Vỉa hè Hà Nội bị 'xẻ thịt' để cho thuê với giá 'cắt cổ'

Giá thuê vỉa hè tại khu vực phố cổ Hà Nội có thể được chủ nhà "hét giá" lên tới 10 triệu đồng/tháng

Giá thuê vỉa hè tại khu vực phố cổ Hà Nội có thể được chủ nhà "hét giá" lên tới 10 triệu đồng/tháng nhưng theo Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-C, hành vi cho thuê vỉa hè là vi phạm pháp luật.

Trong thời gian gần đây, các cấp, ban ngành của Hà Nội đang ráo riết “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ. Tuy nhiên, từ rất lâu, tất cả các vỉa hè của Thủ đô đã được các chủ nhà định giá một cách bừa bãi, tùy tiện để cho các hộ kinh doanh thuê kiếm lời.

10 triệu đồng thuê 4m2 vỉa hè/tháng

Từ lâu, vỉa hè đã được các chủ nhà chiếm dụng để cho thuê với giá “cắt cổ”. Họ mặc nhiên lấy đất của Nhà nước mang ra kinh doanh hoặc cho người khác thuê.

Theo tìm hiểu của PV, giá thuê vỉa hè tại Hà Nội có giá đắt ngang ngửa với mặt bằng cửa hàng, đặc biệt là khu vực phố cổ Hà Nội. Ở khu "đất kim cương" này, giá thuê vỉa hè có thể lên tới cả chục triệu đồng/tháng.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lan, một hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thuê mặt bằng vỉa hè trên phố Hàng Điếu, trước cổng chợ Hàng Da phải trả 6 triệu đông/tháng cho 4m2 vỉa hè.

Vỉa hè, vỉa hè Hà Nội, thuê vỉa hè, kinh doanh vỉa hè, vỉa hè phố cổ, buôn bán vỉa hè

Vỉa hè được chủ nhà cho thuê 6 triệu đồng/tháng.

Bà Lan cho biết, sở dĩ bà phải thuê vỉa hè để kinh doanh vì mặt bằng trên phố cổ rất đắt, thậm chí, hiện tại đã không còn chỗ để mà thuê.

Đi xa hơn nữa, tại một số địa điểm trên phố Hàng Da - Hàng Gà, các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trả từ 5 - 10 triệu đồng/tháng cho chủ nhà để được ngồi nhờ.

Không chỉ trong khu vực phố cổ Hà Nội, tất cả các vỉa hè trong thành phố đều được các chủ nhà chiếm dụng làm của riêng, tự tiện cho các hộ kinh doanh thuê, mướn một cách bừa bãi.

Cô Chu Thị Lan Anh, người bán nước trên phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) gần trường đại học Điện Lực, đã phải trả 2 triệu đồng cho chủ nhà để ngồi nhờ kinh doanh. Đáng nói, diện tích vỉa hè của cô Lan Anh chỉ vỏn vẹn 2 - 3m2, chỉ đủ kê quán nước nho nhỏ với vài ba chiếc ghế.

“Họ cho thuê có hợp đồng đàng hoàng, đóng theo quý hoặc cứ 6 tháng 1 lần”, cô này nói.

Theo khảo sát, giá cho thuê vỉa hè gần các trường đại học, bệnh viện, tàu xe, bến bãi, di tích lịch sử là đắt đỏ nhất. Sau đó, giá trị của vỉa hè được định giá theo từng khu vực khác nhau, đắt nhất là khu vực quận Hoàn Kiếm, sau đó đến các quận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng,....

Ngay cả trên một số trang thương mại điện tử, không khó để tìm được các vỉa hè mà chủ nhà cho thuê. Tìm kiếm trên Google thông tin “cho thuê vỉa hè”, ngay lập tức ra cả ngàn thông tin vỉa hè cho thuê, với nhiều mức giá khác nhau.

Cho thuê vỉa hè là vi phạm pháp luật

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi tự ý cho thuê vỉa hè của một số chủ nhà đã vi phạm nghiêm trọng Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Việc thuê đất, thuê nhà, thuê chỗ bán hàng để kinh doanh phải phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự, luật đất đai, nhà ở.

Vỉa hè, vỉa hè Hà Nội, thuê vỉa hè, kinh doanh vỉa hè, vỉa hè phố cổ, buôn bán vỉa hè

Hành vi cho thuê vỉa hè là vi phạm pháp luật. 

Theo đó, một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thuê trong các trường hợp này là: Bên cho thuê tài sản phải là chủ sở hữu tài sản hoặc là người đại diện theo pháp luật, theo ủy quyền của chủ sở hữu tài sản; mục đích, nội dung hợp đồng thuê không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức hợp đồng phải phù hợp với quy định pháp luật...

Nếu hợp đồng thuê tài sản đảm bảo điều kiện về chủ thể, đối tượng, nội dung và hình thức của hợp đồng thì hợp đồng mới có hiệu lực pháp luật, mới được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Còn đối với vỉa hè, hành lang đường bộ thì đây là khu vực công cộng, thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương. Hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu tổ chức nào có hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang giao thông đường bộ... thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng…

Đối với hành vi chiếm vỉa hè, chiếm hành lang giao thông để cho người khác thuê lại là hành vi hai lần vi phạm. Điều 175, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác".

Các chủ nhà có mặt đường, mặt phố chỉ được sử dụng đất và có quyền cho thuê trong khuôn viên đất của mình, còn đối với diện tích đất hành lang trước cửa nhà là thuộc hành lang giao thông, đất công cộng, do Nhà nước quản lý.

Hợp đồng thuê vỉa hè không phù hợp với quy định pháp luật (đối tượng không được phép tham gia giao dịch, bên cho thuê không có quyền cho thuê, nội dung thuê trái pháp luật..) nên hợp đồng này vô hiệu cả về nội dung và hình thức. Cả người lấn, chiếm vỉa hè, lòng đường để cho thuê và người đi thuê đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Cường cho biết thêm, trong khi Hà Nội đang mạnh tay dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, các hộ kinh doanh có quyền kiện chủ nhà để đòi lại số tiền đã thuê theo đúng quy định của pháp luật.

Theo VTC News


kinh doanh vỉa hè

vỉa hè

vỉa hè Hà Nội

giành lại vỉa hè

Vỉa hè phố cổ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.