20 năm "đội lốt" giáo viên

Chưa học hết bậc tiểu học, nhưng "nhà giáo" này đã mạo danh người khác, thay đổi cả lý lịch bản thân để qua mặt chính quyền, người dân trong gần 20 năm đứng trên bục giảng...

Mượn bằng cấp của em trai

Vượt qua vô vàn khó khăn để con em được đến lớp, hàng trăm hộ dân tại các buôn Blang, Thurk, Djrét... xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, Gia Lai - chủ yếu là đồng bào dân tộc Irai, chỉ mong các cháu được học hành tử tế mai này giúp gia đình và xây dựng quê hương. Không ai ngờ một trong những người họ gửi gắm niềm tin lại có dấu hiệu lừa dối, mạo danh để dạy học. Đó là trường hợp bà Trần Thị Ngọc Hưng - giáo viênTrường tiểu học xã Chư Ngọc.

Lần theo các nguồn tin, chúng tôi xác định giáo viên Trần Thị Ngọc Hương đích thị là bà Trần Thị Xuân, quê Hoài An, tình Nghĩa Bình (cũ) - người có trình độ học vấn chưa hết bậc tiểu học. Với trình độ văn hóa như vậy, vì sao bà Trần Thị Xuân lại trở thành giáo viên dạy tiểu học tại xã Chư Ngọc suốt 20 năm qua?

Theo điều tra của PV, bà Trần Thị Xuân đã "đánh lận con đen" bằng cách mượn bằng tốt nghiệp Phổ thông cơ sở (PTCS, cũ) của em trai là Trần Ngọc Hương, sinh ngày 10-4-1969, hiện trú tại Tổ dân phố 7, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, để đăng ký dạy học tại trường Tiểu học Chư Ngọc từ năm 1989.

Để dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng và từng bước thay tên đổi họ từ Trần Thị Xuân sang Trần Thị Ngọc Hương, bà Xuân đều nhờ sự trợ giúp đắc lực của chồng là ông Nguyễn Văn Chức, lúc đó đang giữ chức vụ Phó trưởng Công an xã Chư Ngọc. Tất cả các giấy tờ tùy thân, tên tuổi, CMND, hộ khẩu thường trú..., đều thay đổi cho phù hợp với tấm bằng tốt nghiệp PTCS của người em trai.

Cơ quan chức năng nói gì?

Mặc dù PV đã đăng ký làm việc trước một tuần, nhưng với lý do bận họp, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Pa "không có thời gian" trả lời báo chí. Tiếp chúng tôi, bà Tạ Thị Hải - một cán bộ Phòng GD -ĐT khẳng định: Nếu vấn đề của giáo viên Trần Thị Ngọc Hương là thật, và sẽ kiến nghị phòng có biện pháp xử lý ngay, không che và trốn tránh trách nhiệm.

Tại Phòng GD - ĐT huyện Krông Pa hiện còn lưu giữ hồ sơ, lý lịch, bản sao bằng tốt nghiệp PTCS của bà Trần Thị Ngọc Hương. Theo quan sát của PV, bộ hồ sơ này thể hiện nhiều khuất tất. Cụ thể, trong bản sao bằng tốt nghiệp PTCS, tên thsi sinh được cấp là Trần Ngọc Hương (em trai bà Xuân) đã được viết thêm (viết tắt) thành Trần T. Ngọc Hương. Năm sinh của "giáo viên" Hương cũng bị sửa đổi. Ngoài lý lịch bản thân được thay đổi cho phù hợp với bản sao bằng tốt nghiệp PTCS, trong bản kê khai lý lịch, tên người em trai là Trần Ngọc Hương đã được đổi thành Trần Ngọc Phương.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Đào Chiến - Phó Giám Đốc sở GD - ĐT Gia Lai thừa nhận, bản sao bằng cấp mà bà Trần Thị Ngọc Hương nộp tại phòng GD - ĐT huyện Krông Pa "có vấn đề", hoàn toàn không hợp lệ.

Trong hồ sơ lưu trữ tại Sở GD - ĐT tỉnh Gia Lai, thí sinh Trần Ngọc Hương có giới tính nam, là một trong những thí sinh đậu tốt nghiệp PTCS từ năm 1985, tại Hội đồng thi Phú Cần, huyện Krông Pa, chứ không phải thí sinh Trần Thị Ngọc Hương, hay nói đúng hơn là Trần Thị Xuân - người có giới tính nữ.

Như vậy, việc mạo danh người khác, khai man lý lịch của "giáo viên" Trần Thị Ngọc Hương đã khá rõ ràng. Dư luận băn khoăn, liệu lãnh đạo huyên Kr ông Pa sẽ xử lý ra sao đối với trường hợp này?.

Theo Thanh Luận - Lê Kiến



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.