5 bệnh viện “chẩn” không ra bệnh, bé trai chờ chết

Mỗi ngày từ 5 đến 6 lần bé Bảo sốt cao 39 - 40oC, máu truyền vào cơ thể được một tuần lại “cạn”. Gia đình đưa cháu đi 5 bệnh viện nhưng mỗi nơi chẩn đoán một phách. “Tôi chỉ cần biết thằng bé mắc bệnh gì để nó có chết cũng không oan.”

  Mỗi ngày từ 5 đến 6 lần bé Bảo sốt cao 39 - 40oC, máu truyền vào cơ thể được một tuần lại “cạn”. Gia đình đưa cháu đi 5 bệnh viện nhưng mỗi nơi chẩn đoán một phách. “Tôi chỉ cần biết thằng bé mắc bệnh gì để nó có chết cũng không oan.”

Trường hợp thương tâm ấy là bé Dương Gia Bảo (3 tuổi, ngụ tại xã Phú Văn, Bù Gia Mập, Bình Phước). Theo thông tin từ chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ của bé cung cấp vào ngày 15/9/2012 trên đầu bé bị nổi nhọt lớn và phát ngứa toàn thân. Gia đình đưa cháu đến bác sĩ tư làm xét nghiệm máu thì phát hiện bạch cầu tăng cao.

Bé Gia Bảo mỗi ngày phải vật lộn với sốt cao, thiếu máu
Bé Gia Bảo mỗi ngày phải vật lộn với sốt cao, thiếu máu

Cháu được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị, sau 2 ngày nhọt vỡ, vết thương khô dần cháu được xuất viện nhưng về nhà thì tiếp tục bị sốt cao, uống thuốc không đỡ. Gia đình đưa bé tái khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản và cho thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, tình trạng của bé mỗi ngày một nặng thêm với các biểu hiện chướng bụng, sốt cao, lúc này cháu được chuyển tới bệnh viện Nhi Đồng 2.

Sau nhiều ngày điều trị nhưng không mang lại kết quả, bác sĩ quyết định chọc tủy của bé để tiến hành sinh thiết nhưng không tìm ra bệnh. Khoảng 1 tuần sau bệnh viện tiến hành chọc tủy lần thứ 2, kết quả kiểm tra ban đầu ghi nhận cháu bị ung thư máu - bạch cầu cấp. Nhưng chỉ ít ngày sau, bệnh viện tiến hành xét nghiệm lại và tự bác bỏ kết luận ban đầu. Nhi Đồng 2 đưa cháu qua bệnh viện Truyền máu Huyết học lấy tủy thứ 3 để tìm bệnh nhưng “không rõ nguyên nhân”.

Mỗi bệnh viện chẩn đoán một phách
Mỗi bệnh viện chẩn đoán một phách

Cháu được chuyển sang bệnh viện Nhi Đồng 1, qua 2 lần tiếp tục chọc tủy xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm phế quản cấp, bệnh histiocytosis (mô bào) và nhiễm vi rút (CMV – EVB). Ngay sau kết luận bé Gia Bảo được chuyển sang bệnh viện Ung Bướu để điều trị. Nhưng qua các kết quả kiểm tra tủy đồ tại bệnh Ung Bướu không phát hiện bệnh lý “mô bào” như bệnh viện Nhi Đồng 1, song chính bệnh viện này cũng không tìm ra bệnh.

Đầu năm 2013, gia đình chuyển Gia Bảo ra bệnh viện Nhi TƯ. Tại đây, qua các kết quả xét nghiệm bác sĩ không khẳng định nhưng nghi ngờ bé bị bệnh lý thực bào máu bẩm sinh, đồng thời khuyên gia đình nên đưa bệnh nhi vào phía Nam để tiện cho việc điều trị. Vào lại phía Nam, gia đình chuyển Gia Bảo đến bệnh viện Truyền máu Huyết học, các kết quả kiểm tra tại đây lại cho kết luận “giảm hai dòng” và “giảm ba dòng” không rõ nguyên nhân.

Gia đình chỉ mong tìm được căn bệnh Gia Bảo mắc phải
Gia đình chỉ mong tìm được căn bệnh Gia Bảo mắc phải

Đi khắp 5 bệnh viện tuyến cuối trong nước nhưng “mỗi bệnh viện chẩn đoán một phách” hoặc không tìm ra bệnh của bé khiến gia đình hoang mang. Không tìm được bệnh nên các bệnh viện không thể đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhi. Hơn một năm mắc bệnh Gia Bảo từ một cậu bé cân nặng 14,5kg đến nay cháu chỉ còn da bọc xương, bụng chướng vì gan lách đã lớn độ IV. Nhiều tháng qua, mỗi ngày Gia Bảo phải chống chọi với 5 đến 6 trận sốt cao từ 39 - 40oC. Tuy việc ăn uống và tiêu tiểu vẫn diễn ra bình thường nhưng một tuần cháu buộc phải truyền máu một lần vì tình trạng thiếu máu liên tục diễn ra.  

Đau đớn trước bệnh tình của đứa cháu ngoại, ông Nguyễn Văn Viễn chia sẻ: “Đi gần khắp các bệnh viện có thể đến rồi nhưng đều vô vọng, chúng tôi chẳng biết liệu cháu của mình có mắc phải bệnh hiếm không mà các bệnh viện không tìm ra. Gia đình tôi dự định sẽ đưa cháu đến bệnh viện Chợ Rẫy để nhờ các bác sĩ ở đây can thiệp giúp. Nếu không chữa trị được, tôi chỉ cần biết thằng bé mắc bệnh gì để nó có chết cũng không oan”.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.