốc một công ty vận tải ở Hà Nội cho biết bức xúc.

Vị này cho biết, hiện, doanh nghiệp đang có khoảng vài trăm xe, trong đó, có 20% là xe chạy xăng, tương đương 50 đến 60 xe. Mỗi tháng, với giá xăng tăng thêm 1.400 đồng, chi phí vào giá thành sẽ tăng thêm khoảng 8%, tương đương vài trăm triệu và nếu tính riêng cho các xe chạy xăng thì chi phí là rất lớn, lỗ luôn chứ không có lãi.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó giám đốc chi nhánh TP HCM Công ty Vận tải và thương mại Vitranimex, doanh nghiệp vẫn tính toán lại để đưa ra các phương ra các phương án cụ thể.

"Xăng lên là cước sẽ lên. Chúng tôi ký hợp đồng với khách hàng dài hạn, trong đó nêu rõ nếu nhiên liệu tăng thì giá tăng theo, tương tự với việc nhiên liệu giảm. Đơn giá cước vận tải được thay đổi tương ứng với thời điểm xăng biến động", ông Trần Việt Hùng, Quản lý mảng vận tải của Công ty Công Thành phân tích.

Theo Vnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.