Các kênh Sở Y tế ''soi'' thẩm mỹ Cát Tường đã tê liệt

Sau vụ việc kinh hoàng xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường, một điều đơn giản là cung cấp kịp thời, công khai thông tin về các cơ sở được cấp phép cho người dân lựa chọn thì Sở Y tế Hà Nội lại không làm được!

Sau vụ việc kinh hoàng xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường, một điều đơn giản là cung cấp kịp thời, công khai thông tin về các cơ sở được cấp phép cho người dân lựa chọn thì Sở Y tế Hà Nội lại không làm được!
 

Dân không biết tra cứu thông tin ở đâu

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, kể từ khi pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân có hiệu lực (từ năm 2003) và mới đây nhất là Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực (từ năm 2011), thì tính tới thời điểm hiện tại, toàn thành phố Hà Nội có 35 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép hành nghề (trong đó có 2 cơ sở đã đóng cửa).

Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động chui suốt 6 tháng nay, tự quảng cáo rầm rộ trên website nhưng không ai biết cơ sở này vi phạm


Tuy nhiên, trong khi lãnh đạo ngành y tế, thanh tra y tế luôn khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi trao sức khỏe, sinh mạng của mình cho các cơ sở y tế, trong đó nhấn mạnh đến việc người dân sử dụng dịch vụ tại các cơ sở đã được cấp phép, thì thực tế là danh sách những cơ sở được cơ quan chức năng cho phép hành nghề không hề được phổ biến rộng rãi đến họ.

Mỗi khi người dân có nhu cầu, họ không biết cần phải tra cứu ở đâu để biết cơ sở nào được cấp phép, cơ sở nào không.

Thậm chí, có những cơ sở được cấp phép từ cách đây 3-5 năm nhưng không được phổ biến đến người dân.

Vì thế, các cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui vẫn có đất sống (thậm chí mọc lên như nấm dưới các tên gọi khác nhau), dẫn đến hậu quả là có những người dân đã phải trả giá bằng sinh mạng của mình.

Khi được hỏi về việc này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc quản lý danh sách các cơ sở được cấp phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Phòng Quản lý hành nghề (Sở Y tế).

Tính đến thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội chưa đưa danh sách 35 cơ sở trên lên website của Sở (hoặc các website chính thống khác).

Việc công khai danh sách các cơ sở này không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn những sai phạm của các thẩm mỹ viện, song nó góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, giúp họ có thể tự phát hiện và tố giác kịp thời sai phạm với cơ quan quản lý.

Được cấp phép vẫn vi phạm

Đối với 35 cơ sở được cấp phép hành nghề, không phải được cấp phép là được làm tất cả các dịch vụ.

Phạm vi được phép hành nghề của các cơ sở này được quy định rõ ràng, cụ thể trong thông tư 41 của Bộ Y tế (Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2011).

BS Nguyễn Mạnh Tường khi chưa bị bắt


Tuy nhiên, việc hành nghề quá phạm vi của các thẩm mỹ viện được cấp phép vẫn diễn ra trên thực tế (theo quy định, thẩm mỹ viện không được nâng ngực, lấy mỡ cơ thể, vv …).

Trong năm 2012, Thanh tra Sở Y tế đã tước giấy phép hoạt động của 2 cơ sở và năm 2011 đã tước giấy phép hoạt động của 1 cơ sở thẩm mỹ viện (bên cạnh xử phạt hành chính) do có vi phạm trong quá trình hành nghề.

Đối với thẩm mỹ viện Cát Tường, ông Cường cho biết cơ sở này có giấy phép đăng ký kinh doanh dưới tên gọi “Thẩm mỹ viện Cát Tường” do quận Hai Bà Trưng cấp từ tháng 5/2013, nhưng không được Sở Y tế cấp phép hành nghề là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (loại hình kinh doanh có điều kiện).

Thực tế là trong suốt thời gian qua, cơ sở này đã lợi dụng giấy phép kinh doanh dưới tên gọi “thẩm mỹ viện” để tiến hành các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ mà không xin phép cơ quan quản lý.

Về việc thẩm mỹ viện này hoạt động và quảng cáo rầm rộ trong suốt 6 tháng qua nhưng cơ quan thanh tra không phát hiện ra, ông Cường cho biết thẩm mỹ viện Cát Tường quảng cáo trên một trang web riêng của họ hoặc qua mạng xã hội nên công tác kiểm tra, ngăn chặn sớm gặp khó khăn.

Chánh Thanh tra Sở Y tế cũng nêu ra 4 “kênh” để lãnh đạo Sở Y tế thu thập thông tin về các sai phạm, gồm: Hệ thống thanh tra (định kỳ, đột xuất); Thông tin từ các cấp cơ sở; Bản thân người dân, người bệnh, đơn thư tố giác; Đường dây nóng, …

Tuy nhiên, qua vụ việc của thẩm mỹ viện Cát Tường có thể thấy là cả 4 kênh này dường như “tê liệt” vì suốt 6 tháng trời cơ sở này hoạt động rầm rộ mà không ai hay biết là hoạt động chui!

Ông Cường lưu ý người dân cách phân biệt phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép dựa vào các dấu hiệu: Trên biển hiệu phải có ghi rõ “phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ”, tên bác sỹ phụ trách chuyên môn, số chứng nhận hành nghề cũng như giờ giấc làm việc, vv…
 
Quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn của các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ trong thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế:
- Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ;

- Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai;

- Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể;

- Các kỹ thuật chuyên môn khác do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế của người hành nghề và điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám;

- Việc phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng đã được xác định trong chứng minh nhân dân chỉ được thực hiện sau khi người có yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đã có đơn gửi cơ quan công an nơi cấp chứng minh nhân dân.

Theo Cẩm Quyên (VietNamNet)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.