Tiểu thương bỏ kinh doanh đi đòi nợ

Hồ Chí Minh đều chưa mặn mà với việc nhập hàng. Điều họ lo nhất hiện nay là đi thu nợ tồn đọng rồi mới tính toán vụ kinh doanh tiếp.

  Mùa kinh doanh Tết đã đến nhưng đa số tiểu thương ở TP. Hồ Chí Minh đều chưa mặn mà với việc nhập hàng. Điều họ lo nhất hiện nay là đi thu nợ tồn đọng rồi mới tính toán vụ kinh doanh tiếp.

Không cho nợ tiền hàng Tết
 
Khác với mọi năm, năm nay các tiểu thương đều sốt sắng thu hồi nợ đọng từ các bạn hàng mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên Đán. Nhiều người còn khẳng định thu được công nợ mới chắc mình lời lỗ thế nào mới có kế hoạch cho chuyện phân phối hàng Tết.
 
Đối với thị trường Tết, mặt hàng quần áo, dù được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và lượng tiền mặt để chuẩn bị nhập hàng là rất nhiều. Vì thế các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này đang rốt ráo thu gom tiền bạn hàng, mặc dù công việc này mọi năm sẽ chờ đến những ngày cận Tết. Tuy nhiên năm nay nhiều tiểu thương cho rằng với thị trường đang khó khăn và việc doanh thu của các chợ lẻ, các shop không được kỳ vọng lắm nên cần phải thu hồi nợ sớm để chủ động hơn.
 
Chị Nga, chủ sạp quần áo  ở Chợ Tân Bình, cho hay: “Năm nay buôn bán không khấm khá là mấy, DN phá sản nhiều nên nguy cơ tiểu thương cũng khốn đốn theo. Hàng tại sạp này phân phối, ký gửi ở các tỉnh còn nhiều. Tuy nhiên nguy cơ vỡ nợ, bể hụi của các mối là rất lớn vì vậy cần phải gom tiền sớm cho chắc ăn. Kể cả những bạn hàng lâu năm nếu muốn nhập hàng mới cũng cần phải thanh toán nợ cũ mới xuất hàng".
 
Ngoài việc nghe ngóng thông tin từ các chợ, các bạn hàng thân thiết thì các tiểu thương còn cắt người xuống tận khu vực kinh doanh của các đại lý nhỏ, các chợ nhỏ, thậm chí là các tỉnh để xem xét tình hình thu tiền về trước. Thậm chí nhiều chủ hàng còn thông báo nếu không thu được tiền thì gom hàng cấn nợ về phân phối lại cho mối khác.
 
Chị Hồng có hơn 5 tỷ đồng tiền hàng đang nằm rải các chợ, shop, mới thu về gần 1 tỷ đồng, chị Hồng (Chợ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp). Chị cho biết, chỉ còn 3 tuần nữa là sẽ nhập hàng Tết về phân phối, vì vậy cần phải thu gấp ít nhất 2 tỷ đồng để phòng trường hợp bất trắc. Như mọi năm các chợ lẻ kinh doanh tốt thì việc thu tiền về rất nhanh nhưng năm nay tình hình kinh doanh dậm chân tại chỗ nên tiền mặt cần phải chuẩn bị từ sớm.
 


Cũng là chủ sạp khá lớn với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi ngày, bà Lê, chủ cửa hàng giày dép chợ An Đông, nói: "Tình hình kinh doanh cũng chưa đến giai đoạn bận rộn nhưng cũng cần phải ra chợ ngồi không bữa nào dám vắng mặt. Thấy mình thì mối mới chịu trả tiền, vắng một cái, họ viện cớ không gặp mặt chủ, không chịu trả tiền là lại mất thêm thời gian".
 
Mọi năm việc thu hồi nợ, tiền hàng từ  các mối được để dồn đến cận Tết, tuy nhiên năm nay mọi việc được các tiểu thương giải quyết sớm hơn. Việc thu nợ đã không còn dễ dàng như những năm trước vì thị trường Tết không được kỳ vọng như là sự cứu cánh cho kinh doanh ở chợ.
 
Lo vỡ nợ mất vốn
 
Việc các tiểu thương vỡ nợ hay sang tên các cửa hàng vì kinh doanh không tốt là chuyện rất dễ xảy ra. Trong khi việc thu tiền vẫn đang được xúc tiến thì các tiểu thương tại các chợ đầu mối luôn phải theo sát tình hình thông tin tại các chợ lẻ. Lo ngại việc các mối mất tích cùng tiền nợ; những tin đồn về vỡ nợ, vỡ hụi, phá sản, sang tên cửa hàng đều được cập nhật liên tục.
 
Thời gian này, điện thoại của ông Năm, chủ sạp vải ở chợ An Đông, luôn nóng máy. Nóng máy không phải ông bán chạy hàng mà là ông liên tục gọi đến các mối đòi nợ và các mối gọi đến khất nợ.
 
Ông Năm cho biết, năm nay tình hình hoạt động kinh ở các chợ  nhỏ và cửa hàng vẫn chưa sáng sủa. Khối lượng hàng bán ra giảm 30-40% so với các năm trước mà tỷ lệ khất nợ cũng tăng lên đáng kể. Vì vậy, lời lãi chẳng được là bao mà khách hàng năm nay lại “chăm” mua chịu. Có nhiều khách hàng, mua hàng chỉ có vài chục triệu mà nợ từ tháng này qua tháng khác. Những khách hàng ở trong TP, còn đến tận nơi đòi được chứ như khách hàng ở các tỉnh thì rất khó. Nếu khó khăn quá có nguy cơ họ đóng cửa và “bốc hơi” luôn. Nên những tin đồn về việc phá sản, vỡ nợ luôn ám ảnh các tiểu thương ở chợ đầu mối.
 
Không riêng gì năm nay, cứ vào thời  điểm này mỗi lời đồn cũng làm chị Nga nhấp nhỏm. Tuần trước nghe bạn hàng xôn xao bà Hải ở quận Tân Bình sang tên cửa hàng cho người khác, tối đó chị Nga đến tận nơi. Nhìn thấy bà vẫn đứng mời chào khách, dò hỏi hàng xóm về cửa hàng này chưa treo bảng sang tiệm lần nào, chị mới về. Nhưng để cho chắc ăn, chị cho người đến thu tiền nợ mỗi ngày cho bằng hết, chỉ còn hơn 5 triệu mới an tâm đôi chút.
 
Để theo sát được thông tin, hầu hết các tiểu thương đều phải xây dựng mạng lưới thông tin từ các bạn hàng ở hầu khắp các chợ. Trong mạng lưới thông tin của mình, chủ sạp sỉ luôn nắm rất rõ mối quan hệ bà con, thân thuộc, các dây nhợ cột chặt giữa những sạp với nhau, dù chợ ở tận các tỉnh, huyện vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay vẫn khó có thể lường trước được điều gì.
 
Tình hình kinh doanh trong cả năm còn nhiều khó khăn nên việc kinh doanh dịp cuối năm vẫn chưa được các chủ hàng, tiểu thương xúc tiến mạnh. Lý do tiểu thương các chợ cũng phải lo cân đối việc thu hồi, thanh toán công nợ gối đầu với đối tác, bạn hàng. Hiện tại các tiểu thương trên địa bàn TP.HCM vẫn tìm cách thu hồi nợ đọng để giải quyết áp lực về tiền mặt.
Theo VEF


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.