“Cán bộ hư, thủ trưởng phải chịu trách nhiệm”

Chiều qua, khép lại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm rõ thêm nhiều vấn đề được các ĐBQH nêu. Phó Thủ tướng cũng trực tiếp trả lời chất vấn tại hội trường.

Chiều qua, khép lại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm rõ thêm nhiều vấn đề được các ĐBQH nêu. Phó Thủ tướng cũng trực tiếp trả lời chất vấn tại hội trường.



Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bài học của tôi là tâm huyết, dám chịu trách nhiệm về những vấn đề được phân công theo dõi.

Phiên chất vấn Phó Thủ tướng nóng lên ngay từ đầu với câu hỏi hóc búa của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): “Vinashin, Vinalines vẫn là gam màu tối. Nhiều món nợ vẫn còn treo đó. Kết quả và hiệu quả tái cơ cấu các doanh nghiệp này ra sao?”. Đánh giá “đây là câu hỏi lớn, rất khó”, Phó Thủ tướng đã trình bày khá chi tiết vấn đề ĐB nêu. Phó Thủ tướng nhắc lại ngắn gọn về lịch sử hình thành cũng như quá trình xử lý vụ việc tiêu cực tại Vinashin sau đó nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, đã khởi tố, bắt giam, xét xử, thi hành án nhiều đối tượng có liên quan... 

Phó Thủ tướng đánh giá: “Chúng ta tái cơ cấu Vinashin trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, rất nhiều khó khăn. Kết quả đến nay đã có sự ổn định hơn, có phương án kinh doanh. Doanh nghiệp đã đóng, bàn giao 170 tàu lớn. Nếu như không tiếp tục sản xuất, số lỗ sẽ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ đồng nữa. Một vấn đề nữa là các khoản nợ đã được tái cơ cấu lại. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục tái cơ cấu”. Phó Thủ tướng phân tích: “Nếu tái cơ cấu lại được, ngành công nghiệp đóng tàu sẽ có triển vọng mới. Có ý kiến cho rằng, khó khăn vậy, sao không cho phá sản? Cần hiểu Vinashin là doanh nghiệp Nhà nước, nếu phá sản thì Nhà nước vẫn phải trả nợ thay. Thêm nữa, hơn 30.000 gia đình sẽ không ổn định cuộc sống, rồi còn uy tín nữa”. Phó Thủ tướng đồng thời thông tin: “Vinalines cũng đang tái cơ cấu mạnh mẽ. Vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi nghĩ là sẽ vượt qua. Chính phủ quyết tâm thực hiện...”.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu vấn đề: “Năng lực phục vụ, cán bộ công chức có vấn đề. Còn tỷ lệ không nhỏ công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Dân rất bất bình. Trách nhiệm của các cấp, ngành ra sao, phải làm gì để chấn chỉnh?”. Phó Thủ tướng cho biết, dù đã có cố gắng song hệ thống thể chế, bộ máy còn nhiều tồn tại. Người dân còn phàn nàn. Phó Thủ tướng cũng đánh giá, một bộ phận cán bộ còn thói cửa quyền, vô cảm, nhũng nhiễu dân. Đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng nói: “Phải mô tả được một cách cụ thể công chức nào, làm việc gì để quy trách nhiệm. Cán bộ hư thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm và nếu gây thiệt hại phải bồi thường. Phải lấy tiêu chí hài lòng của người dân, doanh nghiệp để chấm dứt sự vô cảm của cán bộ”.



ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Bài học nào khi chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, khiếu nại tồn đọng?

Tiếp tục chất vấn Phó Thủ tướng, ĐB Lê Như Tiến hỏi: “Chính phủ đã đi nửa nhiệm kỳ, với trách nhiệm cá nhân của mình, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, xử lý, đưa ra ánh sáng bao nhiêu vụ án tham nhũng điển hình, giải quyết bao nhiêu vụ khiếu nại tồn đọng? Bài học nào là tâm đắc nhất?”. Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Công tác phòng chống tham nhũng đã được chỉ đạo quyết liệt, đã xử lý được một số vụ việc nổi cộm với tinh thần cương quyết, đúng pháp luật. Về công tác khiếu nại tố cáo, tôi cũng chỉ đạo rất quyết liệt, đã giảm được số lượng đơn thư, người khiếu nại tố cáo. Trong 528 vụ kéo dài, đã giải quyết dứt điểm 462 vụ (đạt 88%). Có thể nói, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có chuyển biến tương đối rõ nét. Bài học của tôi ở đây là tâm huyết, dám chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về những vấn đề được phân công theo dõi”.

Về câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) xung quanh công tác phòng, chống tội phạm, Phó Thủ tướng cho biết: “5 tháng năm 2013, đã điều tra khám phá trên 17.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội; xử lý 39.500 đối tượng; triệt phá 962 nhóm tội phạm; xử lý 144 vụ vi phạm kinh tế, tham nhũng, bắt hơn 4.600 đối tượng truy nã...”. Phó Thủ tướng lưu ý, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc phòng, chống tội phạm. Cấp ủy địa phương và lực lượng công an chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Cùng với đó, phải tiếp tục trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng phòng chống tội phạm, nhân lên những mô hình tốt như mô hình 141 của CATP Hà Nội...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thường xuyên xem xét hiệu quả 2 dự án bauxite

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về hiệu quả của hai dự án bauxite tại Tân Rai và Nhân Cơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư phải thường xuyên xem xét đến điều kiện thị trường và tính hiệu quả của dự án. Nếu phát hiện dự án không hiệu quả thì phải có giải pháp để xử lý. “Nếu không xử lý được thì thậm chí phải ngừng dự án để giúp cho chủ đầu tư không bị thiệt hại hơn”. Phó Thủ tướng cũng cho biết, với dự báo (về giá bán) mang tính bảo thủ và an toàn, dự án Tân Rai vẫn hiệu quả, tuy thời gian Đậmlỗ lũy kế bị kéo dài hơn (từ 3 năm lên 5 năm) và thời gian thu hồi vốn cũng bị kéo dài. Phó Thủ tướng nói: “Tôi hiểu ĐB chưa yên tâm về hiệu quả của dự án. Chúng tôi rất chia sẻ với tâm tư này”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: Đang xây dựng mức lương tối thiểu mới

Sáng 14-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời câu hỏi quan trọng về thời điểm tăng lương tối thiếu mà ĐB Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) đã nêu ra từ chiều 13-6. Bộ trưởng nói: “Việc nâng mức lương tối thiểu phải thông báo trước 60 ngày đối với doanh nghiệp. Riêng năm 2012 vừa rồi, việc thông báo lương tối thiểu cũng có chậm so với quy định. Doanh nghiệp rất khó khăn bởi vì khi nâng lương tối thiểu thì các doanh nghiệp phải đưa vào kế hoạch tiền lương của mình năm sau. Năm nay, vẫn tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu. Chúng tôi cũng đã cùng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và với cơ quan liên quan đã chuẩn bị để xây dựng một chương trình, trình Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng đối với khối doanh nghiệp. Với tinh thần sớm quyết định trong năm 2013 để năm 2014 các doanh nghiệp không ảnh hưởng. Hiện nay, chúng tôi đang bắt tay làm công việc này”.

Theo An Ninh Thủ Đô


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.