Bi kịch cuối đời của cụ bà 83 tuổi

Không bằng lòng để người em út quản lý đất của gia đình theo di chúc của bố, các anh trai đòi chia và ẩu đả xảy ra. Nhìn con cả một mực muốn "đẩy" em vào tù, đòi tiền chữa trị thương tích, mẹ già chỉ biết than: "Đúng là bi kịch".

Không bằng lòng để người em út quản lý đất của gia đình theo di chúc của bố, các anh trai đòi chia và ẩu đả xảy ra. Nhìn con cả một mực muốn "đẩy" em vào tù, đòi tiền chữa trị thương tích, mẹ già chỉ biết than: "Đúng là bi kịch".

Cụ Bấm theo chân các con cháu đến TAND Hà Nội từ sớm để dự phiên phúc thẩm xét xử con trai Trịnh Văn Phú về hành vi cố ý gây thương tích cho ông Trịnh Văn Thân (anh ruột ông Phú). Trong căn phòng nhỏ, bị cáo và bị hại ngồi chờ HĐXX ra làm việc song không ai nói với nhau một câu, vẻ mặt lạnh lùng như người dưng.

Phiên phúc thẩm được mở theo kháng cáo của ông Thân đề nghị tăng nặng hình phạt 24 tháng mà TAND huyện Mê Linh đã tuyên với bị cáo Phú.

Nguyên nhân dẫn đến xung đột trong gia đình khiến ông Phú cầm tuýp sắt đánh anh trai gây thương tích 11% dần hiện lên qua quá trình thẩm vấn. Do cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông Phú bỏ ruộng đồng vào miền Nam buôn bán đồng nát. Hàng tháng họ gửi tiền về quê cho các con và mẹ già 83 tuổi sinh hoạt. Năm 2010, người anh cùng gia đình về quê, sống trong căn nhà cấp 4 do bố di chúc lại cho ông Phú. Cũng từ đó, nội bộ gia đình mâu thuẫn liên miên, ông Thân cùng các em đòi ông Phú chia đất để mỗi người được hưởng một phần.

Bi kịch cuối đời của cụ bà 83 tuổi 1
 
 Cụ Bấm bảo xót xa khi chứng kiến việc con trai cả quyết tâm "đẩy" em vào tù. Ảnh: Việt Dũng.

Giữa tháng 8/2011, ông Phú sau 5 năm làm ăn, tích cóp được chút vốn đã trở về quê xây nhà. Tình cảm anh em trong gia đình vốn sứt mẻ, thêm chuyện này càng như "đổ thêm dầu vào lửa". Trong lúc gia đình ông Phú tổ chức xây dựng, ẩu đả đã xảy ra. "Ông Thân ném gạch làm con gái của bị cáo ngất xỉu. Các anh khác thì cầm xẻng tấn công bị cáo. Trong lúc bực tức, bị cáo lấy tuýp sắt đánh trả", bị cáo Phú trình bày.

Sau khi vụ án xảy ra, ông Thân không đòi bồi thường chữa trị vết thương. Tại phiên phúc thẩm ngày 6/8, ông bất ngờ trình lên HĐXX các giấy tờ viện phí và đề nghị được xem xét. "Đến bây giờ ra đây, không còn tình nghĩa anh em gì nữa. Phải bồi thường tiền thuốc men cho tôi", ông nói.

Theo ông Thân, việc bị cáo Phú được hưởng căn nhà hương hỏa là sai. Ông tố cáo em trai "ác như đế quốc" khi thường xuyên đánh đập bố.

Chủ tọa hỏi lại, nếu thực sự có việc đó thì sao người bố lại di chúc để mảnh đất lại cho ông Phú, có cả chứng nhận của chính quyền địa phương. Ông Thân lặng im.

Cụ Bấm lưng còng ngồi phía dưới nhìn chằm chằm vào người con cả và nói vọng lên: "Hoàn toàn bịa đặt. Đúng là bi kịch". Cụ tay vịn vào tường, trình bày với HĐXX rằng sinh được 4 trai, 3 gái và ông Phú là người tử tế nhất. "Không ai nuôi, đoái hoài đến bố mẹ, chỉ có thằng Phú chăm nom chúng tôi", cụ nói.

Khi chồng bà còn sống, biết con út có hiếu nên đã di chúc để lại mảnh đất hương hỏa cho chăm sóc. Cụ Bấm cũng đồng tình với chồng. "Anh nào có trách nhiệm thì anh đó được. Còn cái đám này nào có đoái hoài gì đến mẹ già đâu", cụ buồn bã nói. Theo cụ, ông Phú sống tình nghĩa, còn có thời gian dài nuôi con của ông Thân khi cháu mới 10 tháng tuổi.

Trước thái độ kiên quyết đề nghị xử tù em trai, đòi bồi thường, vị chủ tọa và các thẩm phán đã mở lòng, chia sẻ với ông Thân về mối quan hệ "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Theo họ, với tư cách làm anh thì phải là tấm gương cho em noi theo, chấp chi mảnh đất để khiến mâu thuẫn kéo dài, biết đến lúc nào mới được giải quyết. "Mọi việc đáng lẽ ra phải ngồi lại nói với nhau, sao phải liên tục đưa nhau ra chính quyền giải quyết", chủ tọa nói.

Đứng lặng thinh phía sau em trai, ông Thân nói như cố giải thích : "Tôi không tranh giành đất để ở mà chỉ đứng ra dàn xếp cho các em". Trình bày vậy nhưng khi em trai quay xuống xin lỗi, ông nhất định không chấp nhận.

Trong giờ nghị án, vị đại diện VKS khuyên bị cáo cũng như bị hại sau này nên sống ôn hòa để mở nút những mâu thuẫn âm ỉ trước đó. Ông Thân nói: "Mẹ tôi ở với nó nhưng sau này bà mất thì mọi việc vẫn lại đến tay tôi". Ngồi hàng ghế dưới, cụ Bấm quay mắng người con cả: "Không biết xấu hổ". Đáp lại mẹ, ông Thân nói: "Chính bà mới không biết xấu hổ".

Sau khi xem xét, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của ông Thân, tuyên y án sơ thẩm với ông Phú. Riêng phần bồi thường, do tại cấp sơ thẩm ông Thân không đề nghị nên tòa không xem xét. "Ông có thể khởi kiện ở một vụ án dân sự về tiền bồi thường", vị chủ tọa kết thúc phiên xử.

Theo VnExpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.